Kỳ lạ phong tục treo quan tài lơ lửng của người Pa kô

Kỳ lạ phong tục treo quan tài lơ lửng của người Pa kô

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Người dân ở đây cho rằng, khi quật mộ mà bị mất xác, gia đình nhà chủ sẽ gặp tai họa giáng xuống

Người Pa kô bao đời nay vẫn còn lưu giữ tục táng treo vô cùng kỳ lạ. Đến một chu kỳ nhất định, họ khai quật mả người chết lên, sau đó bỏ vào những cái A Pổ (cái tiếu) rồi đặt nằm rải rác trên mặt đất suốt năm tháng. Nhưng kỳ lạ, sau khi an táng treo, người dân trong làng sẽ bị cấm đến nghĩa địa để thăm viếng mộ người nhà. Nếu để người làng bắt được, họ sẽ bị bắt vạ. Xung quanh tục táng treo này, tồn tại rất nhiều câu chuyện kỳ bí đến rợn người.

Sự kiện - Kỳ lạ phong tục treo quan tài lơ lửng của người Pa kô

Những ngôi nhà mồ xiêu lạc, đổ nát

Già làng cũng sợ bị bắt vạ

Từ TP.Huế, muốn lên huyện A Lưới phải vượt qua hơn 105km đường đèo hiểm trở với một bên núi cao, một bên vực sâu hun hút. Đường đi càng khó khăn hơn vì nhiều đoạn đang trong quá trình thi công, xe cộ bị ngăn lại. Sau khi đánh vật với con đường “đau khổ”, giữa trưa, chúng tôi mới đến được mảnh đất kỳ bí này.

Đang định tìm đến nhà của già làng Quỳnh Ngãi (80 tuổi, ở thôn 3, xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) với mong muốn về những ngôi nhà mồ truyền thống, chúng tôi may mắn gặp già bên dòng suối Paray.

Già làng đang đàm đạo chuyện văn hóa thôn bản với nghệ nhân Hồ Thị Tư, cán bộ công tác tại Phòng Văn hóa huyện và được xem là người lĩnh hội đầy đủ nhất văn hóa của đồng bào Pa Kô. Biết chúng tôi muốn viết bài về tục an táng treo, già làng bảo: “Nghe kể chuyện về nhà mồ thì được chứ chúng bay muốn lên tận nơi thăm viếng thì khó lắm. Vì tao cũng sợ làng bắt vạ”.

Tiếp chuyện chúng tôi trong nhà sàn, già làng Quỳnh Ngãi nhấp ngụm trà đặc đắng chát kể: Táng treo là một phong tục có từ lâu đời của cộng đồng các dân tộc sống dọc theo những dãy núi của huyện A Lưới như Tà Ôi, Pa Hy, Vân Kiều.

Người chết được chôn xuống đất sau 3-5 năm, thậm chí đến 10 năm thì được cất lên làm lễ cải táng rồi đưa vào trong những cái Piêng (lăng mộ). Điều đặc biệt là trước đó, những chiếc quan tài sẽ được treo lơ lửng giữa không gian.

Mỗi Piêng có ít nhất 3 tiểu, bởi theo tập tục, mỗi lần cải táng phải từ 3 người trong họ trở lên. Lễ nghi này thể hiện lòng biết ơn, kính trọng của con cháu đối với đấng sinh thành.

Còn nghệ nhân Hồ Thị Tư cho biết: Để làm lễ cải táng cho người đã khuất, người nhà và già làng phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật từ trước 3 tháng.

Tất cả trâu bò, gà, dê, lợn, rượu, thịt thú rừng được bày trước sân nhà, sau vườn. Theo luật lệ, mỗi người dân trong bản ngoài đóng góp 100 ngàn đồng còn tùy vào lòng hảo tâm mà đem biếu thêm chai rượu, con gà và vài gùi bắp để phụ giúp gia đình làm lễ cải táng.

“Lễ cải táng được tổ chức trong 3 ngày 2 đêm, là lễ hội lớn trong năm. Ngày đó, mọi người đều ở lại bản chứ không đi lên nương rẫy nữa. Tâm trạng ai nấy cũng vui vẻ, hứng khởi như trúng mùa”, già làng Quỳnh Ngãi nói.

Được biết, để lễ cải táng diễn ra một cách thuận lợi, gia đình nhà có người đã khuất cử người con trai cả băng rừng vượt núi đi gọi họ hàng, anh chị em thân thích sống du canh du cư dọc dãy Trường Sơn về dự. Dù xa xôi đi mấy chăng nữa, người thân vẫn phải tề tựu đầy đủ, không thiếu sót một người.

Những ngày này, già làng và các thanh niên trai tráng trong làng là vất vả hơn cả. Họ gói cơm nắm, cuốc bộ qua ngọn A Nông cao vời vợi vào rừng sâu tìm kiếm gỗ, tre nứa về làm nhà mồ. Tuy nhiên, không phải loại gỗ nào cũng làm nhà mồ được.

Họ phải chọn loại gỗ quý có vỏ cây sần sùi, dáng thẳng, ngửi có hương thơm đặc trưng của núi rừng. Sau đó, các thanh niên mới làm lễ để đốn hạ. Còn tre nứa phải là những cây cao lớn, thẳng đứng và vỏ cây có màu xanh đậm.

Việc xây dựng và chế tác nhà mồ khá đơn giản nhưng điều quan trọng là phải làm việc liên tục bất kể nắng mưa, tuyệt đối không được dừng lại. Theo quan niệm, ngừng nghỉ thì công việc sẽ mang lại điềm xui xẻo cho gia chủ.

Trước lễ cải táng (A Riêu Ping) một ngày, đích thân già làng trèo đèo lội suối tìm đến các thôn bản khác mời tất cả mọi người cùng đến dự. Trong ngày lễ hội, hàng trăm người từ rất nhiều nơi kéo đến tụ tập trong nhà Gươl (ngôn ngữ địa phương).

Gia chủ đứng ra sắp xếp chu đáo mọi việc ăn uống, nghỉ ngơi và tiếp chuyện khách. Đêm đến, bên ánh lửa bập bùng trước nhà sàn, già trẻ, gái trai nắm tay nhau thành vòng tròn nhảy múa, hát hò, khua chiêng đánh trống suốt 3 ngày 2 đêm.

Sự kiện - Kỳ lạ phong tục treo quan tài lơ lửng của người Pa kô (Hình 2).

Già làng Quỳnh Ngãi bên cạnh ngôi nhà mồ của thôn bản

Hãi hùng cảnh nhà mồ

Sau một hồi thuyết phục, già làng Quỳnh Ngãi đành cho phép chúng tôi được mục sở thị nhà mồ của người Pa Kô. Trước khi lên rừng sâu, nơi đặt các Piêng (lăng mộ), khuôn mặt già làng Quỳnh Ngãi hiện vẻ lo lắng và dặn đi dặn lại rằng: “Không được đụng tay vào bất cứ thứ gì trong nhà mồ, chỉ được phép đứng ở gần xem và chụp ảnh”. Mặc dù là người đứng đầu, có quyền lực nhất làng nhưng già Ngãi vẫn coi đây là cuộc đi thăm viếng vụng trộm và bí mật.

Đường đến khu nghĩa địa phải lội qua con suối Paray mùa cạn, ngập ngụa bùn đất. Chúng tôi phải vạch lá cây rừng đi hàng tiếng đồng hồ mới đến nơi.

Trước mặt chúng tôi, nghĩa địa nằm giữa bốn mặt rừng già với hàng chục ngôi nhà mồ với đủ kiểu cách, hình dáng. Được biết, mỗi piêng là khu an táng của một gia đình, gồm nhiều tiểu gỗ hoặc đất nung, đựng hài cốt sắp xếp ngay ngắn theo tôn ti lúc còn sống. Có ngôi mộ vừa xây cách đây chưa lâu, có ngôi đã bị hư hỏng nặng, mục rỗng gỗ, tre.

Theo quan sát của PV, bên ngoài nhà mồ được khắc trổ, chạm vẽ những hình thù kì quái, còn bên trong là nơi đặt các A Pổ (cái tiếu). Mải mê chụp ảnh, ngoảnh lại, chúng tôi đã không thấy già Ngãi đâu nữa. Nhìn về dưới thì thấy già đang xuống núi. Lúc về, già làng bảo, không dám đứng lâu cùng PV vì sợ làng nhìn thấy sẽ bắt vạ.

Được biết, theo tập tục của người Pa kô, chiều ngày 30 Tết, già làng cùng những gia đình có người đã khuất sẽ hẹn nhau lên khu nhà mồ của bản làm vệ sinh, quét dọn, phát quang cây cối và thắp nhang khấn cầu may mắn. Còn ngày thường, ngay cả đứa trẻ nhỏ đi chăn bò cũng không dám béng mảng lại gần.

Sự kiện - Kỳ lạ phong tục treo quan tài lơ lửng của người Pa kô (Hình 3).

Bên trong ngôi nhà mồ ngổn ngang những chiếc tiếu đựng hài cốt.

Người Pa Kô vốn rất sợ ma, khi phát hiện có người xâm phạm vào mồ mả của người quá cố thì họ sẽ bắt về để phạt tội. Họ cho rằng sự xâm phạm đó sẽ gây nên tai họa, bệnh tật cho gia đình mình (!?)

Nói về chuyện bắt vạ, già làng Quỳnh Ngãi cho biết, bệnh bình thường thì không nói làm gì nhưng những bệnh khó hiểu như tự nhiên hộc máu miệng, máu mũi hay bị ngọn lửa thổi tạt vào mặt hay bị cây trong rừng đè lên người mới kỳ lạ và đáng sợ. Dân bản liền nghĩ ngay đến việc bị báo ứng do có người đột nhập vào Piêng.

Kẻ xâm phạm trái phép sẽ bị đưa ra trước làng chịu tội. Tùy theo ý kiến của gia chủ mà có cách phạt nặng hay nhẹ. Phạt nhẹ là một con heo (từ 50-80kg) và một con gà, hai chai rượu. Phạt nặng thì bắt nhà người đó phải xây lại piêng (lăng mộ) mới và chịu số tiền lớn để người làng làm lại lễ cải táng.

Nhiều sự việc mất xác một cách kỳ lạ

Già làng Quỳnh Biển (thôn Đụt, xã Hồng Trung) kể: Sáng hôm sau, già làng cùng tất cả người thân trong gia đình có người cải táng đến mộ phần bốc hài cốt lên. Nếu xương người đã phân hủy hết thì cho bỏ vào cái A Pổ (tiếu) nhỏ, sau 3-5 năm xương người đã khuất còn nguyên vẹn thì cho vào cái A Pổ lớn hơn. Không ít lần người làng hoảng hốt, lo sợ khi đào đất lên mà chẳng thấy hài cốt hay bộ phận nào của chiếc quan tài.

Hiện tượng mất xác xảy ra khá nhiều, nó báo cả điềm xui hoặc sự may mắn cho cả gia đình. Thế là ngay ngày hôm đó, già làng cho mời thầy mo đến huyệt mộ làm lễ gọi hồn. Họ bắt con châu chấu nhảy vào giữa chiếu thầy cúng rồi đưa vào ống tre bịt kín có chừa một lỗ hổng cho châu chấu thỡ. Một tuần sau quay lại, nếu con châu chấu còn sống, gia đình đó sẽ gặp may. Còn nó đã chết, tai họa nhất định sẽ giáng xuống đầu gia chủ.

Kim Thoa - Nguyễn Thủy