Khánh Hòa sẽ tiếp tục di dời các công trình phía đông đường Trần Phú

Khánh Hòa sẽ tiếp tục di dời các công trình phía đông đường Trần Phú

Nguyễn Thị Hoà

Nguyễn Thị Hoà

Thứ 5, 28/07/2022 14:42

Ngày 28/7, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp báo về tình hình kinh tế xã hội quý 2 năm 2022.

Sẽ di dời 2 nhà hàng chắn biển

Tại buổi họp báo, các phóng viên, nhà báo đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đã đặt nhiều câu hỏi, trong đó có vấn đề liên quan đến việc triển khai di dời các dự án ven biển đường Trần Phú, Tp.Nha Trang.

Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, về các dự án di dời dọc đường Trần Phú, Tp.Nha Trang, ngày 27/7 Văn phòng Tỉnh ủy đã có công văn chỉ đạo rà soát thực hiện kế hoạch, phương án di dời các công trình ven biển. 

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh cho biết, tỉnh này cho thuê đất, giao đất, cấp phép xây dựng các công trình ở phía đông đường Trần Phú, Tp.Nha Trang để thực hiện các dự án phát triển du lịch, dịch vụ trong thời gian qua.

“Đối với Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara đã hết thời hạn cho thuê đất, tỉnh đã thông báo và chủ đầu tư đã thực hiện di dời để giao đất lại cho Nhà nước. Trình tự thủ tục giao đất, thanh lý tài sản trên đất thì theo quy định trong 24 tháng phải thực hiện. UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu chủ đầu tư ngừng hoạt động lưu trú và thực hiện quá trình di dời, thanh lý tài sản để bàn giao đất cho Nhà nước theo quy định”, ông Thiện cho biết.

Đối với Công viên Phù Đổng, tỉnh Khánh Hòa cũng đã chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao một phần công viên cho Tp.Nha Trang quản lý, sử dụng theo đúng quy định.

Riêng đối với 2 dự án là nhà hàng bia tươi Louisiane, Sailing Club còn thời gian thực hiện dự án, tỉnh đã chỉ đạo cụ thể “hết thời hạn sẽ thu hồi đất” và thực hiện bàn giao đất cho Tp.Nha Trang quản lý để thực hiện tuyến công viên đường Trần Phú.

Sự kiện - Khánh Hòa sẽ tiếp tục di dời các công trình phía đông đường Trần Phú

Nhà hàng Sailing Club nằm trên đường Trần Phú, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài ra, các phóng viên còn đặt nhiều câu hỏi về hiện trạng, quy mô, định hướng, phát triển và quy hoạch, điều chỉnh cũng như cơ chế chính sách đặc thù của Khu kinh tế Vân Phong; kết luận thanh tra về việc mua sắm thiết bị y tế của Khánh Hòa; nguyên nhân san hô trong vịnh Nha Trang chết; các vụ án liên quan đến việc giao đất… Đại diện các Sở, ban, ngành đã trả lời một số nội dung cơ bản về các câu hỏi được nêu.

Các chỉ tiêu kinh tế tăng so với cùng kỳ năm trước

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Thiện, Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đã phục hồi rõ nét và đạt được kết quả quan trọng, các chỉ tiêu kinh tế tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, GRDP tăng 12,58%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 40.550,8 tỷ đồng, tăng 21,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 16,5%; thu ngân sách Nhà nước tăng 18,6%; huy động vốn toàn tỉnh tăng 20,2%.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở lại trạng thái hoạt động ổn định, một số ngành chủ lực của tỉnh đã có sự tăng trưởng đáng kể như: chế biến thủy sản, sản xuất và phân phối điện, đóng tàu...

Doanh thu du lịch đạt 5.549,8 tỷ đồng, tăng 209,4% so cùng kỳ năm trước (đạt 138,74% kế hoạch năm 2022). Số lượt khách lưu trú đạt 1.046,3 nghìn lượt (tăng 128,6% so với cùng kỳ) với 2.486,2 nghìn ngày khách lưu trú (tăng 116,3% so với cùng kỳ). Trong đó, khách quốc tế đạt 42,5 nghìn lượt (tăng 122,5% so với cùng kỳ) với 211 nghìn ngày khách lưu trú (tăng 152,7% so với cùng kỳ).

Trong những tháng đầu năm, tỉnh Khánh Hòa đã khởi động các chuỗi sự kiện kích cầu du lịch, truyền thông quảng bá đón chào du khách với thông điệp “Nha Trang – Khánh Hòa, điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn và thân thiện”.

Sự kiện - Khánh Hòa sẽ tiếp tục di dời các công trình phía đông đường Trần Phú (Hình 2).

Quang cảnh buổi họp báo.

Bên cạnh đó, xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 790,1 triệu USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 57,9% so với kế hoạch năm 2022.

Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 8.618,7 tỷ đồng, bằng 71,7% dự toán và tăng 18,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.943,2 tỷ đồng (bằng 93,6% dự toán và tăng 99,6% cùng kỳ); thu nội địa đạt 6.675,5 tỷ đồng (bằng 67,2% dự toán và tăng 6,1% so cùng kỳ).

Toàn tỉnh thu hút được 7 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 478,9 tỷ đồng; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp cho 1.415 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 11.909,5 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 1.229 doanh nghiệp.

Tỉnh Khánh Hòa tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. So với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao thì tỉ lệ giải ngân đạt 29%; so với kế hoạch vốn được tỉnh giao thực tế thì tỉ lệ giải ngân đạt 29,4%.

Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 đạt 26.293 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức dạy - học trực tiếp từ ngày 7/2 trong điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh; đã hoàn thành chương trình năm học 2021-2022 theo kế hoạch.

Công tác an sinh, văn hóa xã hội được quan tâm, tăng cường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được triển khai kịp thời đã thúc đẩy kinh tế - xã hội tăng trưởng trở lại…

Sự kiện - Khánh Hòa sẽ tiếp tục di dời các công trình phía đông đường Trần Phú (Hình 3).

Sáu tháng đầu năm 2022, các chỉ số kinh tế của Khánh Hòa tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt. Đối với công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tỉ lệ người dân trong độ tuổi được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là 100% mũi 1; 100% mũi 2 và mũi bổ sung là 39,92%; mũi nhắc lại lần 1 là 47,29%; mũi nhắc lại lần 2 là 1,2%.

Tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi đạt 100% mũi 1 và mũi 2. Tính đến 23h ngày 25/7, tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-12 tuổi, mũi 1 đạt tỉ lệ 47,44%; mũi 2 đạt tỉ lệ 13,7%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh này vẫn còn một số hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội như kết quả khắc phục các sai phạm, nhất là thu hồi tài sản thất thoát còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 còn chậm do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư còn chậm.

Chính quyền các cấp chưa có sự thống nhất, định hướng rõ ràng để xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm bức xúc của người dân như việc thực hiện Dự án Chợ Đầm - Nha Trang, việc di dời các công trình phía đông đường Trần Phú - Nha Trang…

Châu Tường

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.