Lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Hoàng Mai

Tổ công tác của Bộ GTVT và Hà Nội có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch rà soát, xem xét, đưa ra giải pháp tháo gỡ toàn bộ các vấn đề còn vướng mắc của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông báo kết luận số 2538-TB/TU-GTVT ngày 31/3/2020, về hội nghị giữa Thành ủy với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các bộ, ngành liên quan và Ban cán sự Đảng UBND Thành phố về tiến độ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và các dự án trọng điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, Hội nghị thống nhất kết luận: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành các mục gồm: Công tác xây dựng 5/5 công trình thành phần; đã vận hành thử kỹ thuật một số chuyên ngành thiết bị, từ cuối tháng 9/2018 đến tháng 3/2019. Hiện, đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công và khắc phục các tồn tại khuyết điểm, tiến hành các thử nghiệm, đánh giá an toàn hệ thống.

Theo trách nhiệm được Chính phủ giao, Thành phố Hà Nội đã hoàn thành 9/9 nội dung về chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để tiếp nhận bàn giao, đưa vào khai thác vận hành tuyến đường sắt đô thị này ngay sau khi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá, kết luận chất lượng công trình đủ điều kiện theo quy định và cho phép bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, bảo đảm chất lượng kỹ thuật, an toàn.

Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện chuẩn bị bàn giao Dự án và đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện các bên đang khẩn trương thực hiện đào tạo nhân lực, vận hành chạy thử, kết nối hạ tầng giao thông, thông tin tuyên truyền, hoàn thiện kế hoạch bàn giao, tiếp nhận điều chỉnh. Tuy nhiên, do vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật, đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao chưa thống nhất giữa Bộ GTVT và Tổng thầu của Dự án, trong đó, có vướng mắc việc thực hiện Kết luận của Kiểm toán Nhà nước về yêu cầu giảm trừ thanh toán, hoàn tất thủ tục liên quan,… nên tiến độ bàn giao, vận hành tuyến liên tục chậm so với cam kết.

Để giải quyết các vướng mắc nhằm sớm đưa Dự án vào vận hành, góp phần hạn chế ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn Thủ đô, Thành ủy Hà Nội và Ban cán sự Đảng Bộ GTVT thống nhất thành lập Tổ công tác xây dựng kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ cuối cùng của Dự án.

Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch rà soát, xem xét, đưa ra giải pháp tháo gỡ toàn bộ các vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất như nêu trên giữa Chủ đầu tư và Tổng thầu của Dự án theo quy định của pháp luật hiện hành, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết. Thống nhất thông tin khi thực hiện đàm phán với nhà thầu.

Riêng về công tác đánh giá an toàn, chạy thử đoàn tàu, nghiệm thu và bàn giao, hai bên thống nhất thực hiện nghiệm thu có điều kiện đối với các nội dung công việc còn tồn tại nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng công trình, an toàn chạy tàu và biện pháp khắc phục trong thời gian bảo hành. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn hệ thống và Giấy chứng nhận tạm thời của Cục Đăng kiểm Việt Nam, thực hiện bàn giao có điều kiện để đưa vào khai thác, vận hành trong trường hợp đảm bảo chất lượng, an toàn, đồng thời các bên hoàn tất thủ tục, hồ sơ bàn giao chính thức Dự án theo quy định pháp luật.

Hai bên cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước trên cơ sở báo cáo cung cấp và giải trình của Bộ GTVT, rà soát lại Kết luận kiểm toán để có thể xem xét, điều chỉnh đối với nội dung thuộc thẩm quyền. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền thì phối hợp với Tổ công tác có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo về các nội dung giảm trừ thanh toán, tránh nguy cơ xảy ra tranh chấp hợp đồng, làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án.

Hai bên cũng đề nghị Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao hướng dẫn, xem xét đưa chuyên gia Trung Quốc của Dự án sang Việt Nam làm việc trong tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thành ủy Hà Nội và Bộ GTVT cũng thống nhất chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với các bên liên quan định hướng công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về việc triển khai Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Trước đó, Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo hợp đồng ký kết, khi dự án được đưa nghiệm thu, đưa vào sử dụng sẽ thanh toán cho tổng thầu đến 95% giá trị (tương đương tăng thêm 105 triệu USD); 5% còn lại là giá trị bảo hành dự án.

Cho đến nay, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã thanh toán cho tổng thầu 509/644 triệu USD, tương đương 79% giá trị hợp đồng.

Đầu năm nay, Bộ GTVT đã gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trả nợ gốc khoản vay lại của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Thời điểm đó, Dự án đã trả nợ gốc cho Trung Quốc với tổng số tiền 398,043 tỷ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư còn lại là 1,957 tỷ đồng.

Đáng nói, Bộ GTVT cho biết nếu dự án không được gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn vay lại hoặc xem xét, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo Hiệp định vay, dự kiến dự án phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 khoảng 152,709 tỷ đồng.

H.M