Khi lãnh đạo nhà trường ngược lối, bất chấp sự an toàn

Trong lúc cả nước đang nêu cao tinh thần dân tộc, thể hiện đoàn kết là sức mạnh để chiến thắng “giặc Covid-19”, vẫn xuất hiện những hình ảnh phản cảm, bất chấp sự nguy hiểm của bản thân và cả cộng đồng. Ngay cả trong môi trường giáo dục cũng không là ngoại lệ.

img
img

Mới đây, chuyện một trường học ở Đồng Nai vẫn bắt học sinh đến trường tập trung giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đã khiến nhiều người không khỏi lắc đầu ái ngại.

Cụ thể, ngày 18/8, đoàn kiểm tra của ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã phát hiện trường tiểu học - THCS Nguyễn Khuyến (tổ 13, khu phố 5) đang tổ chức dạy học.

Thời điểm kiểm tra, nhà trường đang tổ chức dạy học cho hơn 800 học sinh, chiếm hơn 90% số học sinh của trường.

Trong khi trước đó, ngày 3/8, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký văn bản về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, quy định đối với địa bàn TP.Biên Hòa, từ 0h ngày 4/8, tạm ngưng hoạt động các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, bao gồm trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục đại học.

Đối chiếu với quy định trên, việc trường tiểu học - THCS Nguyễn Khuyến ngang nhiên cho hơn 800 học sinh tập trung đến trường là không tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch.

Đoàn kiểm tra đã đề nghị ban Giám hiệu trường tiểu học - THCS Nguyễn Khuyến ngưng ngay việc tập trung học sinh và thực hiện theo quyết định ngày 3/8 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, đại diện ban Giám hiệu trường này không chịu ký vào cam kết yêu cầu ngưng việc tập trung học sinh và cho biết sẽ báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường.

Trước tình hình này, UBND phường Trảng Dài đã báo cáo vụ việc đến UBND TP.Biên Hòa và ngành giáo dục xin ý kiến xử lý.

Tuy nhiên, chiều cùng ngày, theo ghi nhận của phóng viên, trường vẫn tiếp tục tập trung đông học sinh đến trường.

Có thể thấy, khi dịch bệnh có những ca nhiễm mới trong cộng đồng trở lại, tinh thần dân tộc càng phải được đẩy lên cao hơn bao giờ hết. Ngành giáo dục tại nhiều địa phương cũng chủ động đề nghị phụ huynh cho học sinh ở nhà để đảm bảo an toàn. Ngay cả đối với học sinh mẫu giáo, các nhà trường cũng khuyến khích phụ huynh sắp xếp công việc để không phải gửi con đến trường.

Ấy vậy mà, bất chấp quy định của thành phố, lãnh đạo trường nọ vẫn ngang nhiên thông báo cho học sinh trở lại trường trong nhiều ngày liên tiếp. Thậm chí, trong số những phụ huynh có con phải tập trung tại trường cũng không đồng tình với nội dung của thông báo. Quyền lợi của học sinh, quyền lợi của gia đình học sinh dường như đang trở nên vô hiệu.

Chưa kể, khi được lực lượng chức năng yêu cầu ngưng hoạt động, đại diện nhà trường lại từ chối ký cam kết, vối lý do phải xin ý kiến của Hội đồng quản trị trường.

Phải chăng, ngôi trường nằm chễm chệ giữa thành phố kia lại có một cơ chế đặc biệt, không cần tuân thủ bất kỳ quy định nào của UBND thành phố?

Sức khỏe của học sinh vốn dĩ phải được đề cao và phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng xem ra, với trường tiểu học - THCS Nguyễn Khuyến, điều quan trọng nhất, chính là quyết định của nhà trường, và tối thượng chính là quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Bất cứ ai cũng nhìn thấy, ở ngôi trường kỳ lạ này, sức khỏe của học sinh có được quan tâm, có được đề cao hay không, không quan trọng; quan trọng là những quyết định, thông báo của những người đứng đầu, bất chấp cả yêu cầu của lực lượng chức năng.

Giữa lúc dịch bệnh đang phức tạp, đang tổn hại đến bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội, đang để lại những vến thương kinh tế trong bất cứ ngành nghề nào, bộ GD&ĐT cũng đang tính toán đến phương án phải cho học sinh khai giảng, bắt đầu năm học mới qua hình thức trực tuyến. Lại có những cơ sở giáo dục yêu cầu học sinh đến trường tập trung, chỉ với lý do “để chuẩn bị năm học mới, hướng dẫn các em học online nếu tình hình dịch bệnh phức tạp”.

Vị Hiệu trưởng cho biết, trường thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch như rửa tay, đo thân nhiệt, khẩu trang, giữ khoảng cách 2m... Nhưng theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 18/8, nhiều học sinh vẫn không đeo khẩu trang, nhiều học sinh vẫn đứng túm tụm cùng nhau trong sân trường.

Từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối tháng Bảy, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm mới. Những nguy cơ trong cộng đồng vẫn không thể lường trước được, còn những người lãnh đạo, quản lý nhà trường thì thờ ơ trách nhiệm với học sinh của mình, thờ ơ trách nhiệm với xã hội, với những lý do “thiển cận”, thiếu nhân văn vốn chỉ mang tính ngụy biện.

Tôi tự hỏi, với tư duy độc đoán, bất chấp của những người quản lý như vậy, ngôi trường này sẽ mang đến những giá trị gì cho học sinh?

Tương lai của đứa trẻ bị ảnh hưởng một phần không nhỏ bởi môi trường giáo dục. Một khía cạnh cơ bản của môi trường giáo dục chính là xem trọng người học! Hiểu được giá trị và tôn trọng người học là dấu hiệu của việc tạo lập một môi trường giáo dục hiệu quả. Ngôi trường dù là công lập hay ngoài công lập, dù có bề thế, có được đầu tư nhiều đến đâu, trang bị tốt đến cỡ nào, cũng cần hướng đến phục vụ nhu cầu và quyền lợi của người học.

Một ngôi trường không tôn trọng và không lấy người học làm trung tâm, sẽ chẳng bao giờ xây dựng được những định hướng phù hợp, chẳng bao giờ mang lại những lợi ích chính đáng cho học sinh của mình. Như vậy, có nghĩa là đi ngược lại khát vọng của ngành giáo dục.

Thôi thì... Khi những người làm giáo dục chưa được tỉnh táo với quyết định của mình, và trước khi lực lượng chức năng có thể giải quyết triệt để, chỉ có thể đặt hy vọng vào các bậc phụ huynh, hãy cứng rắn và kiên quyết để trẻ không phải đến trường khi chưa đảm bảo an toàn.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

img