Kỳ lạ tập tục “nhảy múa với xác chết”

Kỳ lạ tập tục “nhảy múa với xác chết”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Madagascar, một quốc đảo lớn ở Ấn Độ Dương, nằm ngoài khơi phía Đông châu Phi, nơi nổi tiếng với nhiều tập tục lạ, trong đó phải kể tới lễ Famadihama, hay còn gọi là Lễ thay xương. Khi thi hài được bọc trong tấm vải trắng muốt, nhạc nổi lên, những người sống đồng loạt nhấc xác chết lên vai và... nhảy múa vui vẻ.

Nghi lễ nhảy quanh xác chết

Cứ 7 năm hoặc lâu hơn nữa, người dân nơi đây lại tổ chức Lễ thay xương cho người thân quá cố của mình một lần. Họ tin rằng, đây là dịp để người sống tưởng nhớ đến người đã chết, là cơ hội hiếm có để kết nối tình thân giữa các thành viên trong gia đình.

Nghi thức lễ Famadihama được tổ chức ngay chính tại hầm mộ trong các nghĩa trang gia đình. Khi hầm mộ được mở ra, một vài người đàn ông, đại diện cho cả gia đình xuống hầm, làm lễ và thận trọng nhấc thi thể của những người thân quá cố lên, gói và bó chặt vào một tấm vải mới. Thi hài vừa được đưa ra khỏi hầm mộ, toàn bộ thành viên trong gia đình hồ hởi ra đón và nâng cao lên vai. Nhạc nổi lên, mọi người đồng loạt nhảy múa vui vẻ cùng xác chết.

Sự kiện - Kỳ lạ tập tục “nhảy múa với xác chết”

Tập tục “lạ” ở Madagascar

Gia súc được giết mổ ngay trong nghi lễ và chia cho các thành viên của gia đình. Người lớn, trẻ nhỏ, người sống, người chết ngập tràn trong tiếng nhạc, tiếng hát và những câu chuyện vui vẻ. Mọi người nhảy múa, ăn uống vui vẻ, khoảng cách giữa sự sống và cái chết dường như hoàn toàn được xóa bỏ.

Một nét văn hóa đặc trưng, trong những dịp này, người già thường tranh thủ giảng dạy cho con cháu những bài học về đối nhân xử thế, về công lao của người quá cố đối với dòng tộc. Cũng là dịp mà những người trẻ hiểu thêm về tổ tiên, về truyền thống gia đình, gắn kết, yêu thương nhau nhiều hơn nữa.

Theo niềm tin của cư dân tại đây, con người không phải sinh ra từ cát bụi, mà được hình thành từ từng phần máu xương của tổ tiên. Do đó, những bậc tiền bối có vị trị rất cao trong các mối quan hệ gia đình của họ. Cư dân nơi đây sống với niềm tin rằng, ngoại trừ khi phần xác thịt bị phân hủy hoàn toàn, người chết vẫn chưa biến mất vĩnh viễn mà còn hiện diện đâu đó để có thể giao tiếp với những người đang còn sống. Linh hồn của cha ông vẫn vượt qua không gian, thời gian để trở về trần gian tham dự nghi lễ cùng họ.

Người nghèo khổ vì... nghi lễ

Để chuẩn bị và tổ chức đầy đủ các thủ tục trong nghi lễ Famadihama không phải là điều đơn giản. Nhiều gia đình nghèo phải mất hàng năm mới dành dụm đủ tiền để lo cho nghi lễ. Các thành viên trong gia đình phải họp bàn và đóng góp tiền, để có được một bữa tiệc thịnh soạn mời người thân và khách. Lại thêm khoản quần áo mới cho người sống tham dự và vải mới cho người đã chết, rồi hoa, rồi đèn... cũng không phải nhỏ. Đau đầu hơn cả là với những gia đình chưa có điều kiện xây được một hầm mộ để tổ chức nghi lễ. Một số người nghèo không đủ khả năng xây riêng một hầm mộ cho gia đình, họ phải dè xẻn từng đồng trong nhiều năm mới có thể xây dựng được.

Nhiều gia đình bí bách, phải bán nhà, bán cửa để lo cho được nghi lễ của tổ tiên. Có một vài người tỏ ra phản đối tập tục này, họ cho rằng quá lãng phí , một số người khác lại không tin vào những phép màu mà tập tục mang lại. Tuy nhiên, theo truyền thống ở đảo quốc này, sẽ là báng bổ nếu một gia đình đến ngày tổ chức nghi lễ mà trì hoãn hoặc không làm. Những gia đình như vậy có thể bị mang tiếng là bất hiếu hoặc vô ơn đối với tổ tiên.

Một điều kỳ lạ là những nghi lễ này không phải là tập tục cổ xưa gì, mà nó mới chỉ phổ biến từ những năm thế kỷ XVII tại đảo quốc Madagascar. Hàng triệu người dân đảo đang tin và thực hành nghi lễ lạ này.

Hồng Minh