Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch sao chép hệ thống phòng không S-400 của Nga để phát triển thành vũ khí cho riêng mình. Thông tin này xuất hiện sau khi có thông tin về việc Nga từ chối cung cấp cho Ankara công nghệ của các loại vũ khí này, và Mỹ từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt từ Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc mua tổ hợp S-400 và đưa nước này trở lại chương trình tiêm kích F-35.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Ankara độc lập tạo ra hệ thống phòng không của riêng mình dựa trên hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga. Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên Ankara có ý định này. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng sao chép công nghệ của Trung Quốc, đáp trả Bắc Kinh nhắc tới chuyện chấm dứt hoàn toàn tương tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong bất kỳ lĩnh vực công nghiệp và quân sự nào.
Được biết, các tổ hợp S-400 của Nga được bảo vệ khá tốt, tuy nhiên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng sao chép một số tính năng của hệ thống phòng không này, điều này không thể không gây ra lo ngại.
Hồi tháng 1, người đứng đầu Cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir cho biết, các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đặt tại nước này đã sẵn sàng hoạt động.
Kênh truyền hình 24TV dẫn lời ông Ismail Demir ngày 11/1 cho hay: “Hệ thống phòng thủ S-400 đã sẵn sàng sử dụng. Các lực lượng vũ trang sẽ quyết định khi nào cần kích hoạt”.
Bên cạnh đó, ông Demir thông báo, các doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục tham gia dự án phát triển tiêm kích F-35 của Mỹ, bất chấp việc Washington ra quyết định loại trừ Ankara khỏi chương trình này.
Theo quan chức quốc phòng này, Ankara đang hướng tới mục tiêu tối đa, thay vì chọn cách nhanh và đơn giản là mua thêm các hệ thống S-400 khác. Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch tự chế tạo ra các hệ thống phòng thủ tên lửa vào năm 2025-2026 với sức mạnh ngang tầm S-400 nhờ những thông tin và kinh nghiệm khi sử dụng loại vũ khí này.
Nga đã ký thỏa thuận chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2017. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đầu tiên mua S-400 của Nga. Việc Chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan quyết định mua S-400 đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất thương vụ mua tên lửa S-400 với Nga vào năm 2019, đồng thời khẳng định hệ thống này không đe dọa các đồng minh trong NATO.
Hấp lực từ S-400
Lý do S-400 hấp dẫn Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới là bởi nó được đánh giá là một trong những loại khí tài hiện đại nhất mà Nga đang sở hữu. S-400 có những ưu điểm không xuất hiện trên các khí tài tương tự của phương Tây.
Tên lửa S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác, theo dõi số lượng lớn mục tiêu tiềm năng, kể cả máy bay tàng hình. Tổ hợp này còn có thiết kế mô-đun và độ cơ động cao, cho phép triển khai, phóng tên lửa, thu hồi và di chuyển trong vòng vài phút, nhà nghiên cứu Siemon Wezeman thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) nhận định.
"Đây là tổ hợp có thể sử dụng nhiều loại tên lửa, gồm tên lửa tầm xa, tầm trung và thậm chí cả tầm ngắn theo nhu cầu của bên sử dụng", theo nhà phân tích quân sự Kevin Brand thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế.
Ông Brand cũng cho rằng các đặc tính của S-400 như hoạt động ổn định, độ linh hoạt và cơ động cao là điều mà nhiều quốc gia đang tìm cách phát triển cho mạng lưới phòng không của mình.
Mẫu tên lửa hiện đại như S-400 được cho là sở hữu những năng lực mà các tổ hợp tương tự của Mỹ và đồng minh không thể có được.
Việc Nga sẵn sàng chia sẻ công nghệ cũng là lý do khiến vũ khí Nga nói chung và tổ hợp S-400 nói riêng được nhiều quốc gia ưa chuộng.