Hẻm ở Sài Gòn

Hẻm ở Sài Gòn

Thứ 2, 11/03/2013 | 09:15
0
Hẻm ở Sài Gòn là một trời tuổi thơ mà nhiều người đi xa quay quắt nhớ.

Nhiều người ví von rằng hẻm Sài Gòn như những con lạch nhỏ chảy ra sông, như sông chảy ra biển, hòa vào đại lộ thênh thang. Kỳ thực, hẻm chính là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tạo ra phần hồn cho thành phố. Không thể biết rằng Sài Gòn có bao nhiêu con hẻm nhưng có một điều dễ hiểu là nhắc đến hẻm, người ta nhớ đến những con đường dài hun hút, ngoắt nghéo, tối tăm. Nhiều con hẻm chỉ cua quẹo lọt một chiếc xe đạp qua. Có những nhà bóng lộn nhưng cũng có những nhà xám xịt, không có số nhà.

Lạ & Cười - Hẻm ở Sài Gòn

Câu chuyện về tình người vẫn diễn ra thầm lặng mỗi ngày

Sài Gòn là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền đất nước. Bởi thế hẻm Sài Gòn cũng mang những nét văn hóa riêng của rất nhiều miền đất. Ta có thể bắt gặp nhiều ngõ ở quận Phú Nhuận là nơi tụ tập của người miền Bắc. Nhiều hẻm ở Tân Bình là chốn cư trú của người miền Trung mà đại diện là dân vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Hẻm ở quận 5 lại là chốn buôn bán hàng quán tấp nập của người Hoa. Cũng có những con hẻm người ta gắn bó với nhau vì cùng làm một nghề (làm lồng đèn ở quận Tân Phú; làm bánh mứt ở quận 3, đầu lân ở các quận 5, 6, 11)… Có những con hẻm lại cùng chung một tín ngưỡng, chung một cộng đồng tộc người. Điển hình như hẻm của những người theo đạo, hẻm của những tộc người Chăm, người Khmer, người Hoa.

Những con hẻm này đã hình thành từ trăm năm nay. Phần lớn người trong hẻm là dân tứ xứ tập trung về rồi tạo thành cộng đồng gắn bó với nhau. Bước chân vào những con hẻm này người ta thấy vừa cũ kỹ, vừa bình dị như bước vào một làng quê nào đó.

Ngửa mặt lên chỉ thấy le lói chút ánh sáng hắt qua phần không gian chật hẹp của hai dãy gác nhà san sát nhau. Nhà này đối diện nhà kia chỉ vài bước chân. Chiều về, lũ trẻ thì chơi đùa trên đường hẻm, các cụ già lại ngồi trên bậu cửa nhà mình mà trò chuyện với những bạn già nhà đối diện. Không gian hẻm chật nhưng lòng người rộng rãi. Nhà này cứ nhìn vào nhà kia mà sống sao cho trọn cái tình người trong những con hẻm ngoằn ngoèo, dài hun hút.

Đang ở ngoài con đường lớn đông nghẹt người xe, hối hả, ồn ào, bước chân vào hẻm là một không gian hoàn toàn khác. Nó có thể tối tăm một chút, bình dân một chút nhưng sao thấy nó gần gũi thế, thân tình thế, bình yên thế. Cái chộn rộn trong những con hẻm này cũng khác với tiếng chộn rộn ở đường phố hoa lệ ngoài kia.

Tiếng người ta hỏi han nhau, trò chuyện, cười đùa với nhau, và cả tiếng người ta la mắng nhau… cũng khác. Cứ thế, trong lòng Sài thành, những câu chuyện về tình người vẫn diễn ra thầm lặng mỗi ngày. Nó như làm dịu đi nhịp sống đang ngày càng hối hả của một thành phố hiện đại.

Bây giờ, muốn tìm đến những con hẻm chật hẹp, cũ kỹ ở Sài Gòn thì phải đi sâu vào những khu dân cư lao động đã sống lâu đời ở quận 1, quận 5, quận 3, quận 4… Bởi ở TP.HCM ngày nay, còn có những con hẻm rộng thênh thang, đẹp đẽ, có cả cổng sắt từ ngay đầu hẻm. Trong hẻm, nhà nào nhà nấy ngay hàng thẳng lối, kín cổng cao tường. Đó là những hẻm nhà giàu, hẻm biệt thự. Có hẻm quanh năm suốt tháng vắng như tờ, nhà nào cũng cửa đóng then cài, lại có hẻm cũng náo nhiệt bán buôn.

Khách phương xa tới thì cho rằng hẻm ở Sài Gòn là một xã hội thu nhỏ gồm nhiều thành phần khác nhau. Nghèo có, giàu có, già có, trẻ có, trí thức có, buôn thúng bán bưng cũng có. Nhiều người khác lại cho rằng, hẻm ngõ Sài Gòn mang nhiều hơi thở hằng ngày của đời sống tiểu thị dân. Nơi mà con hẻm không chỉ là đường đi, mà còn là nơi buôn bán, mưu sinh của những người dân sống tại đó.

Nhưng dù cho có bao nhiêu cách gọi tên, hẻm Sài Gòn vẫn là phần hồn tinh túy của văn hóa Sài Gòn, là mạch ngầm của đời sống người Sài Gòn, là thứ lắng đọng lại sau những ồn ào, phồn hoa của hình ảnh một TP.HCM hiện đại đang trỗi dậy. Nơi đây gợi nhiều xúc cảm, gợi nhiều thương nhớ cho những ai từng một lần sống trong hẻm Sài Gòn.

Hương Lam