Hơn 1500 website Việt bị tin tặc tấn công

Hơn 1500 website Việt bị tin tặc tấn công

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Theo báo Tuổi Trẻ, đã có hơn 1.500 trang web của các cơ quan, đơn vị, công cụ tìm kiếm và cả của các doanh nghiệp VN bị tấn công trong những ngày qua. Trong khi đó, TQ tố ngược tàu Viking 2 của Việt Nam.

Ngày 9-6, tin tặc bắt đầu chuyển sang tấn công vào hệ thống phân giải tên miền website (DNS Server) để chuyển hướng website đến một địa chỉ khác theo ý thích của tin tặc và có thể chiếm luôn tên miền.

Một số website bị thay đổi ảnh trang chủ. Ảnh: Tuổi trẻ

Trước đó ngày 8-6, trang web của Trung tâm biên phiên dịch quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao VN tại địa chỉ ntc.mofa.gov.vn đã bị tin tặc xâm nhập và treo cờ Trung Quốc, đồng thời thay đổi nội dung các liên kết phụ bên trái.

Nhiều trang web rơi vào tình trạng xuất hiện hình ảnh cờ Trung Quốc, nội dung viết bằng chữ Trung Quốc trên trang chủ. Đến chiều 9-6, một số trang đã khắc phục được sự cố nhưng số còn lại vẫn trong tình trạng ngắt máy chủ để sửa chữa.

Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, nhận định: các trang web đang bị tấn công một cách có tổ chức và có định hướng.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Tử Quảng, giám đốc Công ty BKIS cho hay, các quản trị mạng không nên lơ là trước sự kiện hàng loạt trang web bị tấn công trong mấy ngày nay. Đối với các trang web đã bị tấn công, cần lập tức ngắt máy chủ bởi có thể bị điều khiển thành công cụ tấn công lan rộng.

Trung Quốc tố ngược tàu Việt Nam

Trong một diễn biến khác, Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Trong cuộc xua đuổi này, lưới đánh cá của một tàu cá Trung Quốc đã vướng vào cáp của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, do đó ngư dân Trung Quốc buộc phải cắt lưới đánh cá."

> Hình ảnh "tàu đánh cá Trung Quốc" cắt cáp tàu Viking 2 của Việt Nam

Theo Thông tấn xã Việt Nam, tàu Trung Quốc liều lĩnh lao vào phá cáp tàu Việt Nam, nhưng người phát ngôn Hồng Lỗi lại nói: "Hành động này đã gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sự an toàn của các ngư dân Trung Quốc."

"Phía Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc làm nói trên của phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt-Trung, chấm dứt ngay và không để tái diễn mọi hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam," Thông tấn xã Việt Nam trích lời phát ngôn nhân Nguyễn Phương Nga.

PV