Hiệu trưởng ‘giữ hộ’ tiền chế độ: Thương học sinh như con

Hiệu trưởng ‘giữ hộ’ tiền chế độ: Thương học sinh như con

Thứ 6, 16/06/2017 | 05:39
0
Có lẽ vị hiệu trưởng trường PTDTNT tỉnh Kon Tum coi tất cả các học sinh trong trường như con đẻ của mình nên mới có những suy nghĩ và hành động đầy tình “yêu thương” đến vậy.

Cuộc sống xô bồ đẩy con người ta vào guồng quay vội vã của “cơm, áo, gạo, tiền” luôn được đem ra làm lý do cho việc thờ ơ, bỏ bê con cái của các bậc phụ huynh. Không ít đứa trẻ dành thời gian cho các thiết bị điện tử còn nhiều hơn với cha mẹ chúng và ngược lại. Nhưng câu chuyện về vị hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) tỉnh Kon Tum lại khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Có cha mẹ nào khi biết con em mình uống rượu, hút thuốc, son phấn từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà không ra sức cấm đoán, thậm chí còn mắng mỏ, đánh phạt? Xuất phát từ tình yêu thương và lo lắng cho học sinh của mình, ông Lý Thế Quyền – Hiệu trưởng trường PTDTNT tỉnh Kon Tum đã “giữ hộ” hơn 300 triệu đồng tiền chế độ hàng tháng do Nhà nước hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số để “phòng ngừa các em lấy tiền mua rượu uống”.

Xi nhan Trái Phải - Hiệu trưởng ‘giữ hộ’ tiền chế độ: Thương học sinh như con

 Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum - nơi có vị hiệu trưởng hết lòng quan tâm đến các em học sinh. (Ảnh: Thanh Niên)


Nhưng câu chuyện lại không đơn giản như vậy. Bởi số tiền chế độ này đã được sử dụng một cách “hợp tình hợp lý”: Phục vụ mục đích giáo dục.

Cụ thể, năm học 2016 – 2017, ông Quyền tổ chức thu tiền dạy phụ đạo cho 307 em học sinh khối 10,11 trong 8 tháng (9/2016 – 4/2017) với học phí 100.000 đồng/em/ tháng. Còn với 114 các em học sinh lớp 12, số tiền này là 800.000 đồng/em/ tháng, học trong 7 tháng (9/2016 – 3/2017).

Với số tiền học phí lớn như vậy thì sẽ là trở ngại cho không ít gia đình, bởi không phải hoàn cảnh gia đình nào cũng khá giả, đủ điều kiện cho con em mình học phụ đạo. Vậy nên “sáng kiến” của vị hiệu trưởng này là lấy số tiền chế độ hàng tháng do Nhà nước hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số 920.000 đồng/em/tháng để bù vào.

Theo quy định, số tiền hỗ trợ ấy phải chi trả hàng tháng cho các em học sinh dân tộc thiểu số nhưng ông Quyền đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm giữ lại một phần rồi trừ vào tiền học phụ đạo. Phần còn lại không thấy nói đến.

Quả là một quyết định “sáng tạo” khi các em học sinh vừa được đi học, lại tránh xa tệ nạn xã hội như rượu chè bê tha mà bố mẹ chúng cũng đỡ được một khoản phí phải lo.

Giải thích cho hành động này, trả lời trên báo Thanh niên, ông cho hay: “Khi nào học sinh cần mua thứ gì, giáo viên chủ nhiệm mới chi tiền”. Việc làm này để tránh các em lấy tiền đi mua rượu hết.

Hẳn ông phải là người biết "nhìn xa trông rộng", với số tiền hàng tháng gần 1 triệu đồng/em, lẽ nào có thể uống rượu hết? Và chẳng lẽ hơn 400 em học sinh ở trường, em nào cũng có máu rượu chè?

Trái với mong mỏi của ông, các giáo viên trong trường đã nộp đơn tố cáo hành động này lên sở GD-ĐT tỉnh và đích thân ông Nguyễn Phúc Phận, Giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum đã dẫn đoàn kiểm tra xác minh. Kết quả là những con số thống kê ở trên.

Vị hiệu trưởng “có tâm” này còn thanh minh rằng nhà trường thu tiền dạy phụ đạo là do phụ huynh thống nhất với nhà trường từ đầu năm học. Tuy nhiên, Giám đốc sở đã chỉ đạo cho ông trả lại hơn 376 triệu đồng cho học sinh thu từ việc tổ chức dạy phụ đạo trái quy định này.

Ngẫm mới thấy, chỉ là vị hiệu trưởng này “giữ hộ” tiền chế độ của các em học sinh vì lo nghĩ cho các em, coi chúng như con mình thôi chứ có phải dùng số tiền đó tiêu vào mục đích khác đâu nhỉ?! Phải lo nghĩ cho chúng như con đẻ của mình, sợ chúng hư thì mới quản lý thay cha mẹ chúng như vậy đấy chứ?!

Thảo Nguyên

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cùng chuyên mục

Vinh của Vinh

Thứ 4, 31/01/2024 | 07:00
Có thể hơi chơi chữ chút, nhưng nó là như thế này, tôi muốn nói về cuốn “Vinh phố của tôi” của Phạm Thùy Vinh.

Trước tiền…

Thứ 2, 09/10/2023 | 07:00
Từ năm 1998, pháp lệnh chống tham nhũng đã được ban hành, và về danh nghĩa nó phải được thực hiện nghiêm túc từ hồi ấy.

Chơi mạng xã hội

Thứ 2, 25/09/2023 | 07:00
Vụ án bà Phương Hằng vừa chấm dứt với bà, còn một số người liên quan vẫn đang... chờ.

Quân hồi vô phèng

Thứ 4, 20/09/2023 | 07:37
Thú thực, cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ lắm cái câu mà ngày xưa tôi thấy mẹ tôi hay dùng để mắng chúng tôi khi chúng tôi làm gì đấy mà cụ cho rằng vô tổ chức, vô kỷ luật, trên dưới lộn tùng phèo...

Lại nói về văn học trong nhà trường phổ thông

Thứ 7, 09/09/2023 | 07:07
Văn chương khi được đưa vào nhà trường phổ thông, buộc phải qua một quá trình lựa chọn vô cùng khắt khe...
     
Nổi bật trong ngày

Có về đây sống được không?...

Thứ 5, 25/04/2024 | 07:00
Trong kỳ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa rồi, tôi có cùng vợ về quê. Vợ tôi là người Nùng, quê Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Một huyện giáp biên giới Trung Quốc, nơi có Thác Bản Giốc nổi tiếng.