“Kẻ gây rối”không khuất phục trước cường quyền và số phận

“Kẻ gây rối”không khuất phục trước cường quyền và số phận

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Bị tù đày, đánh đập, bị mất mát nhưng ông không bao giờ thôi ngừng đấu tranh vì hai chữ “tự do”.

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela được cho là chính khách vĩ đại nhất và được yêu thích nhất của thế kỉ trước. Ông là biểu tượng của sự bất khuất, không bao giờ thỏa hiệp, người đã sống sót 27 năm trong nhà tù mà không mảy may “để bụng” kẻ thù.

Giọt máu dòng tộc bị “hắt hủi”

Cậu bé Nelson Rolihlahla Mandela, sinh năm 1918, trong một túp lều được sơn màu xanh lá cây truyền thống bên bờ sông Bashee tại ngôi làng nhỏ Mvezo. Đây là một mảnh đất tuyệt đẹp nhưng nghèo và xa xôi ở tỉnh Cape, Nam Phi. Mandela mang dòng máu hoàng tộc vì cụ nội Ngubengcuka của ông chính là vị vua của người Thembu. Nhưng vì ông nội của Mandela là con của một người phụ nữ khác bộ tộc nên con cháu không bao giờ “mơ” đến chuyện “đụng” đến ngai vàng. Tuy nhiên, dòng máu hoàng thất này ít nhiều đã tạo nên “tố chất” lãnh đạo của một “người châu Phi huyền thoại”.

Bố của Mandela, Gadla Henry Mphakanyiswa có 4 người vợ, 13 người con. Cậu út Mandela là con của người vợ ba (điều thú vị là sau này, Mandela cũng có đến 3 người vợ). Ít ai biết rằng, tên sơ sinh của Mandela, “Rolihahla” có nghĩa là “kẻ gây rối” còn “Nelson” là tên tiếng Anh mà cô giáo ở trường đặt cho cậu. Nhưng dường như Nelson Rolihlahla Mandela sống để khẳng định điều ngược lại với cái tên “cha sinh mẹ đẻ” của mình. Ông Gadla là người đứng đầu bộ lạc ở thị trấn Mvezo quê nhà nhưng do không làm chính quyền địa phương hài lòng nên bị tước chức. Cả gia đình Mandela buộc phải “khăn gói quả mướp” đến làng Qunu, nơi sau này Mandela quay trở lại, xây một ngôi nhà cho riêng mình ngay sát đường cao tốc. Cậu bé Mandela hồi đó được giao trọng trách chăm sóc đàn bò và cừu của gia đình. Cậu cũng là một “kẻ bất bại” trong môn đấu gậy, môn thể thao đối kháng, phổ biến tại vùng quê Nam Phi, trong đó hai người chơi phải tìm mọi cách để lách khỏi đòn của đối phương. Theo một người bạn thời thơ ấu của Mandela, người vẫn còn sống tại làng Qunu, Mandela ghét bị “trúng đòn” và không chấp nhận thất bại. “Thằng bé” Mandela luôn hẹn đấu lại với bất cứ ai đã đánh mình. Và lần này, Mandela sẽ nắm chắc phần thắng”.

Dù lớn lên ở vùng nông thôn và là “út ít” nhưng Mandela lại là người đầu tiên trong gia đình được biết đến “con chữ”. Năm Mandela lên 9 tuổi, bố ông qua đời vì bệnh lao phổi. Ông được gửi đến học ở Hội Giám lý, dưới sự đào tạo của quan nhiếp chính Jongintaba, vị vua tạm quyền của người Thembu. Cùng với mẹ mình, Mandela đã phải trải qua một hành trình dài đi bộ để đến được thủ phủ Mqhekezweni, nơi Jongintaba sống. Ở đây, Mandela được sống trong cùng một túp lều với con trai của vị quan này và được dự cuộc họp các bộ lạc do Jongintaba chủ trì. Từ nhỏ, Mandela đã nhận thấy cần phải “hướng” những người có quan điểm khác nhau đạt đến một sự đồng thuận là điều hết sức quan trọng. Chính vì thế, sau này ông được biết đến như một nhà lãnh đạo có khả năng tuyệt vời trong việc kêu gọi sự đồng tình của mọi người dân.

Sau đó, Mandela tiếp tục được gửi đến trường công giáo Methodist. Ở đây, cậu được tiếp nhận những tinh hoa của nền giáo dục Kitô giáo. Cậu bé Mandela tham dự đầy đủ các buổi học giáo lý tại nhà thờ vào các ngày chủ nhật. Điều này hẳn đã tạo cảm hứng để ông trở thành một giáo lý viên khi vào năm nhất đại học. Tuy nhiên, nền giáo dục Anh quốc lại ảnh hưởng đến Mandela nhiều hơn. Tại đây Mandela đã được rèn luyện tinh thần và ý thức kỉ luật.

Đến năm 21 tuổi, chàng trai Mandela vào học tại trường đại học Fort Hare, một trường đại học ở Nam Phi dành riêng cho nam giới. Đây là môi trường đầu tiên thổi vào chàng trai trẻ tư tưởng chính trị của chủ nghĩa dân tộc châu Phi. Nhưng Mendela đã bị trục xuất khỏi trường vì tự động ra khỏi Hội đồng sinh viên sau những đấu tranh về điều kiện ăn uống trong trường. Mandela là một chàng trai có cá tính mạnh. Vì vậy, cậu đã từ chối đám cưới với con gái của quan nhiếp chính Jongintaba, người sẽ kế thừa ngai vàng. Để phản đối sự sắp đặt này, Mandela chuyển đến Johannesburg và tìm kiếm một công việc tay chân, làm bảo vệ canh gác tại một khu mỏ. Nhưng Mandela cũng nhanh chóng bị đuổi việc vì ông chủ phát hiện ra cậu chính là người con nuôi đang chạy trốn của quan nhiếp chính. Long đong với học hành là thế nhưng Mandela Mandela vẫn có trong tay 3 tấm bằng đại học của trường Đại học Nam Phi, Đại học Witwatersrand và Đại học London.

Thế giới - “Kẻ gây rối”không khuất phục trước cường quyền và số phận

Đẩy lùi “bóng ma” phân biệt chủng tộc

Con đường hoạt động chính trị của Nelson Mandela bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ XX. Thời điểm đó, bóng đen phân biệt chủng tộc, sự kỳ thị người da màu bao trùm khắp nơi. Họ thậm chí không được đi xe buýt, đi bộ trên vỉa hè vì bị người da trắng gọi là “culi”. Không được tắm chung một dòng với người da trắng vì bị vu cho làm bẩn dòng nước. Nelson Mandela đã tiến hành châm ngòi cho “cuộc đổi mới” lớn nhất trong lịch sử của “xứ sở cầu vồng” để giải phóng cho những người da màu nơi đây. Với lòng nhiệt tình và tài năng của mình, ông đã trở thành người tổ chức của phong trào phản đối phân biệt chủng tộc. Ông bắt đầu cuộc đời hoạt động chính trị với tư cách là lãnh tụ người Phi. Sự ra đời của “Hiến chương tự do” như là tuyên ngôn nhân quyền cho những người da màu chống lại “con ma” phân biệt chủng tộc.

Ngay từ khi bắt đầu dấn thân vào con đường đấu tranh đòi chân lý, Mandela đã rơi vào tầm ngắm của chính quyền. Ông thường xuyên bị nhà chức trách người da trắng tra xét, giam cầm, đe dọa. Năm 1956, Mandela bị bắt giam cùng với 150 người khác và bị buộc tội phản quốc. Mặc dù chịu nhiều áp lực từ các phía nhưng ông không hề nao núng. Đầu thập kỷ 1960, cục diện chính trị Nam Phi càng thêm phức tạp. Chính quyền da trắng ngày càng vươn gọng kìm siết chặt những người chống đối. Tổ chức do Mandela lãnh đạo bị cấm hoạt động. Ông bị kết án tù chung thân vì tội phá hoại chính trị sau khi tham gia các hoạt động bí mật và đấu tranh vũ trang. Sau này, người ta mới biết đượcå, vụ bắt giữ Mandela xảy ra do Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) tiết lộ nơi ẩn náu.

Trong thời gian 27 năm ngồi tù, mẹ cùng con trai trưởng của ông lần lượt qua đời. Tù đày đã khiến ông không thể có mặt tại tang lễ của những người thân yêu nhất. Theo lời kể của Mandela, khi ở trong tù, ông dần dần trở nên nổi tiếng với vai trò là nhà lãnh đạo da đen đáng chú ý nhất tại Nam Phi. “Ở trên đảo, tôi và các tù nhân khác phải lao động khổ sai ở một mỏ đá vôi. Tù nhân cũng bị phân chia theo sắc tộc và tù nhân da đen là những người nhận được lượng thực phẩm ít nhất. Tù chính trị được giam giữ riêng biệt với thường phạm và được hưởng ít quyền lợi hơn. Do bị xếp vào tù nhân nhóm D (hạng thấp nhất), tôi chỉ được phép có một người viếng thăm và nhận một lá thư trong sáu tháng. Những lá thư thường bị trễ khá lâu và rất khó đọc do chế độ kiểm duyệt trong ngục”, ông nói.

Thế giới - “Kẻ gây rối”không khuất phục trước cường quyền và số phận (Hình 2).

Sau này, trong một cuốn hồi ký của mình, điệp viên Gordon Winter kể về việc ông tham gia kế hoạch giải cứu Mandela vào năm 1969. Winter cho biết, cơ quan tình báo Nam Phi muốn Mandela trốn thoát để họ có thể xử bắn ông khi tìm bắt lại. Nhưng kế hoạch này sau đó đã bị Cơ quan Tình báo Anh chặn đứng.

Ra tù năm 1990 với thân thể rệu rã và thương tật đầy mình, tưởng rằng Mandela sẽ bằng lòng với một cuộc sống an nhàn mà ông chưa bao giờ có được. Nhưng không, ông vẫn tiếp tục đấu tranh vì những người da đen bị phân biệt đối xử trong xã hội. Năm 1993, ông được nhận giải Nobel hòa bình và một năm sau ông trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi. “Hôm nay, tất cả chúng ta có mặt ở đây để ban tặng vinh quang và hy vọng cho một nền tự do vừa chào đời. Cuối cùng chúng tôi đã được giải phóng về chính trị. Chúng tôi cam kết sẽ giải phóng tất cả nhân dân khỏi nghèo nàn, tước đoạt và chịu đựng... Nạn người áp bức người sẽ không bao giờ diễn ra trên đất nước tươi đẹp này thêm một một lần nữa. Mặt trời sẽ không bao giờ lặn trên những thành tựu chói sáng vinh quang của loài người”, Nelson Mandela tuyên bố.

Xuân Đức


Cùng chuyên mục

“Điểm nóng” Chasov Yar: Nga tăng cường sử dụng bom có sức nổ cao, tình thế trên mặt trận thế nào?

Thứ 7, 20/04/2024 | 13:55
Bên cạnh pháo binh, không quân Nga cũng tăng cường hoạt động tại "điểm nóng" Chasov Yar. Điều này đã tạo lợi thế cho quân đội Nga.

Hé lộ mục tiêu chính của Nga khi chủ trì BRICS

Thứ 7, 20/04/2024 | 09:40
Các thành viên BRICS đoàn kết với nhau bởi mong muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại toàn cầu.

SpaceX của tỷ phú Elon Musk “lấn sân” sang dịch vụ giám sát tình báo?

Thứ 7, 20/04/2024 | 07:15
Ít nhất 50 vệ tinh của SpaceX dự kiến sẽ có mặt tại các cơ sở của Northrop Grumman để thực hiện các thủ tục thử nghiệm và lắp đặt cảm biến trong những năm tới.

Nga trên đà tiến, nắm quyền chủ động trên chiến trường

Thứ 7, 20/04/2024 | 06:00
Moscow giành được quyền kiểm soát hơn 400 km2 lãnh thổ vào năm 2024 bao gồm các trung tâm vận tải và hậu cần quan trọng như Avdiivka và Marinka thuộc vùng Donetsk.

Tại mặt trận Zaporozhye, Nga - Ukraine giao tranh dữ dội, vũ khí tầm xa được tích cực sử dụng

Thứ 6, 19/04/2024 | 13:55
Giao tranh trên hướng Zaporozhye đang diễn ra dữ dội. Cả 2 bên đều tăng cường sử dụng vũ khí tầm xa.
     
Nổi bật trong ngày

Nga không kích sân bay chiến lược của Ukraine

Thứ 6, 19/04/2024 | 09:55
Đêm 18/4, Nga thực hiện làn sóng tấn công mới nhằm vào các cơ sở quân sự và năng lượng của Ukraine ở khu vực Kharkov và Kiev.

“Điểm nóng” Chasov Yar: Nga tăng cường sử dụng bom có sức nổ cao, tình thế trên mặt trận thế nào?

Thứ 7, 20/04/2024 | 13:55
Bên cạnh pháo binh, không quân Nga cũng tăng cường hoạt động tại "điểm nóng" Chasov Yar. Điều này đã tạo lợi thế cho quân đội Nga.

Nga trên đà tiến, nắm quyền chủ động trên chiến trường

Thứ 7, 20/04/2024 | 06:00
Moscow giành được quyền kiểm soát hơn 400 km2 lãnh thổ vào năm 2024 bao gồm các trung tâm vận tải và hậu cần quan trọng như Avdiivka và Marinka thuộc vùng Donetsk.

Hé lộ mục tiêu chính của Nga khi chủ trì BRICS

Thứ 7, 20/04/2024 | 09:40
Các thành viên BRICS đoàn kết với nhau bởi mong muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại toàn cầu.

Tại mặt trận Zaporozhye, Nga - Ukraine giao tranh dữ dội, vũ khí tầm xa được tích cực sử dụng

Thứ 6, 19/04/2024 | 13:55
Giao tranh trên hướng Zaporozhye đang diễn ra dữ dội. Cả 2 bên đều tăng cường sử dụng vũ khí tầm xa.