“Lão khùng” thổi sáo đưa nhạc Trịnh dạo phố

“Lão khùng” thổi sáo đưa nhạc Trịnh dạo phố

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Gần đây, trên các đường phố chính tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), người đi đường thấy hình ảnh người đàn ông tóc dài, ăn mặc chỉnh tề, ngày ngày cầm sáo vừa đi vừa thổi những bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Người nghệ sỹ đường phố kia là Đỗ Văn Đây (58 tuổi, trú tại 299 Quang Trung, TP.Buôn Ma Thuột). Vốn đam mê nhạc Trịnh, ông đã chọn cách thể hiện bằng tiếng sáo. "Tôi còn sống được ngày nào, chắc chắn tiếng sáo của tôi sẽ còn mãi du dương", ông Đây khẳng định.

Xã hội - “Lão khùng” thổi sáo đưa nhạc Trịnh dạo phố

Hàng ngày, ông Đây xuống đường phố biểu diễn nhạc Trịnh qua tiếng sáo.

Cả gia đình mê nhạc Trịnh

Tôi gặp ông Đây lần đầu ở ngã 6 Buôn Ma Thuột, ông bận bộ đồ sơ vin cũ, chân mang giày vừa đi vừa thổi sáo. Ông đưa cây sáo lên miệng rồi thổi lên những giai điệu của bản nhạc Hạ trắng. Nghe tiếng sáo, những người đi đường quay sang nhìn ông, có người dừng xe, đưa tai về phía ông, chốc chốc lại gật gù cái đầu. Tiếng sáo phát ra trong trẻo có sức lôi cuốn đến lạ kì.

Ông Đây quê ở Bình Định, lên Đắc Lắc lập nghiệp năm 1972. Ông sống bằng nghề đúc hòn non bộ. Bản thân ông có mấy chục năm kinh nghiệm và là người tiên phong làm nghề đúc hòn non bộ ở nơi đây. Hiện tại, gia đình 3 thế hệ của ông sống trong căn nhà cổ lâu đời giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột.

Ông Đây cho biết, gia đình ông vốn hâm mộ Trịnh Công Sơn. Từ nhỏ, ông đã biết đến Trịnh qua lời kể của thành viên trong gia đình. Tò mò, ông thử nghe nhạc Trịnh. Thấy hay, có ý nghĩa nên ông ghiền lúc nào không hay. Mới 13 tuổi, nhưng ông Đây đã thuộc lòng những ca khúc của Trịnh Công Sơn.

"Hồi trước cả gia đình thi nhau hát nhạc Trịnh xem ai hát hay hơn. Mình tham gia với ca khúc Ướt mi. Đến khi hát xong ai cũng vỗ tay. Gia đình ai cũng nói mình hát hay, diễn tả được cái hồn của nhạc Trịnh. Có người ví von phong mình làm ca sĩ. Sau lần đó, cứ mỗi dịp hội họp, liên hoan là gia đình bắt mình hát nhạc Trịnh cho mọi người nghe", ông Đây nhớ lại.

Theo chân ông về nhà, căn nhà tuy nhỏ nhưng trên mỗi bức tường đều có tranh ảnh liên quan đến Trịnh Công Sơn. Ông cho biết, hiện tại gia đình ông có khoảng 50 bức tranh do chính tay ông vẽ bằng bút cọ với mực xạ. Có bức ông vẽ Trịnh Công Sơn, cũng có tấm, ông lại phác thảo bức tranh từ nội dung bài hát. Những lúc rảnh tui thường lấy tranh ra vẽ.

"Tui thường vẽ ông Trịnh. Có tấm tui dựa vào nội dung bài hát để phác thảo thành tranh. Ví dụ bài Như cánh vạc bay, tôi vẽ con vạc bay giữa bầu trời rộng lớn. Bài Để gió cuốn đi tôi vẽ cây tre cong mình trước gió. Có thể tranh không đẹp, không sắc, nhưng là sản phẩm do chính tay mình làm ra xuất phát từ đam mê nên thấy quý", ông Đây chia sẻ về niềm say mê của mình.

Đam mê "không đụng hàng"

Không chỉ hát tốt, ông Đây còn có khiếu biểu diễn nhạc Trịnh qua tiếng sáo, đàn guitar và kèn acmonica. Dù không được đào tạo nhưng ông có thể chơi thành thạo 3 loại nhạc cụ này như những nghệ sĩ chuyên nghiệp.

"Bản thân tôi vốn mê Trịnh. Từ khi cảm thụ được nhạc Trịnh, tôi từng ấp ủ dự định sẽ tự biểu diễn nhạc Trịnh bằng các nhạc cụ truyền thống. Thế nên những lúc đi học hoặc rảnh rỗi, tôi lân la vào thư viện để mượn tài liệu về tự học. Nghe ở đâu có ai giỏi, ai rành thổi sáo là tôi lân la làm quen nhờ họ chỉ dạy. Giờ đây, tôi có thể chơi thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống, nhất là sáo", ông Đây tự hào nói.

Ông Đây cho biết, do ấn tượng về tài năng thổi sáo nhạc Trịnh của ông nên nhiều chủ quán cà phê trên thành phố đặt vấn đề mời ông về biểu diễn với những đãi ngộ hấp dẫn nhưng bản thân ông lại từ chối. Ông luôn tâm niệm rằng, tìm đến nghệ thuật chỉ vì đam mê chứ không vì mục đích kinh doanh hay vụ lợi.

Khoảng 3 tháng trở lại đây, người dân thành phố Buôn Ma Thuột bắt gặp hình ảnh ông Đây bận đồ sơ vin lịch sự, tay cầm sáo vừa đi vừa thổi khắp các con đường phố lớn. Cứ thổi dăm ba bài, ông nghỉ lấy hơi rồi lại thổi tiếp. Hết con đường này, ông lại tiếp tục hành trình thổi sáo ở con đường khác. Hình ảnh người đàn ông tóc dài đi khắp thành phố thổi sáo đã trở nên thân quen đối với nhiều người dân nơi đây.

"Thời trẻ mê Trịnh tôi chỉ biết hát, phục vụ cho mình và người thân. Bây giờ già, mê Trịnh chỉ muốn đưa nhạc Trịnh đến với đông đảo quần chúng trên đường phố", ông Đây giải thích lý do ông thổi sáo trên đường.

Thời gian ông thổi sáo trên đường phố, có người cho rằng ông bị điên vì suốt ngày chỉ biết xuống đường để thổi sáo nên nhìn ông với ánh mắt kì thị. Có người biết chuyện nên cũng quý mến tài năng và tấm lòng của ông.

"Tôi nhớ một tối ngồi thổi sáo ở ngã sáu, đang thổi thì có nhóm thanh niên bỗng ồ lên. Có đứa chạy đến hỏi tôi có phải đang thổi bài Ướt mi không. Sau đó lại còn đến nhà nhờ mình dạy thổi sáo. Cũng có lúc đang thổi, có người lao đến hát theo nhịp tiếng sáo của mình. Mình thổi sáo trên phố không phải để bán buôn, trục lợi hay tự khẳng định tài năng mà mình muốn mọi người biết đến Trịnh nhiều hơn. Thấy có người biết, đồng cảm nên cũng thấy vui", ông Đây chia sẻ.

Hữu Phúc