Làng

Làng "siêu" đại học có một không hai

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Có lẽ không đâu lại có nhiều gia đình có 100% con đi học đại học, cao đẳng như ở làng Hành Thiện (Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định). Từ xưa đến nay, ngôi làng này vốn đã nổi danh là một trong những cái nôi đào tạo danh nhân và những con người giỏi giang khoa cử.

Ngôi làng bé nhỏ với những con số “khủng”

Tôi về làng Hành Thiện vào một ngày cuối tháng 8. Tiết trời dịu mát mùa thu dường như càng làm cho ngôi làng vốn còn lưu giữ được nhiều nét cổ càng trở nên thanh bình, yên ả. Lần hỏi vào nhà ông Nguyễn Đăng Hùng - Chủ tịch hội khuyến học làng Hành Thiện không quá khó khăn vì dường như cả làng trên xóm dưới ai ai cũng biết nhà ông. Sau này tôi mới hiểu có lẽ đó còn là nơi mà bất cứ gia đình nào trong làng cũng mong con mình sớm được đến để báo cáo về thành tích học tập, nhất là kết quả thi Đại hoc, Cao đẳng hàng năm.

Sau khi rót nước mời khách, ông Hùng liền lấy trong tủ ra một loạt các sổ sách và vui mừng khoe với tôi những con số học sinh trong làng đạt giải học sinh giỏi các cấp, học sinh đỗ Đại học, cao đẳng mà ông đã cẩn thận ghi chép từ năm 1995 đến nay.

Lướt qua một lượt các con số trên cuốn sổ đã úa màu, tôi không khỏi giật mình về những con số là tỷ lệ học sinh đỗ đại học của làng Hành Thiện những năm gần đây. Năm 2007 cả làng có 78 học sinh đi thi thì có 46 đỗ đại học, 17 đỗ cao đẳng, đạt 81%. Năm 2008, có 75 học sinh đi thi thì có tới 48 đỗ đại học, 26 đỗ cao đẳng, đạt trên 99%. Năm 2009, làng cũng đạt 98% đỗ đạt khi có 44 đại học và 16 cao đẳng trên tổng số 57 học sinh đi thi.Năm ngoái, tỷ lệ trên là 79% với 44 học sinh đỗ đại học và 14 đỗ cao đẳng trong tổng số 73 học sinh đi thi.

Khi được hỏi về số học sinh đỗ đại học năm nay, ông Hùng vui mừng cho biết: “Năm 2011 cả làng Hành Thiện có 80 cháu đi thi. Theo cập nhật đến ngày hôm nay (29/08) chúng tôi có 35 cháu đỗ đại học, 12 cháu đỗ cao đẳng, đạt gần 60%. Đây đa phần là các cháu đỗ nguyện vọng 1, còn một số cháu hiện đang đợi kết quả xét tuyển nguyện vọng 2. Học sinh ở làng hầu như năm nào thi là đi học hết năm ấy, chứ ít cháu ở lại làng hoặc chờ thi lại năm sau.”

Thiếp chúc mừng tân sinh viên của Hội khuyến học làng Hành Thiện

Không chỉ quan tâm đến những học sinh dự thi đại học, cao đẳng, Hội khuyến học của làng Hành Thiện còn luôn quan tâm động viên kịp thời tới những học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Ông Hùng cho hay: “Chúng tôi cũng muốn có sự khích lệ, biểu dương đến tất cả các cháu học sinh giỏi. Nhưng thật tình học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện thì nhiều lắm”.

Tự hào là Hội khuyến học đầu tiên của cả nước, hội khuyến học làng Hành Thiện được thành lập năm 1994, trước cả hội khuyến học quốc gia. Hội được hoạt động với sự đóng góp của các tổ chức đồng hương, của những cá nhân đã lớn lên, trưởng thành từ chính ngôi làng có bề dày nho học ấy. Mỗi năm, học sinh, sinh viên trong làng đều háo hức mong đợi những buổi lễ tuyên dương khen thưởng của hội khuyến học. Đó là dịp tháng 9, trao thưởng cho học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia; phát thưởng cho học sinh thi đỗ đại hoc, cao đẳng và dịp gặp gỡ đầu xuân với các sinh viên học xa nhà…

Học như một cái “nghề”

Làng Hành Thiện có trên 6.000 dân rải ra 15 xóm với diện tích trên 405 hecta, là nơi cư trú của 1540 hộ. Dân cư trong làng từ xưa đến nay chủ yếu sống bằng nghề nông. Mọi người thường nói vui với nhau : Có lẽ ở ngôi làng nhỏ này, sau nghề nông là “nghề” học. Người làng Hành Thiện thường đồn nhau câu nói của GS Vũ Khiêu – một trong những người con xuất sắc của làng, ca ngợi cái “nghề” đặc biệt này: ““Cuộc sinh nhai ai cũng mong giàu nhưng giàu bạc sao bằng giàu chữ?”

Nói về bề dày lịch sử của cái “nghề” đặc biệt này, ông Hùng không khỏi tự hào :”Truyền thống học hành, khoa bảng của làng được tiếp nối liên tục, cùng thăng trầm với các thời kỳ của đất nước nhưng nhìn chung không khi nào bị đứt đoạn, thời kỳ nào cũng ươm trồng được những người con ưu tú cho làng, cho nước.

Từ xưa, người có chữ, có học dù nghèo cũng rất được kính trọng và quý mến. Nghe lời ông cha tôi kể lại, các cụ ngày xưa thường chọn gả con gái ngoan cho những hàn sĩ, những nho sinh dù ít bạc tiền nhưng có học chứ không muốn gả con cho những người nhiều tiền mà ít chữ.”

Ngôi làng còn lưu giữ được nhiều nét cổ

Cũng là một làng quê như bao làng quê khác nhưng sao Hành Thiện có thể tiếp nối được ngọn lửa truyền thống về sự học qua bao đời một cách mãnh liệt đến vậy. Đem thắc mắc ấy ra trao đổi tôi mới hay biết người Hành Thiện từ thế hệ trước đến thế hệ sau đều nhắc nhở nhau nâng cao nhận thức và quan niệm đúng đắn về sự học trong toàn dân, nhất là đối với các cháu nhỏ.

Thêm nữa, “bí quyết” để nâng cao kết quả học tập đó là làng tập trung vào giáo dục truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng hiền tài đã có thời làm nên trang sử vàng của làng Hành Thiện, đặc biệt luôn khơi gợi ở học sinh tinh thần hiếu học bằng những tấm gương sáng ngời về sự học từ xưa đến nay.

Đếm không hết gia đình 100% con đại học

Có lẽ không đâu lại có nhiều gia đình có tất cả các con đi học đại học, cao đẳng như ở làng Hành Thiện. Người giàu, người có điều kiện đi học đã đành, người nghèo cũng gắng cho con đi học mọc sao con cái thoát khỏi cảnh bần hàn.

Tôi may mắn được ông Hùng dẫn đến thăm gia đình anh Nguyễn Hữu Hiền. Gia đình anh Hiền hiện có 3 con đang theo học đại học, em Nguyễn Thị Thu Hiền đang theo học cao học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, em Nguyễn Thị Hoài đang học Thiết kế và xây dựng công trình của Học viện kỹ thuật quân sự và em Nguyễn Thị Thơm đang là sinh viên năm thứ 2 của Đại học Khoa học Tự nhiên. Ngoài ra, anh còn một cháu trai đang học tại lớp chọn của trường THCS Đặng Xuân Khu.

Nuôi 4 con ăn học nhưng kinh tế của gia đình anh hoàn toàn trông vào các sản phẩm hoa màu, chăn nuôi. Ngoài 3 mẫu ruộng bao gồm ruộng của gia đình và ruộng mướn thêm để cấy, anh còn nuôi thêm gần 20 con lợn và hàng chục con gà, vịt các loại. Để có thêm nhiều tiền ăn học cho các cháu, gia đình anh cũng phải tằn tiện từng chút một. Tiết kiệm chẳng dám đun than, điện hay ga, anh Hiền tận dụng rơm rạ, củi khô, hay thân cây hoa màu được phơi khô sau vụ thu hoạch để đun nấu. Vụ chiêm hàng năm, anh trồng các loại lúa năng suất cao để dành toàn bộ cho gia đình ăn cả năm, đến vụ mùa anh lại đầu tư vốn liếng trồng những giống có chất lượng gạo ngon hơn để bán.

Không những thế, mỗi khi có thời gian anh lại tất bật làm thuê cho các gia đình khác trong làng. Vụ cấy hàng năm, cả gia đình cùng đi cấy thuê, mấy cô con gái dịp hè về cũng cùng phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, chăn nuôi.

Anh Nguyễn Hữu Hiền và tấm bằng khen của Học viện Kỹ thuật quân sự dành cho cô con gái Nguyễn Thị Hoài - Thủ khoa Khoa thiết kế và xây dựng công trình

Nhìn dáng người nhỏ thó, gầy gò và làn da đen sạm vì rám nắng tôi không khỏi xúc động vì sự tần tảo, hi sinh và niềm mong ước cho con sớm học hành thành tài của anh.

Anh Hiền vui vẻ kể chuyện: “ Các cháu ý thức được việc học, chăm chỉ học hành và còn thường xuyên đạt học bổng, giấy khen… là nguồn động lực cho chúng tôi. Dù có khó khăn vất vả thì tôi vẫn quyết tâm nuôi cho các con ăn học. Đời mình đã khổ vì không có chữ rồi, đến đời con cái cũng chỉ mong trang bị cho chúng nó cái nghề để sau này đỡ vất vả.

Tôi vẫn thường nói với các con: Đời cha mẹ làm ruộng còn sống được, đến đời các con mà không học thì đến ruộng cũng không làm nổi. Ngay cả việc làm ruộng cũng đang dần được hiện đại hóa, đơn giản hóa bằng các máy móc, không học thì sao mà làm được”.

Chia tay gia đình anh Hiền, chia tay ngôi làng nhỏ hiếu học tôi không khỏi cảm thấy mến phục. Chẳng phải trường chuyên, lớp chọn, chẳng phải gia sư hay giáo viên ôn luyện cao cấp… con người Hành Thiện qua bao thế hệ bằng chính quyết tâm, nỗ lực và niềm đam mê con chữ đang ngày làm rạng danh cho một ngôi làng văn hiến, một nơi địa linh nhân kiệt, một cái nôi của nhiều bậc nhân tài từ cổ chí kim.

Việc học hành đất dưỡng thông minh, đường khoa bảng trời ban tài trí

Đã nhiều Tiến sĩ, Cử nhân, lại lắm Giáo sư Viện sĩ

Nay toàn cầu vào cuộc đua tranh, lúc nhân loại gặp thời trí tuệ

Có học thì dân trí cao thăng, không học thì dân sinh tồi tệ

Hãy học sao trị quốc an dân, hãy học để kinh bang tế thế

Để Việt Nam bền mãi nghĩa nhân, để Hành Thiện sáng ngời nhân trí

Nay ghi danh ngưỡng mộ hiền tài, Dựng bia đá tôn danh học sĩ

(Mùa xuân năm Tân Mão, GS.AHLĐ Vũ Khiêu phụng thảo)

(Trích nội dung bia đá tôn vinh Tiến sĩ, Cử nhân thời Nho học; Giáo sư, Tiến sĩ thời tân học của làng Hành Thiện)

Phạm Hạnh