Lật tẩy website giả mạo bán vé tàu Tết 2017 với giá ‘cắt cổ'

Lật tẩy website giả mạo bán vé tàu Tết 2017 với giá ‘cắt cổ'

Thứ 6, 16/12/2016 | 14:21
0
Các trang web giả mạo này có đầy đủ chức năng từ đặt hành trình, thông báo giá tiền, cách thức lấy vé…

Trong vai người đi tìm mua vé tàu Tết 2017, PV được một người chỉ dẫn truy cập vào nhiều trang website bán vé tàu Tết hiện còn vé. Điển hình như trang http://cheapvietnam....com. Tại đây, PV truy cập vào thì hiển thị ngôn ngữ bằng tiếng Anh. Khi đăng nhập vào ô tìm kiếm, hệ thống báo hiện còn rất nhiều vé tàu. Điển hình như ngày 22/1 (tức 25 Tết), giá vé trang này đưa ra là 72 USD (khoảng 1,5 triệu đồng) cho loại giường nằm điều hòa. PV tìm đến văn phòng ghi trên trang này ở đường Bình Lợi (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để hỏi mua vé.

Đây thực chất là văn phòng bán vé máy bay, tàu hỏa, xe khách… Ở đây chỉ có một người phụ nữ làm việc. Hỏi về chặng Sài Gòn đi Huế ngày 22/1, người phụ nữ cho biết: “Giá vé là hơn 3 triệu đồng anh à, nhưng mà chưa chắc có vé. Em sẽ kiểm tra, nếu còn vé thì sẽ gọi lại cho anh ngay”. PV thắc mắc, sao trên website để là 72 USD, “đó là giá ngày thường anh à”, người này trả lời. Thực chất, nếu ngày thường của chặng này thì giá vé của ngành đường sắt chỉ có 455 ngàn đồng/vé.

Về hình thức thanh toán, nhân viên này cho biết: “Sau khi có thông tin về đặt chỗ thì bên anh phải chuyển khoản ngay cho bên em để giữ chỗ. Đặt chỗ xong thì bên em sẽ gửi vé qua email cho anh, như vậy là xong”. Tuy nhiên, tôi làm vẻ thắc mắc chuyển tiền mà không có cái gì làm tin hay hóa đơn, chứng từ gì cả thì sao, người này chỉ biết nói cho qua chuyện: “Bên em làm ăn uy tín mà, ai cũng vậy chứ chỉ có riêng anh đâu?”

Xã hội - Lật tẩy website giả mạo bán vé tàu Tết 2017 với giá ‘cắt cổ'

 Các trang giả mạo để bán vé tàu với giá “cắt cổ”

Tương tự, tại trang www.vietnamrail.....net cũng xuất hiện cách đặt vé và bán với giá “cắt cổ”. PV gọi vào số điện thoại nóng trên website này đặt vé chiều Huế đi Sài Gòn thì được người tên Thúy cho biết: “Giá vé là 72 USD, tầm khoảng 1,5 triệu đồng/vé. Nếu anh mua thì chuyển khoản, bên em sẽ gửi vé cho anh. Nếu anh có thẻ Visa thì chuyển tiền cũng được nhưng phí hơi cao. Còn nếu có thẻ nội địa thì chuyển ít phí hơn”.

Tương tự, các tuyến hành trình khác, trang website này cũng bán với giá cao hơn nhiều. Điển hình như chặng Hà Nội – Sài Gòn đi vào vào ngày 22/1/2017 cũng được Thúy chào bán với giá 107 USD (tương đương 2,5 triệu đồng), trong khi đó, ngành đường sắt chỉ bán với hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi, nếu chuyển tiền mua vé tàu qua tài khoản xong nhưng bên chị không đặt vé thì làm sao, Thúy chống chế: “Thì anh cứ việc khiếu nại với ngân hàng là em đã nhận tiền mà không bán hàng. Khi đó ngân hàng sẽ giải quyết cho anh thôi mà, không có chuyện gì đâu mà lo. Với lại bên em làm ăn uy tín, nhiều năm nay rồi”.

Xã hội - Lật tẩy website giả mạo bán vé tàu Tết 2017 với giá ‘cắt cổ' (Hình 2).

 Người mua vé cần phải tìm hiểu kỹ website của ngành đường sắt hoặc đến tận nơi để mua vé

Đánh vào khách nước ngoài

Ngoài các trang web nói trên, hiện nay, các trang như: https://vietnam-rail...com, https://www.vietnamtrain....com... cũng đang rao bán vé tàu với các chiêu thức tương tự. Chúng được lập trình với ngôn ngữ tiếng Anh, có trang cả tiếng Pháp.

Ông Nguyễn Hùng Phát, Giám đốc một hãng lữ hành tại TP.HCM cho biết: “Thực chất, đây là các trang lập ra nhằm để khách du lịch nước ngoài tìm mua vé tàu qua mạng. Vì hình thức đặt vé qua mạng là phổ biến ở nước ngoài và khách du lịch nước ngoài”.

Ông Phát phân tích thêm: “Họ lập ra các trang này để bán vé. Đương nhiên, du khách sẽ không am tường được bằng người bản địa, hơn nữa họ cũng không biết được đâu là trang chính thức của ngành đường sắt. Điều quan trọng với họ là làm sao dễ truy cập, dễ tìm kiếm thông tin, dễ đặt vé là được, giá cả họ không có cơ sở để so sánh. Còn người Việt hầu như rất ít đặt thông qua các trang này, kể cả khách đoàn là người nước ngoài. Hơn nữa, các website này cũng rất được khách balo lựa chọn”.

Đặc điểm giống nhau của các trang này là có tên miền “.com” hoặc “.net”, có thiết kế tương đối giống với trang của ngành đường sắt. Thêm vào đó, họ không để bất cứ công ty hay dịch vụ tên gì trên các trang này. Có trang để địa chỉ văn phòng còn có trang không có thông tin gì, chỉ có form đăng ký cho khách điền các thông tin cá nhân và gửi về cho họ. Việc báo giá cũng chỉ bằng ngoại tệ (USD là chủ yếu), không hề có đồng tiền Việt, giao dịch cũng bằng hình thức chuyển khoản.

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: “Những website nói trên bán vé tàu đều là giả mạo. Chúng có tên miền khá giống với website chính thức của ngành đường sắt. Nhưng về giá cả, họ bán cao gấp 4, 5 lần so với giá bán của ngành đường sắt đưa ra. Các webiste này đang gây ra hiểu nhầm cho hành khách, đặc biệt là hành khách người nước ngoài. Đồng thời, khi khách hàng mua vé tàu thông qua các trang này thì sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại khi họ bán với giá vé cao”.

Liên quan đến tình hình vé tàu Tết Đinh Dậu 2017, ông Văn cho biết: “Tính đến 8h ngày 12/12/2016, công ty đang còn khoảng hơn 263 ngàn chỗ đi, đến tất cả các ga trên tuyến đường sắt Bắc - Nam vào thời gian trước Tết từ ngày 17/01/2017 đến ngày 26/01/2017 (nhằm ngày 20 đến 29 âm lịch) và sau Tết từ ngày 31/01/2017 đến 12/02/2017 (nhằm ngày 4 đến 16 âm lịch).

Trong đó, còn khoảng hơn 11 ngàn chỗ có ga đi Sài Gòn, Biên Hòa, ga đến Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội vào thời gian trước Tết từ ngày 17 đến 20 và 25, 26/01/2017 (nhằm ngày 20 đến 23 và 28, 29 âm lịch). Còn khoảng trên 50 ngàn chỗ có ga đi Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định, Vinh, ga đến Biên Hòa, Sài Gòn vào thời gian sau Tết từ ngày 31/01/2017 đến 12/02/2017 (nhằm ngày 4 đến 16 âm lịch). Ngoài ra số chỗ còn thường xuyên biến động do hành khách đặt giữ chỗ mà không thanh toán, hành khách trả lại vé… bao gồm các ngày cao điểm đi trong dịp Tết Đinh Dậu – 2017.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Một lãnh đạo Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM cho biết: “Pháp luật nghiêm cấm hành vi tạo trang thông tin điện tử (website) giả mạo các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác; thông tin sai sự thật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, nếu ngành đường sắt phát hiện các trang web đó là giả mạo thì họ phải có văn bản gửi cho các cơ quan chức năng để khiếu nại, bảo vệ quyền sở hữu của mình. Theo quy định, người có hành vi lập các trang web giả mạo hoặc sử dụng các thông tin về cá nhân, doanh nghiệp khi chưa được sự đồng ý có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Thanh Tùng