Học giả An Chi: Cả đời rong chơi cùng chữ nghĩa

Học giả An Chi: Cả đời rong chơi cùng chữ nghĩa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, học giả An Chi vẫn miệt mài chia sẻ vốn tri thức quý giá của mình cùng bạn bè khắp nơi qua... mạng xã hội Facebook.

Một buổi sớm mai Sài Gòn, tôi lần đầu tiên tìm đến thăm ông An Chi, học giả từng được nhà thơ Phan Hoàng mệnh danh là "người làm rúng động nền học thuật nước nhà". Trong lòng không khỏi bồi hồi khó tả, vì thật tâm mà nói thì tôi còn quá trẻ để đàm đạo với một học giả uyên bác như ông. Chỉ e sợ lát nữa đây, mình không biết sẽ phải hầu chuyện với ông như thế nào cho phải lẽ. Nhưng tất cả những lo âu đó dường như tan biến khi tiếp chuyện tôi là một người đứng tuổi nhưng nhanh nhẹn, thân thiện. Ông niềm nở chào đón, thân tình tâm sự với tôi về chuyện đời, chuyện nghề, và chia sẻ với tôi những niềm vui giản dị hàng ngày.

Xã hội - Học giả An Chi: Cả đời rong chơi cùng chữ nghĩa

Học giả An Chi

Chữ nghĩa với duyên và nợ

Cái tên An Chi từ lâu đã gắn bó với chuyên mục Chuyện Đông Chuyện Tây nổi tiếng một thời trên tạp chí Kiến thức ngày nay. Theo như nhận định của nhà báo Lê Khắc Cường (thư ký tòa soạn Kiến thức ngày nay vào thời điểm đó) thì trong suốt 16, 17 năm tồn tại, chỉ có 2, 3 lần gì đó là không có bài để đăng. Bởi học giả An Chi là người rất nghiêm túc nên ngay cả khi trái gió trở trời, ông vẫn cố để bạn đọc của mình không bị mất hứng khi lật trang 33 mà không thấy Chuyện Đông Chuyện Tây.

Lần vắng bóng Chuyện Đông Chuyện Tây lâu nhất là 5 kỳ trong 3 tháng 8, 9, 10 năm 1993, đó là một tai nạn nghề nghiệp mà mọi người biết chuyện đều cảm thấy tiếc cho ông. Nhưng có lẽ, không có tai nạn ấy thì có lẽ đã không có cái tên An Chi ra đời. Vì thời gian đầu, chuyên mục Chuyện Đông Chuyện Tây do ông phụ trách, ông ký tên với bút danh là Huệ Thiên (đọc lái tên thật Thiện Hoa của ông). Cái tên An Chi chỉ xuất hiện sau tai nạn về chuyện giải nghĩa một câu đối.

Ông An Chi vẫn còn nhớ những khiếu nại, kiện cáo từ phía bên kia đã gây không ít sóng gió cho Kiến thức ngày nay vào thời gian đó. Chỉ vì một đôi câu đối (được nhiều người truyền tụng) mà Ban Tuyên huấn và Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM đã chỉ đạo Hội Nhà văn TP.HCM đến họp với Ban Biên tập Kiến thức ngày nay và đương sự để kiểm điểm.

Đại diện Hội Nhà văn TP.HCM khi ấy là nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Anh Đức và nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đã đến tòa soạn họp với Ban Biên tập và đương sự là tác giả Huệ Thiên. Kết thúc cuộc họp là bản kỷ luật dành cho ông: "Tác giả Huệ Thiên ngưng phụ trách mục Chuyện Đông Chuyện Tây một thời gian. Đồng thời, Kiến thức ngày nay cũng phải đăng lời xin lỗi bà K.H trên tạp chí của mình và báo Tuổi trẻ. Việc dàn xếp cái kỳ án ấy cũng khéo léo chẳng thua kém gì như những chuyện ngoại giao thế giới, khi mà nó liên quan đến nhà báo K.H lúc ấy đang là Tổng biên tập một tờ báo lớn ở TP.HCM".

Sau sự kiện này, Ban biên tập, mà thực ra, có lẽ là chủ báo, vì mê Kim Dung, nên đã chọn cho Huệ Thiên cái bút danh mới là Lão Ngoan Đồng (nhân vật trong Anh hùng xạ điêu) còn Huệ Thiên thì cứ muốn y chang nên đã tự mình chọn cái tên An Chi. (Ngoài ra, An Chi còn là chữ trong câu Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi - người già sống an phận, nào dám chọc ai). Và thế là bắt đầu trên số 122 ra ngày 01/11/1993, cái bút hiệu An Chi mới toanh đã xuất hiện để ký tên cho mục Chuyên Đông Chuyện Tây.

Giờ đây, sau mười mấy năm gắn bó, ông An Chi không còn cộng tác với Kiến thức ngày nay, nhưng độc giả vẫn có thể tìm thấy những luận giải mới, những kiến thức mới của ông trên mục Những điều có thể bạn chưa biết của tạp chí Năng lượng mới. Đó lại là mối cơ duyên khác của ông với tổng biên tập Nguyễn Như Phong. Ông Phong vốn trước làm phó tổng biên tập báo An ninh thế giới. Khi ấy, ông Phong thường xuyên mời ông An Chi viết bài cộng tác và có nhiều câu hỏi rất thú vị để An Chi trả lời bạn đọc thường xuyên trên các số báo. Thế rồi, khi Báo Năng lượng Mới ra đời, tổng biên tập Nguyễn Như Phong mời ông An Chi về phụ trách chuyên mục Những điều có thể bạn chưa biết. Một hành trình chữ nghĩa nữa của học giả An Chi lại bắt đầu.

Mới đây nhất, trên tờ Năng lượng mới số ra ngày 31/08/2012, ông An Chi có viết bài Những nhầm lẫn chung quanh bức ảnh đặc biệt về Cụ Hồ và Đại tướng. Như ông đã khẳng định, mục đích cuối cùng của bài viết là đi đến tận cùng của vấn đề truy nguyên. Qua đó, gợi lên thái độ thận trọng và phương pháp quan sát thực sự khoa học khi đứng trước một hiện vật khách quan. Cũng như hầu hết những bài viết khác của ông, bài viết này lật lại vấn đề của một sự việc mà dường như mọi người đều mặc nhiên công nhận bởi sự khẳng định của những người có tên tuổi. Thế nên, bài viết cũng còn nhận lại nhiều phản hồi nghi ngại và e dè. Tuy nhiên, bài viết cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ những bạn đọc thật tâm với sự nghiên cứu. Với ông, thái độ tiếp nhận ấy từ bạn đọc cũng là một niềm vui.

Xã hội - Học giả An Chi: Cả đời rong chơi cùng chữ nghĩa (Hình 2).

Học giả An Chi với những người bạn văn chương

An lạc giữa đời thường

Hiện tại, ông An Chi sống cùng vợ và một cô cháu gái từ quê lên giúp đỡ (vì hai ông bà cũng đã lớn tuổi) trong một ngôi nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh. Hằng ngày, ông vẫn kiên trì với công việc lâu nay là đọc sách, viết lách và nghiên cứu. Chiều chiều, ông lại chú tâm chăm sóc vườn hoa nhỏ trong khoảng sân trước nhà. Để rồi, những phút thăng hoa cùng cuộc sống tuổi già bình lặng, ông mê mẩn đem máy ảnh ra chụp lại khoảnh khắc đẹp nhất của những bông hoa. Ông trân quý chúng tựa như những sinh linh bé nhỏ và có linh hồn. Máy tính của ông giờ đây, đầy những hình ảnh của những bông hoa tỏa hương khoe sắc trong vườn. Để mỗi khi có ai đến thăm, trong câu chuyện trà dư tửu hậu, ông lại mở máy tính ra khoe cùng bạn bè.

Ngoài ra, ông còn có một thú vui ấy là giao lưu với bạn bè khắp nơi qua các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Điều đó, với một học giả đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy như ông, đã khiến cho tôi vô cùng kinh ngạc và cảm phục ông.

Ông chia sẻ: "Thỉnh thoảng rời bỏ sách vở vì chán hay vì mỏi mệt, tôi vào mạng đọc tin tức. Nghe người ta nói nhiều đến Facebook nên thử vào tìm hiểu xem nó như thế nào, rồi thấy hướng dẫn mở một trang cá nhân cũng không khó lắm nên mày mò làm theo. Nếu như Chuyện Đông Chuyện Tây đã đưa đến cho An Chi những người bạn đặc biệt từ bốn phương qua mail, qua thư tay thì Facebook lại đem đến cho học giả có tuổi này gần 120 người bạn trên khắp mọi miền Tổ quốc, kể cả hải ngoại. Ông vui vì thỉnh thoảng có thêm những người bạn mới kết bạn, thỉnh thoảng lại có một bạn trẻ nào đó gõ lên tường của ông, đề nghị ông cho ý kiến về chuyện này chuyện khác mà bạn ấy đang tranh luận với một ai đó nhưng chưa tìm được sự thống nhất. Rồi thỉnh thoảng, một bài viết nào đó của ông được một bạn bình luận hoặc đánh dấu like, ông cảm thấy rất thú vị.

Có thể nói, với công việc hàng ngày, với vườn hoa trước nhà, với mạng xã hội Facebook, ông An Chi vẫn thanh thản sống và làm việc bằng tâm thế, nghị lực và lý tưởng khoa học mà ông đã chọn, mặc cho những thị phi từ những cuộc tranh luận khoa học có thể làm ông thêm nhiều người ghét bỏ.

Khi tôi hỏi ông có biết rằng với bộ sách Chuyện Đông Chuyện Tây, dường như ông đã trở thành một học giả được rất nhiều độc giả trong Nam ngoài Bắc, thậm chí là ở hải ngoại mến mộ, ông An Chi chỉ cười hiền, trả lời đĩnh đạc nhưng rất khiêm nhường. Ông hoàn toàn thật lòng nói chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Ông vẫn nói với nhiều người bạn rằng cái mà ông đã làm chỉ là Chuyện Đông Chuyện Tây để mỗi kỳ giúp vui cho bạn đọc trong chốc lát mà thôi. Rồi ông nhìn ra những chậu hoa xinh xinh ngoài khoảng sân trước nhà và mời tôi cùng ra ngắm hoa, để lại sau lưng những bộn bề được mất của sự đời hơn thua.

Đường đời song hành cùng chữ nghĩa

Nhà nghiên cứu An Chi tên khai sinh là Võ Thiện Hoa, sinh ngày 27/11/1935 tại Bình Hòa, Gia Định (nay là quận Bình Thạnh, TP.HCM). Do những điều kiện lịch sử nhất định mà ông mang quốc tịch Pháp, tên Pháp của ông là Emile Pierre Lucatos. Ông học trường Tây ngày trước, nay là trường Lê Quý Đôn. Tháng 5/1955, ông vượt tuyến ra Bắc đi thanh niên xung phong, học Trường Sư phạm trung cấp trung ương ở Hà Nội, dạy cấp 2 ở Thái Bình, phụ trách thư viện trường Học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo. Đến tháng 8/1975, ông trở về miền Nam, công tác tại Phòng giáo dục quận 1. Đến năm 1984, ông về hưu non, chuyển sang đọc sách, nghiên cứu. Từ năm 1990, An Chi bắt đầu cộng tác với báo chí, phụ trách thường xuyên các chuyên mục như “Chuyện Đông Chuyện Tây” trên Kiến thức ngày nay, "Từ chữ đến nghĩa" trên Đương Thời, "Có thể bạn chưa biết" trên Năng lượng mới và các báo khác như An ninh thế giới, Người đô thị, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra, ông đã xuất bản Chuyện Đông Chuyện Tây (6 tập - Nxb Trẻ), Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm (Nghiên cứu - Nxb Trẻ).

Xuân Tiến