Thời gian gần đây, cơ quan công an triệt phá nhiều đường dây cho vay nặng lãi núp bóng cầm đồ, cho vay với mức lãi suất cắt cổ. Nếu người vay tiền đến hạn không có khả năng thanh toán, các đối tượng sẽ gọi điện thoại uy hiếp tinh thần. Trường hợp con nợ không trả sẽ bị tạo áp lực, thậm chí đánh đập.
Tuy nhiên, mức lãi suất tại các cửa hàng cầm đồ cũng được pháp luật quy định rất rõ ràng. Theo đó, Khoản 6, Điều 29, Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định, lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá quy định của Bộ luật Dân sự.
Theo Khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì phần vượt quá không có hiệu lực.
Căn cứ các quy định nêu trên, lãi suất cầm cố tài sản tại các tiệm cầm đồ tối đa là 20%/năm. Nếu tiệm cầm đồ đưa ra mức lãi suất cao hơn, khách hàng chỉ phải trả với mức lãi suất 20%/năm.
Trường hợp tới hạn nhận lại tài sản mà tiệm cầm đồ bắt buộc phải trả tiền lãi với mức lãi suất cao (trên 20%/năm) mới đồng ý trả lại tài sản đã cầm cố, người đi cầm cố tài sản có thể kiện ra tòa án để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình.
Khi các bên không thỏa thuận được mức lãi khi vay mà vượt quá số tiền lãi quy định sẽ bị quy vào tội Cho vay nặng lãi.
Tội Cho vay lãi nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 nêu rõ:
Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ví dụ: Bên A vay của bên B số tiền 30 triệu đồng. Như vậy, trường hợp lãi suất do các bên thỏa thuận và không được vượt quá: 20%/năm của khoản tiền vay. Có nghĩa, lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 20% : 12 tháng = 1,666%/tháng
Với quy định về lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng là 1,666% như trên, thì mức lãi mà bên A phải chịu chỉ là: 30,000,000 x 1,666% = 499,800đ/tháng.
Nếu số tiền lãi vượt qua số này là trái pháp luật thì sẽ bị quy vào tội Cho vay nặng lãi.
Kể cả 2 bên cho vay và bên vay có thỏa thuận trước về mức lãi, những cũng không được vượt quá 20% khoản tiền cho vay/ năm, tức là không quá 1,666% /tháng.
Đăng Khoa