Khoe con hay hại con và bài học của người Do Thái

Trong bí quyết nuôi dạy con tuyệt vời của người Do Thái, những người vốn nổi tiếng khắp thế giới vì sự thông minh, nghị lực, giàu có cũng như nhiều cha mẹ thông thái trên thế giới, luôn có việc che giấu sự tài giỏi của những đứa trẻ. Nhưng một cách kỳ cục, ở chiều ngược lại hoàn toàn, nhiều cha mẹ Việt vẫn hồn nhiên lấy bảng điểm, giấy khen, thành tích kết quả thi của con phô trương lên mạng như một món trang sức điểm tô cho tính sĩ diện phù phiếm của mình, mặc những hệ lụy mà trẻ phải gánh mang.

Cái “lệ” cứ kết thúc các kỳ thi vào lớp 6, lớp 10, kết thúc lớp 12 hay tổng kết năm học hàng năm, facebook lại ngập tràn các status khoe giấy khen, thành tích của con từ các phụ huynh đã không còn xa lạ với người sử dụng mạng xã hội. Những bảng điểm đẹp như “tranh vẽ” với 9, với 10, với những mỹ từ như “xuất sắc”, “học giỏi”, “vượt trội”... đã khiến nhiều người “phát ngán” đến mức phải làm cái việc bất đắc dĩ đó là block tài khoản của các cha mẹ mắc bệnh khoe con mình tài.

Mới đây, chia sẻ về nỗi bức xúc của mình khi đăng trạng thái sẽ chặn (block) bất cứ bạn nào trên Facebook khoe thành tích, điểm số của con, anh Lê Đức, một phụ huynh tại TPHCM thành thật: "Bố mẹ khoe về bản thân thoải mái. Nhưng khoe giấy khen, điểm số của con mình thấy phản cảm, như thể đứa con là "trang sức" của họ vậy”.

Áp lực học hành là gánh nặng với nhiều trẻ

Dòng trạng thái: "Ai khoe điểm con, ra khỏi... nhà tôi" của người đàn ông này sở dĩ nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều cư dân mạng có lẽ xuất phát từ sự đồng điệu trong quan điểm mà được người đàn ông này chia sẻ sau đó: “Qua một kỳ thi, còn rất nhiều trẻ chưa đạt được kết quả tốt, cần sự tế nhị”.

Tuy nhiên, không chỉ kích thích sự ganh đua, tị nạnh, làm khổ nhiều trẻ khác, không chỉ gây nên hội chứng "con nhà người ta" bất lợi cho các cha mẹ khác, đứng ở góc độ giáo dục, phô trương thành tích của con như này, phụ huynh còn đang làm hại chính con mình.

Trước hết, khoe bảng điểm, thành tích của con là cha mẹ đang vi phạm quyền riêng tư của trẻ. Dù muốn được ghi nhận và khen ngợi khi có thành tích nhưng trẻ thường chỉ thích tiết lộ thông tin với những người quan trọng chứ không phải... bàn dân thiên hạ. Đặc biệt, với nhiều trẻ vị thành niên, việc bị bố mẹ phô trương thành tích lên mạng chẳng khác gì “làm khó” chúng. Nhiều cự cãi, mâu thuẫn trong gia đình bắt nguồn từ chính việc cha mẹ áp đặt, tự ý khoe khoang thành tích của con như thế này. Cha mẹ không tôn trọng quyền riêng tư của con sao mong con tôn trọng lại mình?

Một trong những sai lầm căn bản khác khi khoe con giỏi, con tài, nhiều phụ huynh ấu trĩ tin rằng, điều này có thể khiến con phấn khích mà tăng động lực phấn đấu. Tuy nhiên, thực tế, với nhiều đứa trẻ, việc “bắc loa” khoe thành tích của bố mẹ lại khiến chúng tự mãn, tự cao, mất ý chí vươn lên.

Trong khi đó, nhiều trẻ, chỉ vì bố mẹ khoe mà cố bằng được để có giấy khen bằng năm trước. Điều này có thể đẩy chúng vào tình trạng học chỉ vì thành tích, học chỉ để khoe khoang. Thậm chí, khi cùng quẫn nhiều trẻ còn tìm đến sự gian lận để có điểm cao.

Ở một mặt nào đó thói sĩ diện hão với bảng thành tính “đẹp như mơ” chính là tiền đề cho bệnh thành tích của các bậc cha mẹ cũng như chính đứa trẻ sau này.

Những lời khen, sự ngưỡng mộ của mọi người đổ dồn về bố mẹ và muốn hay không, khi khoe điểm con, bố mẹ trao áp lực đó sang cho con mình. Các em bị áp lực thành tích sau phải cao hơn trước, áp lực từ sự kỳ vọng của bố mẹ, áp lực không được quyền thua cuộc hay thất bại... Những vụ việc học sinh quyên sinh khi không chịu được sức ép về thành tích học tập từ cha mẹ ở trong và ngoài nước là những biểu hiện rõ nhất về hậu quả của việc trẻ bị sức ép thành tích.

Một điều khác không thể không nhắc đến, đó là việc khi quen được tâng bốc, nhiều trẻ lại nảy sinh ra tính nói dối để thỏa mãn cha mẹ khi điểm kém.

Một nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng trong các cuộc thi ngang sức ngang tài giữa một bên là những đứa trẻ luôn được ngợi ca là “Con làm tốt lắm” với một bên là những đứa trẻ không nhận được lời tán dương thì những đứa trẻ trong nhóm thứ hai luôn có thành tích tốt hơn so với nhóm thứ nhất. Điều này được lý giải là trẻ ở nhóm thứ 2 ít phải chịu áp lực tâm lý bởi những lời ngợi ca, ít lo lắng nếu gặp thất bại. Khả năng sáng tạo của trẻ mang danh giỏi bị giảm sút đáng kể khi chúng chỉ hướng đến những giải pháp an toàn với hy vọng bảo toàn những lời ca tụng và không bị mất thể diện.

Còn với người Do Thái, những người vốn nổi tiếng khắp thế giới vì sự thông minh, nghị lực và giàu có lại có lý do riêng để luôn giấu kín tài năng của những đứa con. Họ cho rằng, kiến thức là vô tận nên không thể để con cái vì sự tự mãn mà đánh mất tương lai. Một quan điểm rất đáng học hỏi và suy ngẫm. Còn bạn, bạn có muốn con bạn mất tương lai chỉ vì những khoe khoang kệch cỡm?

Vũ Thu Hương

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Khai giảng năm học 2019-2020: Năm học “bản lề”, giảm áp lực và vươn mình mạnh mẽ

Thứ 5, 05/09/2019 | 05:50
Năm học 2019-2020 được coi là năm “bản lề” triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Với những kỳ vọng về một năm học phát huy tối ưu vai trò ngành giáo dục, đẩy lui những hạn chế, tiêu cực trong năm học trước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các chuyên gia giáo dục gửi gắm những thông điệp ý nghĩa ngay trước thềm năm học mới.

Tiêu chí chọn điểm 10 cho đầu vào: Sẽ xuất hiện chạy điểm, áp lực đè lên vai của học sinh

Thứ 3, 23/04/2019 | 13:30
Theo các chuyên gia giáo dục, việc xét tuyển vào cấp 2 với học bạ toàn điểm 10 của trường chuyên Amsterdam là tiêu chí rất cứng và ngặt. Điều này sẽ dễ xuất hiện chạy điểm, áp lực đè lên vai nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh.