Học trực tuyến bị “phá đám”, bộ GD&ĐT “gỡ rối”

Thủy Tiên

Trước những lùm xùm về mức độ thiếu an toàn trong việc dạy học trực tuyến, bị các đối tượng xấu quấy rối…, bộ GD&ĐT vừa có công văn tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho người học.

Sáng ngày 13/4, bộ GD&ĐT đã có công văn tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua Internet.

Cụ thể, theo bộ GD&ĐT, thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo đã tích cực triển khai dạy học trực tuyến, được học sinh, sinh viên, phụ huynh hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet cũng xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, học sinh, sinh viên trên mạng.

Điều này đã gây ra sự không đảm bảo an toàn và tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua Internet.

Bộ cũng nhấn mạnh phải giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín; khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do bộ GD&ĐT và bộ Thông tin & Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo phải xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên; trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học qua Internet.

Bên cạnh đó, bộ GD&ĐT cũng đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian học sinh tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet.

Đặc biệt, trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, bộ GD&ĐT cho biết: “Trong hướng dẫn của Bộ về việt dạy học qua Internet, có 3 hình thức: dạy học thông qua hệ thống quản lý học tập qua mạng, hệ thống quản lý nội dung học tập và hệ thống học tập trực tuyến. Đối với những hệ thống này, cho dù dùng hình thức nào, điều kiện bảo mật, đảm bảo an toàn cho học sinh là điều phải hết sức quan tâm.

Đối với những công cụ miễn phí hiện nay, khả năng bảo mật hạn chế, có nhiều thành phần có thể hack vào, tạo môi trường không an toàn cho học sinh, cả về vấn đề thể chất cũng như vấn đề không phù hợp với tinh thần, lứa tuổi của học sinh. Điều này, các nhà trường lựa chọn công cụ giảng dạy phải hết sức lưu ý.

Chúng tôi cũng khuyến cáo, hiện nay, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, cũng có rất nhiều đơn vị, nhà mạng trong nước hỗ trợ miễn phí, các nhà trường có thể căn cứ vào đó, lựa chọn sử dụng những phần mềm phù hợp. Điều đặc biệt quan trọng khi sử dụng, vừa tiện lợi mà vừa phải đảm bảo an toàn, bảo mật tốt”.

T.T