Khởi động “cuộc đua” áp lực nhất Hà Nội

Thủy Tiên - Quang Trường

Những năm gần đây, “cuộc đua” vào trường công tại Hà Nội được đánh giá là vô cùng áp lực. Mới đây, trường THPT chuyên Ngoại ngữ là ngôi trường THPT đầu tiên tại Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển sinh. Hàng nghìn thí sinh đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sớm nhất Hà Nội nhưng vẫn lo lắng khi “cuộc chiến” chỉ mới bắt đầu.

Đề thi khó, thí sinh nhăn nhó

Ngày 4/7, ngôi trường THPT đầu tiên tại Hà Nội đã chính thức “mở cửa sàn đấu” cho các thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10. Trong cả hai buổi thi, hàng nghìn thí sinh đều có mặt tại điểm thi trường THPT chuyên Ngoại ngữ (trường đại học Ngoại ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội) từ rất sớm, làm thủ tục dự thi và củng cố lại những phần kiến thức một lần trước khi chính thức làm bài thi.

Trong buổi sáng, sau khi làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế, thí sinh làm bài thi môn Đánh giá năng lực ngoại ngữ. Buổi chiều, các thí sinh tiếp tục với hai bài thi môn Đánh giá năng lực Toán và Khoa học tự nhiên cùng môn Đánh giá năng lực Văn và Khoa học xã hội.

Tuy nhiên, sau hàng giờ “chiến đấu”, không ít thí sinh bước ra với vẻ mặt lo lắng vì đề thi quá khó. Nhiều thí sinh không ngần ngại giãi bày, đã chuẩn bị tâm lý với các nguyện vọng ở các trường khác, vì nguyện vọng vào trường THPT chuyên Ngoại ngữ khá “mong manh” do đề thi “ở một tầm cao mới”.

Thí sinh Trần Ngọc Khải (trường THCS Yên Hòa) cũng chia sẻ: “Bài thi hôm nay đối với em là khó. Đề thi môn chuyên tiếng Đức thì em cảm thấy tương đối dễ, còn đề thi môn Toán và Ngữ văn thì khó ơi là khó; đặc biệt, môn Toán em thấy “khoai” nhất ở phần hình học. Tỉ lệ “chọi” năm nay khá cao, tuy nhiên em cũng không quá áp lực cho bản thân vì đã chuẩn bị tâm lý và có một số nguyện vọng ở các trường khác.

Rời khỏi phòng thi với tâm trạng khá căng thẳng, em Nguyễn Hà My (học sinh trường THCS Thực Nghiệm) cũng bày tỏ: “Em thấy đề ngoại ngữ dễ hơn so với đề thi thử. Còn đề Toán và Ngữ văn thì khó hơn nhiều. Em ấn tượng nhất với câu tự luận đầu tiên của đề thi Ngữ văn.

Trong đợt vừa rồi, em cảm thấy áp lực lớn nhất khi vừa phải ôn thi theo đề thi của trường THPT chuyên Ngoại ngữ vừa phải ôn thi đề của sở GD&ĐT. Phần ngoại ngữ thì phải học ở một “tầm cao mới” so với đề thi bình thường và phải ôn cả các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đó cũng là một gánh nặng và “ngốn” khá nhiều thời gian của em”.

Thí sinh Lê Thu An (trường THCS Thực Nghiệm) cho biết: “Đề thi hôm nay khó hơn so với đề thi thử. Em hơi áp lực nên làm bài kém hơn bình thường. Phần thi chuyên tiếng Đức, em làm tạm ổn nhưng phần nói thì do bị run quá nên nói không tốt. Đề khoa học xã hội theo em đánh giá là khá mới lạ, có những bài vận dụng kiến thức xã hội, đơn cử như về bài về dịch Covid-19, có một câu hỏi là “Một bạn không đeo khẩu trang thì sẽ bị xử phạt hành chính hay xử phạt hình sự”, câu đó em hơi hoang mang. Em nghĩ tỉ lệ đỗ của em là khoảng 50%”.

“Cuộc chiến” mới chỉ bắt đầu

Trong khi các thí sinh đang “chiến đấu” trong phòng thi, hàng nghìn phụ huynh ngồi bên ngoài cũng nơm nớp nghĩ đến áp lực trên bài thi. Nhiều phụ huynh chia sẻ, ngồi ở ngoài chờ đợi, cảm giác cũng như “nín thở” theo con.

Chị Nga (Cầu Giấy), phụ huynh có hai con cùng thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Ngoại ngữ cho biết, chị không dám đặt kỳ vọng nhiều ở cuộc thi hôm nay, gia đình và con cũng đã xác định đây chỉ là một cuộc tập duyệt cho “trận chiến” thực sự trước mắt.

Chị nói: “Nhà tôi hôm nay có hai con đi thi, bản thân tôi không cảm thấy áp lực nhiều nên cũng cố gắng tạo không gian để các con có tâm lý thoải mái trước kỳ thi. Ngoài trường này, các con cũng đăng ký nguyện vọng ở ba trường chuyên khác. Hai con rất tự tin vì lực học tốt và đã chuẩn bị rất cẩn thận, học hết những gì có trong chương trình học. Vì vậy, các con cũng xem kỳ thi này giống như một sự trải nghiệm”.

Ông Công Văn Chất (72 tuổi, Tây Hồ) cũng bộc bạch: “Thực sự tôi mong con đạt được kết quả tốt, còn có trúng tuyển hay không thì cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ ở điểm thi và số thí sinh… Năm nay, do dịch Covid-19 ảnh hưởng, kết quả học tập năm lớp 9 của con cũng có phần giảm sút.

Tâm lý lo thì lo rất nhiều, nhưng lo cũng không giải quyết được việc gì, vì kết quả có đỗ vào trường hay không còn phụ thuộc vào kiến thức mà con lĩnh hội được và nhu cầu của nhà trường tuyển chọn chất lượng ra sao… nên tôi cũng chỉ biết động viên con thi thật tốt. Tôi tạo điều kiện hết sức cho con ôn thi, cho con đi thi thử thường xuyên, ngoài ra, gia đình cũng không biết làm gì hơn”.

Năm nay, theo thống kê số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10, trường THPT chuyên Ngoại ngữ nhận được 3.962 hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay. Như vậy, so với chỉ tiêu tuyển là 475 (vào 3 hệ gồm hệ chuyên, chuyên có học bổng và hệ không chuyên) tỉ lệ “chọi” trung bình khoảng 1/8,34.

Về tỉ lệ “chọi” cụ thể từng khối chuyên, khối chuyên tiếng Anh có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều nhất là 2.174 trong khi số chỉ tiêu của hệ chuyên và chuyên có học bổng là 195, tỉ lệ “chọi” của khối chuyên tiếng Anh khoảng 1/11,2; khối chuyên tiếng Nga (tỉ lệ “chọi” 1/11,1); khối chuyên tiếng Pháp (tỉ lệ “chọi” xấp xỉ 1/10,2). Tỉ lệ “chọi” được ghi nhận cao nhất ở khối chuyên tiếng Hàn (với 290 hồ sơ đăng ký và tổng chỉ tiêu là 25), tỉ lệ “chọi” xấp xỉ 1/11,6.

Trường THPT chuyên Ngoại ngữ sẽ công bố kết quả vào ngày 19/7.

Mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 (2 nguyện vọng này phải trong cùng một khu vực tuyển sinh), không kể các nguyện vọng dự tuyển vào các lớp chuyên của 4 trường chuyên trực thuộc sở GD&ĐT.

T.T-Q.T