Kẻ tự xưng là công an dọa khởi tố nhà báo vì khoản nợ “trên trời rơi xuống”

Nhóm PV

Một ngày tháng Năm, do không để ý đầu số máy lạ gọi điện, PV Người Đưa Tin Pháp Luật vẫn nghe máy. Đầu dây bên kia là một giọng nữ, cô gái này tự xưng là nhân viên của VNpost được ủy quyền gọi điện thông báo “sự cố pháp lý” liên quan đến SGbank mà PV đang gặp phải. Sau cuộc điện thoại, PV đã xác minh và làm rõ chiêu lừa đảo qua điện thoại của tội phạm công nghệ cao.".

Nhân viên bưu điện thông báo khoản nợ ngân hàng?

Phía đầu dây (+991900545481), cô gái tự xưng là Lê Ngọc Liên - nhân viên tổng bưu cục VNpost tại Nam Từ Liêm (Hà Nội)- được SGbank ủy quyền thông tin đến khách hàng. Theo đó, nội dung thông báo được Liên thuật lại nguyên văn như sau: “Vào lúc 14h20 ngày 6/12/2019, khách N.T.H.L. có đến ngân hàng Thương mại Cổ phần công thương (SGbank- chi nhánh 2C Phó Đức Chính, P.Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM) mở thẻ tín dụng (mã thẻ 4203832451248286). Đây là loại thẻ chi tiêu trước, thanh toán sau. Số tiền hiện tại khách hàng đã chi 36.866.000 đồng. Đến nay đã quá hạn thanh toán nên ngân hàng yêu cầu khách hàng ra thanh toán gấp trong 2 giờ. Nếu không, ngân hàng sẽ tố cáo ra pháp luật và đồng thời ngân hàng đơn phương khấu trừ vào hệ thống ngân hàng khác mà khách hàng đứng tên”.

Sau khi nghe được thông tin trên, PV khẳng định chưa từng mở thẻ tại SGbank. Nữ nhân viên kia đặt ra một loạt câu hỏi: “Chị không đến giao dịch trực tiếp SGbank ạ? Có khi nào tên tuổi của chị đang bị người khác lợi dụng không?”. Ngoài việc đặt ra hàng loạt câu hỏi, cô gái này tái khẳng định việc PV có đứng tên thẻ tín dụng của SGbank (được mở vào ngày 6/12/2019) và đối diện với việc bị... khởi tố.

Thấy PV tỏ vẻ ngơ ngác, cô gái tự xưng tên Liên trấn an: “Chị khẳng định chưa từng làm bất kỳ giao dịch gì tại SGbank nên em đang nghi ngờ chị vô tình làm thất thoát thông tin và bị giả mạo giấy tờ. Vừa qua, cơ quan công an cũng có thông báo về một số đối tượng giả danh làm chuyện phi pháp mà người dân không hề hay biết”.

Khi PV tỏ ra lo lắng, sợ sệt, cô gái liền đưa ra giải pháp hỗ trợ. “Em góp ý, chị nên liên hệ trực tiếp với cơ quan Công an TP.HCM- nơi xảy ra sự việc để nhờ ngăn chặn giúp chị thẻ này, tránh ảnh hưởng đến uy tín của chị”. PV nài nỉ vì đang sinh sống tại Hà Nội nên không thể giải quyết sự việc trước 2 tiếng đồng hồ, cô gái kia vỗ về: “Chị không phải lo lắng quá, bên em cũng được cơ quan công an cấp cho đường dây nóng hỗ trợ cho người dân những trường hợp khẩn cấp và nghiêm trọng. Nếu chị có nhu cầu, em lên xin trưởng phòng bên em nối máy trực tiếp giúp chị trình báo sự việc với Công an TP.HCM”.

Khi PV đề cập muốn gặp trực tiếp để xin văn bản thông báo ghi nợ của ngân hàng, cô gái này cho hay: “Nội dung thông báo trên hệ thống máy chứ không phải văn bản và em là tổng đài viên không được quyền sao chép bất kỳ thông tin nào gửi ra ngoài, tất cả đều kết nối qua hộp thư thoại tự động”.

Từ chối sự nhờ vả của PV liên quan đến việc sao chép văn bản, cô gái kết nối tự động đến số hotline và dặn dò: “Chị nhờ công an giúp đỡ, ngăn chặn trong 2 tiếng đồng hồ để không bị truy tố và khấu trừ tiền ở tài khoản khác”.

Một bước trở thành... tội phạm rửa tiền

Sau khi kết nối liên thông với hotline, đầu dây bên kia là một nam thanh niên tự xưng là cán bộ Công an TP.HCM nhận hỗ trợ cho PV. Nam thanh niên này hỏi lại những thông tin về nội dung SGbank “tố” và nói sẽ hỗ trợ cho PV báo án luôn bằng cách vào phòng máy ghi âm để làm bằng chứng. “Đây là đường dây nóng tố giác tội phạm nên thông tin của người báo phải được bảo mật hoàn toàn. Trong quá trình ghi âm chỉ có tiếng nói của tôi và chị, nghiêm cấm tiếng nói của người thứ ba”, nam thanh niên này dặn dò.

Năm phút sau, nam thanh niên gọi lại bằng số +800693187797 và tự xưng “tôi là Trung úy Lê Minh Hiếu, Công an TP.HCM và yêu cầu bước xác thực”. Theo chỉ dẫn của Hiếu, tôi nhập số điện thoại 0693187797 mà Hiếu cung cấp trên thanh tìm kiếm của Google và hiện ra thông tin phòng Cảnh sát truy nã tội phạm 258bis Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM. “Số điện thoại tôi đang gọi cho chị có đúng với những gì chị đã tìm kiếm trên Google hay không”? Khi PV hỏi vì sao đầu số (+800) gọi đến lại khác với kết quả tìm kiếm trên Google thì nam thanh niên đáp: “Đó là mã số ghi âm”.

Sau hàng loạt câu hỏi tương tự giống người tự nhận nhân viên và sự khẳng định “chắc như đinh đóng cột” của PV về việc chưa từng giao dịch tại SGbank, nam thanh niên này bắt đầu dùng “đòn tâm lý” để hù dọa. “Về sự việc của chị, tôi thông tin thêm cho chị nắm bắt, hiện tại cơ quan công an chúng tôi đang điều tra các hệ thống ngân hàng và đã bắt giữ được một số nhân viên ngân hàng câu kết với nhân viên ngân hàng khác trên cả nước đánh cắp nhưng bộ hồ sơ khách hàng để làm việc phi pháp. Thông tin của chị cũng không loại trừ. Trước hết, tôi sẽ nhờ đồng nghiệp can thiệp với phía ngân hàng để chị tránh bị khởi tố trong 2 tiếng nữa và mở rộng điều tra xử lý triệt để”, nam thanh niên nói.

Bước tiếp theo, nam thanh niên lại nối máy với 1 tổng đài khác (theo thanh niên này là số của tổng cục-PV): “01 gọi tổng cục, tổng cục nhận được xin trả lời. Tổng cục nhận được, xin nhờ tổng cục mở đường dây 08 điều tra người công dân mang tên N.T.H.L. mở thẻ tín dụng tại SGbank ngày 16/12/2019có đúng hay không? Tổng cục có ghi nhận được trường hợp nào như vậy không?”.

Mặc dù biết là chiêu lừa ngoạn mục nhưng PV khá bất ngờ về sự dẫn dắt cũng như sự logic mà các đối tượng lừa đảo đưa ra. Tiếp theo tình huống ly kỳ mà PV gặp phải chính là phía dây tự xưng là tổng cục đã thông báo “tin động trời”, PV có mở thêm một tài khoản Vietbank (ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín) tại TP.HCM có nghi vấn rửa tiền.

Ngay lập tức người tự xưng Trung úy Lê Minh Hiếu đổi giọng, “nắn gân” PV: “Chị có biết có hành vi rửa tiền là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chị đăng ký tài khoản để cấu kết rửa tiền tiền đúng không?”, “Tài khoản với đầy đủ thông tin của chị đang chứa hơn 20 tỷ đồng phạm pháp, chị nên thành thật khai báo để hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.

Không dừng lại ở đó, Hiếu tiếp tục dọa nạt: “Tôi khẳng định tài khoản mang thông tin, tên tuổi của chị có hành vi phạm pháp rửa tiền. Rửa tiền có nhiều hình thức buôn hàng quốc cấm, buôn người trái phép, tham ô, tham nhũng... Với nguồn tiền phạm pháp, các đối tượng không dám sử dụng công khai và chuyển vào tài khoản của chị sau đó rút ra thành tiền hợp pháp. Tên của chị đang là trung gian, công cụ rửa tiền”.

Khi PV tỏ vẻ không hiểu chuyện gì xảy ra, Hiếu bồi thêm chiêu trò “nặng đô” hơn: “Chúng tôi không cần biết chị trực tiếp làm hay không nhưng tên tuổi chị vi phạm pháp luật. Tài khoản mang tên chị, trước mắt là tên tuổi vi phạm pháp luật. Căn cứ Điều 324, khoản 1, Bộ luật Hình sự 2017 sửa đổi, 1 người thực hiện các hành vi sau sẽ bị phạt tù từ 1- 5 năm tù giam... Điểm a, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp giao dịch tài chính ngân hàng liên quan đến tiền nhằm che giấu nguồn tiền phạm pháp để sử dụng.

Với những gì chị khai, tôi sẽ tạm thời loại trừ phương án chị trực tiếp đăng ký. Chị làm việc với tôi cần tập trung. Ai thay thế chị làm việc này. Đây là điều bất lợi của chị. Chị là tên tuổi hợp pháp. Chị không hiểu vì sao chúng tôi triệu tập chị đúng không? Chị không chỉ được ai làm thì trước mắt chị phải chịu mức án cho hành vi gián tiếp giao dịch là 1- 5 năm tù giam. Chị cũng hiểu tại sao lúc này chúng tôi triệu tập chị tạm giam đúng không. Nếu chị không hợp tác, chúng tôi sẽ gửi lệnh bắt khẩn cấp chị ngay bây giờ”. Nói đến đây, cuộc gọi của PV và người tự xưng tên Hiếu bỗng mất liên lạc.

Chiêu lừa siêu tinh vi của tội phạm công nghệ

Từ sự việc đã gặp phải, PV đã liện hệ với phía VNpost Nam Từ Liêm để xác minh số điện thoại +991900545481. Đại diện đơn vị này khẳng định đầu số gọi điện cho PV là từ nước ngoài. Số tổng đài của VNpost là 1900545481. Nữ nhân viên cho biết thêm, đơn vị chỉ liên quan đến dịch vụ giao hàng, thư tín, không liên quan đến ngân hàng, cũng như dịch vụ thông báo về các khoản nợ của ngân hàng. Đại diện Vnpost Nam Từ Liêm cũng khẳng định không có nhân viên Lê Ngọc Liên.

Để rõ hơn về số điện thoại+800693187797 tự xưng là hotline của Công an TP.HCM, PV đã liên hệ Công an TP.HCM và được vị đại diện hướng dẫn truy cập vào website của Công an TP.HCM để xác minh. Qua kiểm tra, PV ghi nhận tại đây, có danh bạ điện thoại của các đơn vị, phòng ban chức năng, tuy nhiên không hề có bất cứ số điện thoại nào như nêu trên.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, đại diện Công an TP.HCM cho biết: “Hiện nay phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm thuộc Công an TP.HCM đã không còn, mà đã sáp nhập 1 phần chính vào Văn phòng cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, còn lại một số cán bộ khác của phòng này được chuyển qua các phòng CSĐT khác và công an các quận, huyện để làm bộ phận truy nã của các cơ quan này. Vì vậy, nếu có người xưng là cán bộ phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm thì là lừa đảo, không có thật. Thêm vào đó, Công an TP. cũng không có đầu số +800 như PV đề cập”.

Bên cạnh đó, PV liên hệ tìm hiểu với VNPT TP.HCM thì đại diện đơn vị này cho biết: “Mã vùng +800 và +991 đều là số ảo, không thể xác định được. Đó chính là số lừa đảo, đề nghị PV và người dân hết sức cẩn thận và báo tin cho cơ quan chức năng để làm rõ”.

Trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM cho biết, nhiều trường hợp “sập bẫy” mất số tiền từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng sau khi nghe những cuộc điện thoại có đầu số lạ, giả danh cơ quan công an, nhân viên bưu điện... Nhóm tội phạm này đánh vào tâm lý của người dân kém hiểu biết, dọa là họ có liên quan đến đường dây tội phạm như: Ma tuý, rửa tiền… hoặc các vụ án hình sự khác để làm tăng mức độ nghiêm trọng. Chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và tiếp tục yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để kiểm tra. Khi các nạn nhân cố chứng minh không liên quan đến hoạt động tội phạm, sẽ thực hiện theo hướng dẫn. Tiền vừa chuyển nhanh chóng bị rút, hoặc chuyển tới các ngân hàng trong và ngoài nước. Những đối tượng lừa đảo qua điện thoại còn làm giả lệnh bắt giam để đánh vào tâm lý của nạn nhân nhằm thực hiện chiêu thức lừa đảo cực kỳ tinh vi.

NPV