Làm gì trước vấn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em sang biên giới?

Làm gì trước vấn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em sang biên giới?

Thứ 6, 14/04/2017 | 08:50
0
Thời gian gần đây, hàng loạt thiếu nữ miệt vườn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị bọn buôn người dụ dỗ, lừa bán sang Trung Quốc.

Xung quanh vấn đề này, ngày 13/4, PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Vũ Thiện Toàn (hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam).

PV: Thưa thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Vũ Thiện Toàn, thời gian gần đây, nhiều cô gái ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc vào các "động" mại dâm, gây nhức nhối trong dư luận. Trước thực trạng này, để phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em sang biên giới, chúng ta cần làm gì?

Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Vũ Thiện ToànHiện nay, nhiều kẻ xấu lợi dụng chính sách thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực visa... nên cấu kết với người nước ngoài hình thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm người thân.

Khi ra đến nước ngoài, họ bị chúng cưỡng bức lao động, bán vào các động mại dâm hoặc môi giới hôn nhân (kết hôn giả) để lừa các cô gái qua Trung Quốc, Hàn Quốc.

Tư vấn - Làm gì trước vấn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em sang biên giới?

Đối tượng Phạm Thanh Sang (31 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đã dụ dỗ, lừa bán 7 cô gái Việt sang Trung Quốc vào các "động chứa" vừa bị Công an tỉnh Đồng Tháp bắt giữ.

Các phương thức mà kẻ xấu sử dụng là cho vay nặng lãi, tiếp cận làm quen, thông qua các trang mạng xã hội.

Tại đây, chúng dụ dỗ các em trai, gái mới lớn đang thiếu sự quản lý của gia đình bỏ học, bỏ nhà đi làm những công việc có thu nhập cao. Sau khi nạn nhân mắc bẫy, chúng lừa bán những người này cho các nhà hàng, ép họ hoạt động mại dâm hoặc cưỡng bức lao động.

Hiện nay, để hạn chế và phòng tránh sự dụ dỗ của kẻ xấu, theo tôi chúng ta nên tăng cường tuyên truyền đưa các thông tin liên quan đến nạn buôn bán người.

Đặc biệt, là các phương thức thủ đoạn của những đối tượng xấu đến các cộng đồng dân cư vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Vì trên thực tế, các nạn nhân do thiếu hiểu biết nên dễ bị lừa bởi các chiêu bài tìm việc làm nhàn hạ có thu nhập cao.

Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục gia đình, đặc biệt là các lớp tập huấn nuôi dạy con cái cho phụ huynh có con bước vào tuổi dậy thì (9 đến 15 tuổi).

Cần công tác này bởi nhiều gia đình, bố mẹ chỉ biết chu cấp vật chất đầy đủ cho con cái mà thiếu sự quan tâm, dạy dỗ.

Những bậc phụ huynh này quên mất rằng con trẻ, nhất là trong hoàn cảnh xã hội phức tạp như ngày nay, rất cần có sự che chở, yêu thương, quan tâm, dạy dỗ của bố mẹ. Ngoài ra, nhiều người có cuộc sống quá cơ cực, bần hàn. Họ phải lăn lộn để mưu sinh nên không còn thời gian và sức lực để chăm sóc con cái.

Thêm vào đó, chúng ta cũng cần tăng cường sự quản lý của Nhà nước một cách thống nhất để nhất quán trong hành động, đặc biệt là công tác phối hợp với các nước thường được các đối tượng tội phạm lựa chọn làm điểm đến.

PVNhững nạn nhân vừa được giải cứu về đoàn tụ cùng gia đình thường mang tâm lý luôn hoang mang, hoảng loạn. Theo ông, trước trường hợp này, chúng ta cần làm gì để giúp đỡ họ?

Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Vũ Thiện ToànHiện nay, vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về vấn đề phân tích tâm lý của nạn nhân thoát khỏi những "ổ tệ nạn" nói trên.

Tuy nhiên, chỉ có thể tóm gọn trong vài vấn đề sau: Nạn nhân sợ phải đối mặt với sự kỳ thị xã hội ở địa phương nơi cư trú; lo sợ sự trả thù; sợ bị trừng phạt vì những hành vi bất hợp pháp họ đã thực hiện do hậu quả của việc bị trở thành nạn nhân buôn người.

Vì vậy, các nạn nhân trong các vụ buôn người rất cần sự đồng cảm, chia sẻ và sự giúp đỡ của xã hội.

Cụ thể là biện hộ cho nạn nhân. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của một người với tư cách là đại diện cho tiếng nói của nạn nhân để bảo vệ cho lợi ích hợp pháp của nạn nhân để làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng như công an, hội phụ nữ, tòa án,… để biện hộ, bênh vực, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nạn nhân.

Thực hiện nhiệm vụ này tốt nhất nên là người thân của nạn nhân hoặc có thể là một người am hiểu luật, tình nguyện giúp nạn nhân.

Đồng thời, cần hỗ trợ tạo điều kiện cho nạn nhân được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ như tham vấn, tư vấn, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi,… cũng như kết nối nguồn lực.

Nguồn lực này có thể là các cá nhân, tổ chức, ban ngành, đoàn thể có liên quan đến vấn đề cần giải quyết của nạn nhân hoặc cũng có thể là các dịch vụ sẵn có trong cộng đồng.

Một nạn nhân bị buôn bán có thể có nhiều nhu cầu cần trợ giúp khác nhau như hỗ trợ về mặt tâm lý, pháp lý, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề,…

Xin cảm ơn ông!

Thanh Lâm (thực hiện)