Cận cảnh hoạt động tái chế chất thải tại TPHCM

Cận cảnh hoạt động tái chế chất thải tại TPHCM

Thứ 3, 09/04/2013 | 10:29
0
Được sự chấp thuận của UBND TPHCM, Quỹ Tái chế chất thải TPHCM sẽ tổ chức ngày hội tái chế chất thải lần 6 vào ngày 14-4-2013. Ngày hội tái chế chất thải năm nay có chủ đề 3T trong trường học: tiết giảm - tái sử dụng - tái chế.

Tái chế tự phát

Hoạt động tái chế chất thải ở TPHCM hiện đang nuôi sống khoảng 16.000 - 18.000 người. Con số này có thể là điều bất ngờ với không ít người vì trên thực tế người ta không thấy có mấy doanh nghiệp hoạt động trong ngành tái chế chất thải thực sự  “nổi đình, nổi đám”. Một số doanh nghiệp tái chế chất thải thường được nhắc đến như ViệtStar, Tâm Sinh Nghĩa… cũng mới chỉ tái chế được một lượng không lớn rác thải của thành phố. Thậm chí, doanh nghiệp Tâm Sinh Nghĩa mới đang bắt đầu cho công việc này… Vậy số công nhân lao động trong ngành tái chế chất thải khổng lồ nêu trên, từ đâu ra?

Việt Nam Xanh - Cận cảnh hoạt động tái chế chất thải tại TPHCM

Phân loại bao nhựa đã qua sử dụng để tái chế tại một cơ sở ở quận Bình Tân. 

Theo Sở TN-MT TPHCM, phần lớn lao động trong số này làm việc trong các đường “dây” rác, trong các sở tái chế nhỏ, lẻ của thành phố. Trước tiên là lực lượng thu gom rác dân lập. Những người này đóng góp vào hoạt động tái chế chất thải của thành phố ở công đoạn… phân loại rác từ nguồn. Ngay lúc lấy rác từ nhà dân, họ đã chủ động nhặt riêng ra những loại rác có thể tái chế được như nhựa, giấy, thủy tinh… Lực lượng thứ hai góp phần vào công tác tái chế chất thải là các vựa… ve chai. Họ thu mua những phế liệu mà những người thu gom rác đem lại và bán cho các cơ sở tái chế. Những người đi nhặt rác riêng lẻ cũng đóng góp một phần không nhỏ vào công tác tái chế rác thải tại TPHCM. Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất vào hoạt động tái chế rác thải của thành phố vẫn là các cơ sở tái chế nhỏ, lẻ.

Theo thống kê của Quỹ Tái chế chất thải TPHCM, đa phần các cơ sở tái chế này tập trung ở các quận 5, 6, 8 và 11 với số lượng lên tới hàng ngàn. Số lượng các cơ sở tái chế chất thải nhỏ, lẻ chỉ có thể ước tính như vậy bởi chúng thay đổi liên tục. Lúc “có hàng” và việc kinh doanh thuận tiện thì chúng phát triển nhanh chóng và ngược lại.

Không phải ngẫu nhiên mà cách đây chưa lâu, Quỹ Tái chế chất thải TPHCM đã nghiên cứu và nhận thấy có đến 99% cơ sở tái chế chất thải ở thành phố hoạt động với quy mô vừa và nhỏ. Chính đặc tính hoạt động “lên xuống theo thị trường” đã quyết định cơ bản quy mô của các cơ sở này. Đặc tính tự phát của hoạt động tái chế chất thải ở TPHCM cũng bắt nguồn từ yếu tố này. Thấy kiếm thêm được thu nhập từ việc thu gom riêng các chất thải có thể tái chế, người đi thu gom rác đã “vô tình” làm công tác phân loại rác từ nguồn. Nhiều người thấy lập một cơ sở nhỏ và thực hiện tái chế chất thải thì có thể có thu nhập nên đã làm… Sự tự phát này có hai mặt. Trước hết nó thể hiện tính năng động của người lao động và mặt tích cực của nó là chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn người. Mặt tiêu cực của nó chính là quy mô hoạt động nhỏ, lẻ. Với quy mô này, rất khó để đầu tư công nghệ mới và tái chế ra những sản phẩm có giá trị.

Khó giải quyết vấn đề

Thực tế nêu trên đã được Quỹ Tái chế chất thải TPHCM, Sở TN-MT TPHCM cùng các quận, huyện - nơi có các sở sở tái chế hoạt động, biết từ nhiều năm nay. Thế nhưng, giải quyết vấn đề này như thế nào là vấn đề không đơn giản. Lực lượng thu gom rác dân lập trong quá trình thu gom rác mặc dù đã làm công tác phân loại rác từ nguồn nhưng thực ra họ mới chỉ lấy ra và để riêng những chất thải có thể đem bán được. Phần rác còn lại, họ vẫn để chung tất cả, từ rác thực phẩm đến cả những hóa chất độc hại như các chất tẩy rửa… Những loại rác hỗn hợp như vậy rất khó tái chế thành những sản phẩm có ích. Muốn chấn chỉnh bất cập này, ngành vệ sinh thành phố phải có kế hoạch hỗ trợ kiến thức và trang bị phương tiện phục vụ công tác phân loại rác cho người thu gom rác dân lập. Đây là việc không dễ làm bởi chúng liên quan đến rất nhiều quy định về tài chính của nhà nước cũng như tập quán thu gom rác của người dân…

Đối với các cơ sở tái chế chất thải ở quy mô nhỏ và công nghệ lạc hậu, nhà nước cũng không dễ dàng hỗ trợ họ phát triển bởi khả năng tài chính và năng lực chuyên môn của đại đa số chủ cơ sở còn hạn chế. Một thống kê khác của Quỹ Tái chế chất thải TPHCM đã chỉ ra điều này. Đó là hơn 90% cơ sở tái chế chất thải không có cán bộ chuyên trách về môi trường. 94% cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải và khoảng 84% số cơ sở không có hệ thống xử lý khí thải...

Theo SGGP

 

Ngắm tòa lâu đài lộng lẫy làm từ... rác tái chế

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
Alexey và Valentina Krivov cặp vợ chồng đã nghỉ hưu ở vùng ngoại ô Artyom nước Nga đã mất 16 năm chuyển ngôi nhà của họ thành một tòa lâu đài xinh đẹp từ rác tìm thấy trên đường và ở một bãi rác gần đó.

Người đàn ông mang "biệt tài" chế tác đàn dân tộc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Nhiều lúc ngồi làm đàn sụn cả lưng hay bị vợ giận cả tuần vì cái tội "suốt ngày đàn sáo" nhưng niềm đam mê làm đàn và chơi đàn của ông chưa bao giờ vơi giảm.

Làng 'tỷ phú từ rác thải' co mình vì lợi cấp cập hại

Thứ 4, 03/04/2013 | 10:41
Làng Minh Khai (còn được gọi là làng Khoai) thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) được biết đến với nghề chuyên chế biến nhựa từ rác thải. Vì thế mà làng Khoai trở thành nơi "tập kết" của mọi thứ... phế thải.

Kiểm soát rác thải trên biển, cần 500 năm

Thứ 4, 23/01/2013 | 16:08
Các nhà khoa học Australia vừa cảnh báo phải mất ít nhất 500 năm nữa thế giới mới có thể ngăn chặn sự mở rộng của 5 bãi “súp” rác thải công nghiệp trên các đại dương, ngay cả khi các nước cấm mọi hoạt động thải rác ra đại dương ngay từ bây giờ.

Gã “khùng” và chiếc máy xử lý rác thải

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Thấy bãi biển xinh đẹp quê hương mình tràn ngập rác, “gã khùng” đã ngày đêm trăn trở.