Hoàng Sơn từng muốn bỏ nghiệp diễn vì bị “vùi dập”

Hoàng Sơn từng muốn bỏ nghiệp diễn vì bị “vùi dập”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Nghiệp diễn của Hoàng Sơn trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc vì bất mãn với những dèm pha của chính đồng nghiệp, anh có ý định bỏ nghề.

Đường vào nghiệp diễn gập ghềnh

Là con út trong gia đình có tới 10 người con tại Bình Dương, nghệ sĩ Hoàng Sơn ví tuổi thơ của mình như một cuốn tự truyện. Nhớ lại thời thơ ấu, anh cho biết: "Tuổi thơ tôi không yên ả, vui nhiều nhưng cực khổ không ít. Tôi tưởng rằng cuộc đời mình mãi sẽ là một anh gánh nước thuê, quanh quẩn nơi làng quê nghèo, nhưng số phận đã mang tôi đến với nghệ thuật, để làm một cuộc lột xác ngoạn mục. Con đường đi đã qua không hề bằng phẳng, mình phải biết cố gắng mới có thể trụ lại được với nghề".

Bố của Hoàng Sơn mất khi anh còn nhỏ, một mình mẹ anh phải gánh vác công việc gia đình, nuôi anh khôn lớn. Từ nhỏ anh đã biết thương mẹ, ngoài giờ học, anh phụ mẹ làm những việc vừa sức mình. Anh làm thuê, làm mướn kiếm tiền về phụ mẹ, từ nhặt đậu phộng, gánh nước, đến cuốc đất, làm cỏ mướn. Công việc mệt nhọc so với sức của một đứa trẻ, khiến đôi tay anh ngày càng chai sần và làn da rám nắng, nhưng anh không nề hà gì, miễn sao có thể giúp mẹ. Thấy cậu con út chăm chỉ, mẹ anh rất thương, các anh em trong gia đình cũng học theo Hoàng Sơn mà cố gắng.

Sự kiện - Hoàng Sơn từng muốn bỏ nghiệp diễn vì bị “vùi dập”

Nghệ sĩ Hoàng Sơn

"Nuôi mơ ước trở thành nghệ sĩ từ một cậu bé quê tinh nghịch khiến ai cũng bất ngờ, tôi học chăm chỉ và trúng tuyển vào trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Đến lúc này, chính tôi cũng bất ngờ về mình. Năm 1983, tôi xa gia đình vào TP.HCM thực hiện ước mơ trở thành nghệ sĩ. Để tồn tại, tôi lại phải đi làm bất cứ công việc gì, miễn không vi phạm pháp luật, vậy mà cái nghèo, nỗi lo cái ăn cái mặc trong những ngày đi học vẫn đeo bám, có những hôm phải nhịn ăn đến trường", Hoàng Sơn chia sẻ.

Nói về thời gian khi mới ra trường, Hoàng Sơn tâm sự: "Ra trường từ năm 1989 với mong muốn sẽ đem những gì mình học được và năng khiếu bẩm sinh đi xin việc, mơ được diễn vai quần chúng trong các đoàn kịch lớn như Cửu Long Giang, Kim Cương, Bông Hồng… tôi hiểu rằng chặng đường phía trước của mình không hề dễ dàng. Nhiều lúc, tôi cảm thấy nản lòng vì nghề diễn viên quá cực, tương lai lại mập mờ, đến khi xin được việc mới biết để trở thành nghệ sĩ không hề đơn giản như mình nghĩ. Nghiệp diễn đến với tôi chua lắm, bị đè lên đè xuống là chuyện bình thường, lại còn nạn phe phái.

Thời gian đầu nản lắm, tôi cố gắng tập trung thời gian, đạp xe cả quãng đường dài, có khi ngồi chờ cả buổi nhưng có khi vẫn không được diễn vì họ ưu tiên cho ngôi sao của đoàn dù họ có đến trễ. Buồn quá, tôi về quê nói với má chắc con bỏ nghề, định nhờ ông anh xin vô làm phong trào cho sở Văn hóa thông tin của tỉnh. Nhưng nghĩ lại, thấy tiếc bốn năm đèn sách nên trở vô lại TP.HCM tìm cơ hội mới".

Hoàng Sơn cho biết: "Với tình yêu nghệ thuật chân chính, tôi đã dần trưởng thành, biết lau nước mắt mà diễn tiếp, biết làm ngơ, dửng dưng với mọi thứ xảy ra, mình cứ làm tốt công việc của mình đã. Tôi có khi bị vùi dập, cảm thấy mình trơ trọi, lạc lõng. Những lúc đó, mình chỉ muốn bỏ nghề về quê rồi sao cũng được. Tuy nhiên, tôi cuối cùng cũng mỉm cười khi thầy Hữu Luân (lúc đó là PGĐ NVH Thanh Niên TP.HCM) chỉ cho tôi xin sân khấu hài tại 135 Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) rồi kêu Phước Sang tổ chức liên hoan sân khấu hài tại đây. Lần này, tôi không ngờ chương trình ăn khách thật và sự nghiệp hài của tôi đã bắt đầu tỏa sáng từ sân khấu này".

Giấc mơ lạ của một diễn viên hài

Nhắc đến Hoàng Sơn, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nét diễn vui tươi, hài hước, sự hài hước đến từ những tình huống tưng tửng chứ không phải sự lên gân, nói nhiều. Sau tiếng cười của những tiểu phẩm mà anh tham gia chứa đựng nhưng thật nhiều ý nghĩa từ cuộc sống xã hội đương đại. Hoàng Sơn bày tỏ: "Tôi luôn biết chọn vai diễn hợp với mình, để người xem có sự đồng cảm. Tôi chẳng muốn lao vào làm tấu hài kiếm tiền vì không chấp nhận tiếng cười dễ dãi. Tôi thấy nếu mình quá dễ dãi với bản thân thì không sớm thì muộn cũng sẽ khiến khán giả, người hâm mộ nhàm chán, thất vọng và đánh mất mình".

Sự kiện - Hoàng Sơn từng muốn bỏ nghiệp diễn vì bị “vùi dập” (Hình 2).

Hoàng Sơn trong một vai diễn

Hoàng Sơn cho biết: "Hài kịch hay chính kịch cũng đều quan trọng, cái nào cũng cần phải học hỏi và có tích lũy kinh nghiệm theo thời gian. Những nghệ sĩ diễn hài thường có năng khiếu bẩm sinh, do sự khéo léo của mình, do nghề dạy nghề, chứ không có trường lớp nào dạy hay đào tạo có bài bản như chính kịch. Là một diễn viên hài đạt được nhiều thành công, nhưng tôi đóng chính kịch nhiều và còn rất thích đóng phim. Tôi không hiểu vì sao khi nhắc đến Hoàng Sơn, khán giả lại nhớ đến những vở chính kịch mà tôi tham gia. Giải thích về vấn đề này, tôi thấy diễn chính kịch đòi hỏi tính chuyên môn cao hơn".

Bao nhiêu năm trong nghề, Hoàng Sơn đã gặp nhiều hạng người khác nhau, từng bức xúc vì những điều sai trái ngay trong chính nơi mình làm việc. Hoàng Sơn chia sẻ: "Tôi không đồng ý với điều gì là nói ngay, tôi không nịnh nọt được. Chính vì thế mà không ít lần tôi phải chuyển từ sân khấu này sang sân khấu khác”.

Chị Phạm Thị Diệp Thanh, vợ Hoàng Sơn cho biết: "Thành công đến với Hoàng Sơn hơi muộn cũng bởi tính tình thẳng thắn của anh, dù muộn nhưng chân chính, hưởng những gì xứng đáng mà mình được hưởng”.

Tiếp lời vợ, Hoàng Sơn thẳng thắn: "Người mà tôi ghét nhất là người dốt mà không chịu công nhận mình dốt, cứ khoác lác, khoa trương thành tích. Thứ hai là những người hèn nhát, họ có thể đổ tất cả thất bại lên đầu người khác. Tôi cũng từng là nạn nhân của những người này, nhưng khi thành công thì họ gom tất cả về cho họ. Đời tôi chỉ tuân thủ theo hai cái, một là ghét, hai là nể. Ai hay thì mình nể, kính trọng, học hỏi dù đó có là đàn em đi sau, còn ai không tốt thì không bao giờ giao du, nếu có đụng mặt thì chỉ cười xã giao thôi, nhất định không giao du".

Chia sẻ về bí quyết thành công, Hoàng Sơn tiết lộ: "Làm nghề nào cũng phải có cái tâm với nghề, phải có gắng học hỏi và trau dồi, sẵn sàng nhận những sự góp ý của người khác nếu điều đó hợp lý. Trước khi nhập vai một ai đó, cần quan sát ngoài đời thật coi những việc họ làm như thế nào, rồi bắt chước làm theo. Vai diễn phải là hình ảnh sống động, gần như có thật ngoài đời thì mới hy vọng thành công, có sức thuyết phục. Phải cố gắng và luôn đổi mới mình, không làm mình nhụt chí. Nghề nào cũng có những thất bại, vấp ngã ở đâu mình phải đứng dậy ở đó, điều quan trọng là phải trụ vững sau khi mình đứng dậy".

Sau những thành công đáng kể trên con đường hoạt động nghệ thuật, khi được hỏi trước mắt anh có dự định gì không, Hoàng Sơn nói ngay: "Tôi dự định sẽ tiếp tục tham gia lĩnh vực sân khấu, điện ảnh và chọn lọc các vai diễn phù hợp với mình. Những chương trình nghệ thuật đặc sắc ghi lại quãng đường mà mình đã đi cũng nằm trong kế hoạch của tôi”. Nói rồi, Hoàng Sơn chỉ vào đứa con đang đùa giỡn tươi cười: "Hai vợ chồng đều là nghệ sĩ, sinh con ra nó cũng có máu nghệ sĩ luôn. Tôi không gò ép con phải theo nghề mình, nhưng nó có năng khiếu, nếu con thích mình sẽ cho theo nghề của mình".

Hoàng Sơn thích sự tĩnh lặng

Là diễn viên nổi danh ở lĩnh vực hài kịch, trên sân khấu Hoàng Sơn luôn tràn đầy năng lượng, thể hiện hết khả năng để mang lại tiếng cười cho công chúng. Khi đóng kịch thì hết mình cho vai diễn, nhưng ngoài đời Hoàng Sơn lại thích sự tĩnh lặng. Không ít lần chuyển nhà vì không gian ồn ào, giờ anh đã tìm được một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Văn Khơi (Q.Tân Bình, TP.HCM) vì nơi này yên tĩnh.

Công Thư