Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng vụ Giáo dục Chính trị & Công tác học sinh, sinh viên, bộ GD&ĐT - cho biết, hiện nay, việc khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông hiện nay có một số quy định về kỷ luật học sinh chưa được đồng bộ, thống nhất, một số quy định không còn phù hợp thực tiễn hiện nay.
Mục đích hướng tới của việc kỷ luật là phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, pháp luật của Nhà nước; giáo dục, giúp đỡ để học sinh chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm; tích cực thực hiện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của học sinh; góp phần xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và giữ vững kỷ cương, nền nếp trong nhà trường.
Theo đề xuất của nhiều chuyên gia, giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường và phụ huynh học sinh, tới đây có thể áp dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực như: khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm; phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý.
Yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện, theo nội quy của nhà trường như hoàn thành bổ sung nhiệm vụ học tập và rèn luyện có nội dung liên quan đến khuyết điểm; viết cảm nhận về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng khắc phục sửa chữa…, trước khi nhà trường tiến hành xử lý kỷ luật học sinh hoặc áp dụng đồng thời cùng thời gian mà học sinh đang chịu hình thức kỷ luật….
Bên cạnh đó, giáo viên và nhà trường cũng có thể lựa chọn áp dụng các biện pháp giáo dục khác, nhưng yêu cầu phải phù hợp với mục đích, nguyên tắc kỷ luật học sinh.
Việc kỷ luật học sinh phải đáp ứng các yêu cầu tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến, đảm bảo quyền được tham gia của học sinh đối với các vấn đề liên quan; đảm bảo tính giáo dục, phù hợp với đặc điểm tâm lý, giới tính, thể chất; giúp học sinh nhận ra khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tự giác rèn luyện để tiến bộ; không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh.