Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Lo ngại tính trung thực là có cơ sở!

Thủy Tiên

Đó là một trong những nội dung được đề cập trong buổi họp báo thường kỳ quý II năm 2020 của bộ GD&ĐT, diễn ra vào chiều ngày 30/6.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm minh bạch kỳ thi

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tháng 4/2020, bộ GD&ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Theo đó, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không có nhiều thay đổi so với năm 2019.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao là chỉ đạo kỳ thi, bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020; đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; ban hành công văn hướng dẫn các địa phương, các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục THPT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; thành lập ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố đã thành lập ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.

Cụ thể, ban Chỉ đạo quốc gia đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên ban Chỉ đạo, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân tham gia, một người có thể làm nhiều việc nhưng mỗi việc phải có một người chịu trách nhiệm chính. Ví dụ, công tác ra đề thi do ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học phụ trách; phần mềm chấm thi do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng phụ trách; công tác điều phối, kết nối, báo cáo thông tin do Chánh Văn phòng phụ trách. Tinh thần này đã lan tỏa xuống các địa phương. Ban Chỉ đạo thi các tỉnh/thành phố cũng phân công theo hướng như vậy, rõ việc, rõ người và rõ trách nhiệm.

Bộ cũng đã hoàn thiện phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, trong đó đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương. Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Ban hành đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giúp định hướng dạy học, ôn tập, tạo tâm lý ổn định đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Kỳ thi năm nay, giảng viên đại học sẽ không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi như mọi năm nhưng sẽ được huy động để tham gia các đoàn thanh tra của Bộ, của Sở triển khai công tác kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Theo hướng dẫn công tác thanh tra kỳ thi đã được Bộ ban hành, sẽ có hơn 6.000 giảng viên đại học được huy động thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, năm nay sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tham gia giám sát kỳ thi.

Có thông tin lo ngại về tính trung thực, khách quan khi kỳ thi giao về cho địa phương tổ chức. Lo ngại này là có cơ sở. Để giải quyết vấn đề này, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ đặt ra yêu cầu rất cụ thể đối với cán bộ, giảng viên đại học được trưng tập làm công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu trường nào cử cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn thì Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng.

Ngay sau khi Quy chế thi được ban hành, bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để quán triệt Quy chế thi và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thống nhất quan điểm, tinh thần và trách nhiệm để sẵn sàng triển khai các công việc chuẩn bị, tổ chức thi với quyết tâm cao nhất, đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan.

Về công tác tuyển sinh, bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non và các văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác tuyển sinh năm 2020; xây dựng và hoàn thiện các phần mềm báo cáo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ các trường trong việc khai báo và công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh; khai báo và công khai chính xác, đúng quy định thông tin tuyển sinh.

Tăng thời gian nghỉ hè năm học 2020-2021

Đại diện bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT đã áp dụng từ năm học 2017-2018.

Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5/9/2020; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9/2020.

Đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn. Riêng năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường, tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.

Những năm gần đây, các địa phương thường tổ chức tựu trường đầu tháng 8, điều này làm ảnh hưởng tới thời gian nghỉ hè của học sinh và giáo viên. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh phải kéo dài thời gian học chính khóa, thời gian nghỉ hè chỉ còn 1,5 tháng. Vì vậy, bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương không được tựu trường trước ngày 1/9 để đảm bảo thời gian nghỉ hè cho học sinh và giáo viên.

Trong thời gian trước khai giảng, bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tuân thủ nghiêm túc việc không dạy học trước chương trình. Đây là tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của lãnh đạo Bộ. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục vi phạm quy định này. Các trường dành tuần đầu tiên của năm học mới để thực hiện các hoạt động đầu năm học theo hướng dẫn của Bộ.

Đồng thời, trong năm học 2020-2021, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình. Vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp tiểu học, qua đó tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh.

Tuyệt đối không chậm, thiếu sách giáo khoa

Triển khai lựa chọn sách giáo khoa theo yêu cầu tại Nghị quyết 88 của Quốc hội, bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông để các địa phương chọn sách giáo khoa lớp 1 phục vụ kịp thời năm học 2020-2021. Theo báo cáo từ 63 sở GD&ĐT về Bộ ngày 30/5, tất cả các đầu sách giáo khoa được phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đều được lựa chọn; 61 địa phương chọn sách giáo khoa ít nhất từ 3 bộ trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn sách giáo khoa của cả 5 bộ. Tại một số địa phương, một số sách có tỉ lệ lựa chọn cao hơn với các sách khác là do tính chất đặc trưng của vùng, miền và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo công văn hướng dẫn việc cung ứng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 gửi các sở GD&ĐT và các nhà xuất bản có sách giáo khoa lớp 1, Bộ yêu cầu thời gian bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng sách giáo khoa lớp 1 phải hoàn thành trước 30/7/2020. Đặc biệt, Bộ lưu ý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa trên địa bàn. Việc cung ứng sách giáo khoa phải đảm bảo sách đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8/2020.

T.T