Vụ 400 tờ vé số: Kẻ sang trọng lừa người khuyết tật

Vụ 400 tờ vé số: Kẻ sang trọng lừa người khuyết tật

Thứ 6, 25/01/2013 | 09:05
0
Vụ một người khuyết tật tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) bị lừa 400 tờ vé số vào ngày 21/1 đã khiến nhiều người dân cảm thấy bức xúc. Khi mà người khuyết tật phải vất vả kiếm từng đồng tiền lẻ mưu sinh thì lại bị kẻ ăn mặc sang trọng, có sức vóc khỏe mạnh lừa đảo.

Nhiều người cho rằng, hiện nay, số vụ lừa đảo nhắm đến người khuyết tật ngày càng nhiều. Nó như tiếng chuông cảnh báo về cái tình người đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

"Mở hàng" bằng vụ lừa 400 tờ vé s

Gặp chúng tôi, chị Huỳnh Thị Thuận (SN 1977, tạm trú tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) bán vé số tại ngã tư Tân Phong (TP. Biên Hòa) vẫn còn ám ảnh về tên lừa đảo. Chị Thuận kể lại: "Sáng hôm đó (ngày 21/1 - PV), tôi đi bán vé số sớm hơn mọi ngày. Vừa nhờ người kê xong dù che nắng, bày vé số ra thì có vị khách đến mở hàng. Hắn khoảng 45 tuổi, đi xe tay ga Atila màu đen, đeo kính, ăn mặc sang trọng, nói năng nhã nhặn, trông rất lịch sự. Tôi tưởng là cán bộ Nhà nước nên cũng yên tâm và nói chuyện. Thấy tôi ngồi trên xe lăn, không thể di chuyển, lại khuyết tật ở tay nên hắn hỏi tôi có đổi vé số trúng thưởng không".

Tin người, chị Thuận nói không có tiền, chỉ đổi vé số thường lấy vé số trúng thưởng. Người đàn ông này liền gật đầu đồng ý. Hắn cho biết có mua 40 tờ trong xấp vé 60 tờ cùng số và trúng giải 8 (mỗi giải 100 ngàn đồng).

Tổng cộng là 4 triệu đồng, đổi tương đương 400 tờ vé số. Sau khi nhìn thấy tờ vé số có số trùng với kết quả xổ ngày 17/1/2013 của đài xổ số tỉnh Tây Ninh nên chị Thuận yên tâm. "Nhưng do không có tay nên tôi không thể cầm tờ vé số trúng được, đành kêu ông ta bỏ vào túi đeo trước ngực.

Cũng như mọi khi, ai mua vé số thì họ tự chọn số rồi lấy và cho tiền vào túi của tôi. Nếu phải thối lại tiền thì họ cũng tự tay lấy lại tiền thừa", chị Thuận tâm sự. Vì đang lúc sáng sớm, lại thấy gã này ăn mặc lịch sự nên người bán vé số tin tưởng tuyệt đối. Biết con mồi đã cắn câu, hắn đưa tay gom hết 400 tờ vé số trên bàn đã được bày ra.

Sau khi người khách đổi được 400 tấm vé, hắn rồ ga chạy mất bóng. Chị Thuận liền gọi điện cho đại lý đến để đổi tờ trúng và lấy thêm vé để bán tiếp. Khi người của đại lý đến và móc tờ vé trúng thưởng ra, nhìn kỹ thì thấy nó cộm lên ở con số 3 trong dãy số trúng.

Số trúng thật giải 8 có số đuôi là 65 nhưng kẻ lừa đảo đã dán số 3 trong dãy số 496435 thành số 6 cho khớp với tờ trúng thưởng. Khi người của đại lý lấy tay gỡ mạnh thì số 6 hiện nguyên hình là số 3. "Lúc này, tôi như muốn ngã qụy xuống. Vì 400 tờ vé số là một tài sản lớn đối với tôi. Không biết làm gì, tôi chỉ biết bật khóc", chị Thuận kể tiếp.

Xã hội - Vụ 400 tờ vé số: Kẻ sang trọng lừa người khuyết tật

Một người dân cùng chia sẻ với chị Thuận về chuyện bị lừa

Chị Thuận cho biết thêm, đây không phải lần đầu chị bị lừa. Cách đây khoảng 5 ngày, chị cũng bị kẻ gian lừa 1,5 triệu đồng. Hôm đó, có một người khách hỏi mua 20 tờ vé số. Tên này hỏi có tiền lẻ đổi cho hắn tờ 500 ngàn đồng. Khi chị Thuận đồng ý, hắn nói sẽ đổi 3 triệu đồng, rồi móc túi lấy 2,8 triệu (trừ 200 ngàn tiền vé số - PV) đưa cho chị Thuận. Về đến nhà kiểm tra lại tiền, chị Thuận tá hỏa khi bị mất 1,5 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hoài, bán hàng rong tại TP. Biên Hòa chia sẻ, cách đây mấy ngày một ông câm bán vé số cũng bị lừa mấy trăm ngàn. Hiện nay, hầu như bọn cướp, lừa đảo đang nhắm vào những người khuyết tật. Đây là những người yếu thế. Khi bị cướp, lừa thì ít có cơ hội phản kháng.

Hoàn cảnh đáng thương của người phụ nữ tật nguyền

Chúng tôi tìm đến ngã tư Tân Phong để tìm hiểm thêm thông tin về vụ việc của chị Thuận. Ngoài những tên lừa đảo, cướp giật vô lương tâm thì còn đó tình thương của con người với con người. Bởi, hỏi đến chuyện chị Thuận, ai cũng kể vanh vách vụ việc, y như nó xảy ra với mình.

Mọi người đều tỏ ra thương xót cho người đàn bà tật nguyền này. Chị Thuận không thể tự di chuyển, không thể cầm nắm nhưng hàng ngày vẫn “dọn hàng” từ sáng sớm. Đến buổi tối, khi khách trên đường thưa thớt, chị mới chịu nghỉ. Chị Nguyễn Thị Cẩm Trúc, chủ một cửa hàng vịt quay ngay ngã tư Tân phong chia sẻ: "Tôi thấy thương chị Thuận quá chừng. Người ta đã tật nguyền phải vất vả mưu sinh như thế, lại còn bị kẻ gian lừa đảo. Đúng là chó cắn áo rách".

Không chỉ là những người đồng cảnh rời xa quê để mưu sinh thương cảm cho chị Thuận mà rất nhiều người xung quanh biết chuyện cũng đã hỏi han, động viên chị Thuận bằng cả tinh thần lẫn vật chất. "Từ hôm xảy ra vụ việc, nhiều người biết chuyện đã động viên, an ủi và cho tôi khá nhiều tiền.

Đến ngày 23/1, tôi đã nhận được hơn 9 triệu đồng từ mọi người. Tôi cũng đã trả cho đại lý vé số 2 triệu trước rồi, còn 2 triệu sẽ trả trong thời gian tới", chị Thuận chia sẻ. Khi gặp chúng tôi cũng là lúc chị đã "dọn hàng" xong xuôi, đợi anh xe ôm thân quen đến chở về. Lúc đó cũng có khá nhiều người đến hỏi thăm. Họ là những người bán hàng rong, là những hộ dân quanh đó, là khách mua vé số.

Nhiều người không chỉ thương cho cảnh ngộ của chị Thuận mà còn lên án gay gắt hành vi của kẻ lừa đảo. Chị Nguyễn Thị Minh Hằng, ngụ phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) chia sẻ: "Tôi thấy chị Thuận khuyết tật bán vé số vất vả nên thỉnh thoảng tôi cũng ủng hộ mua 1-2 tờ. Nghe chuyện, tôi thấy tội cho chị ấy quá. Người ta khuyết tật đã không thương thì thôi, còn đi lừa họ. Đúng là những kẻ không có tính người".

Chị Thuận cho biết, chị quê ở xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) mồ côi cha khi mới 5 tuổi. Gia đình có bốn anh em nhưng chỉ mình chị bị khuyết tật bẩm sinh. Ba anh chị em còn lại đều bình thường và có gia đình. Nhưng cuộc sống của họ cũng khó khăn. Không biết làm gì, chị vào Đồng Nai bán vé số cũng được hơn 2 năm nay.

Ngoài việc mưu sinh cho bản thân, chị Thuận còn phải dành dụm tiền để gửi về nuôi mẹ già ở quê". Chị Thuận cho biết thêm, mỗi ngày bán vé số cũng kiếm được khoảng từ 200 - 300 ngàn đồng. Chi phí phòng trọ hết 600 ngàn đồng/tháng. Tiền xe ôm 70 ngàn đồng/ngày đi về. Khi hỏi tại sao chị không thuê phòng tại TP. Biên Hòa ở cho gần, chị Thuận chia sẻ: "Chỗ ở hiện tại có một cô em đồng hương cùng chung dãy trọ tắm rửa hàng ngày giùm nên giờ phải ở đó luôn. Mỗi ngày, chị phải cho cô ấy 20 ngàn đồng". 

Cướp giật, lừa đảo đang nhắm vào người khuyết tật

Luật sư Phạm Văn Phúc, Văn phòng tư vấn luật Phúc & Đồng Sự cho biết: "Trong vụ việc này, hành vi bọn lừa đảo đối với người khuyết tật là rất đáng lên án. Hiện nay, các đối tượng lừa đảo, cướp giật đang nhắm vào những người khuyết tật. Chị Thuận hoặc người dân cần phải trình báo cơ quan công an về vụ việc, tổ chức truy bắt đối tượng lừa đảo để ngăn chặn những vụ lừa đảo khác có thể xảy ra. Qua vụ việc này, những người khuyết tật đang mưu sinh bằng nhiều nghề, trong đó có nghề bán vé số cần phải hết sức chú ý cảnh giác để tránh lâm vào tình cảnh trên".

Trung Nghĩa

Cướp giật tài sản để đòi tiền chuộc

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
– Hôm qua 23/5, CA huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết đang tạm giữ hai đối tượng cướp tài sản sau đó hẹn gặp để đòi tiền chuộc, gồm: Nông Văn Phúc (SN 1970, ở Bảo Ái, Yên Bình, Yên Bái) và Lương Xuân Vũ (SN 1993, ở Tân Hương, Yên Bình, Yên Bái).

Cảnh giác với cướp giật đường phố

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
Hai tên côn đồ đã áp sát, cướp giật 1 túi xách trong có 2 điện thoại di động và một số giấy tờ cá nhân nhưng chị Hiền đã bình tĩnh hô hoán.

Clip cướp giật trắng trợn ở cầu Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Hai thanh niên chạy xe máy giật đồ của một cô gái cũng chạy xe máy khiến cô ngã sóng xoài ra đường. Vụ việc diễn ra trắng trợn ở gần cầu Sài Gòn lúc 15h25 ngày 25/9/2012.

Cướp giật, đánh người ở bến xe bus Cầu Giấy

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Những kẻ móc túi tại trạm xe buýt Cầu Giấy Hà Nội, ngang nhiên móc túi lấy đồ và ngang nhiên đánh người bị mất cắp ngay giữa ban ngày.