alt=

Dáng đi hơi khòm liêu xiêu như chú sếu trên cánh đồng chiều buồn thảm, hình ảnh của nghệ sĩ Lê Bình toát lên vẻ khắc khổ đậm chất riêng. Nhưng đó lại là dáng vẻ thân quen khiến trái tim người xem thổn thức mỗi lần nhớ đến người đã dành trọn một đời cho nghệ thuật - nghệ sĩ Lê Bình.

Sự hi sinh thầm lặng chưa một lần mong mỏi đáp đền"

Người ta nói đời nghệ sĩ là khổ là đau, là sự cô đơn chạm đáy thế giới hi sinh thầm lặng. Ở thế giới ấy có Lê Bình – một con người tài hoa phong trần nhưng vẫn mãi lận đận không vươn lên đến tầm cao mà họ xứng đáng. Lê Bình sinh ra tại Sài Gòn trong một gia cảnh đặc biệt.

Cha ông là một thương nhân mua bán hàng bằng ghe tàu nên ông thường di chuyển qua nhiều tỉnh thành.

Mỗi nơi ông dừng chân, ông đều có một bóng hồng. Chính vì “cái tài” ấy của người cha mà Lê Bình từ thuở nhỏ không được hưởng trọn vẹn hai tiếng yêu thương và sự đủ đầy.

Lao vào đời với lý do duy nhất là sinh tồn, cuộc đời của ông giống hệt những thước phim tráng men màu nước mắt.

Sẵn có máu nghệ thuật nên Lê Bình đăng ký học khóa mỹ thuật ngắn hạn và mưu sinh bằng chính đôi tay tài hoa của mình trên bảng hiệu.

Trong thời gian làm nghệ thuật nghiệp dư, Lê Bình bén duyên với nghiệp diễn xuất đầy tình cờ.

Lê Bình nhớ lại: “Thấy tôi vẽ đẹp và có chút năng khiếu nghệ thuật nên sân khấu quận 3 rủ về làm văn nghệ phong trào. Tôi được khuyến khích viết kịch bản và dàn dựng thoại kịch. Vì không được học bài bản nên lúc đầu tôi không dám nhận lời, nhưng anh em khuyến khích và động viên, tôi làm liều. May mắn sao, các vở tôi viết kịch bản và dàn dựng đều được đánh giá cao. Từ đó, các đạo diễn nổi danh để mắt đến và mời tôi tham gia các vở diễn chuyên nghiệp. Tôi bắt đầu nghề diễn viên như thế”.

“Tôi không bước vào trường chính quy nhưng đều học qua những khoá đào tạo ở trung tâm văn hoá, ở các sân khấu. Nhìn, quan sát xung quanh cũng là một cách để học. Không nghề nào không rèn mà nên”, Lê Bình chia sẻ chân thành.

Đến với sân khấu, Lê Bình như một chiếc cầu vồng toả sắc màu ở nhiều vai trò như: tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sỹ thiết kế, thậm chí chạy xe chuyên chở cảnh trí.

Niềm vui mỗi tháng của ông chỉ là 13kg gạo theo tiêu chuẩn để trang trải cho một gia đình đông người.

Ấy vậy mà mỗi khi bước lên sân khấu, Lê Bình xuất thần thăng hoa như chưa từng bị gánh nợ cơm áo làm phiền. Công sức và sự cần cù được tổ nghề đáp đền xứng đáng.

Với vai ông Năm Honda trong vở diễn "Chuyện phố tôi", Lê Bình được đạo diễn Đăng Nhân mời tham gia sân khấu kịch thuộc Nhà văn hóa Thanh Niên.

Tại liên hoan sân khấu toàn quốc vào năm 1984, Lê Bình mang về cho mình giải Nhì. Kể từ đây, Lê Bình chính thức trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp và được công chúng dần dần chú ý đến.

Về sau, ông được mời về cộng tác cho câu lạc bộ kịch thể nghiệm tức sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần – ngôi nhà nghệ thuật của Thành Lộc, Mai Trần, Quốc Thảo, Việt Anh, Hồng Vân, Hồng Đào, Thành Hội, Thanh Thủy....

Nghệ sĩ Lê Bình thời trẻ có gương mặt đẹp đậm chất nghệ sĩ, thế nhưng đi sâu vào thánh đường nghệ thuật, Lê Bình chọn về mình một hình ảnh đặc biệt…

Trong suốt chặng đường diễn xuất của nghệ sĩ, Lê Bình chẳng có duyên với vai kép đẹp, cũng không lụa là giữa chốn phù hoa hội chợ mà người ta quen thấy ông trong bộ dạng khốn cùng, nhăn nhúm, khổ hạnh trong những bộ phim đậm chất miền Tây như: Đất phương Nam, Mùa len trâu, Vịt kêu đồng...

Chẳng biết từ khi nào, hình ảnh chân chất, mộc mạc của nam nghệ sĩ được khắc hoạ sâu đậm trong lòng khán giả đến vậy.

Ông cười bảo chắc do duyên số, có lẽ cũng không nhiều người vốn sinh ra để dành cho những vai như thế mặc cho cuộc đời ông ngoài đời và trên màn ảnh nhỏ đều có nét tương đồng: Khổ nhiều rồi!

Cuộc đời tựa bộ phim dài kỳ nhuốm màu nước mắt"

Ở tuổi 25, Lê Bình kết hôn với gánh nặng mưu sinh. Ông chạy show nhiều hơn bất kỳ nghệ sĩ nào thời ấy với mong ước đem lại một căn nhà thật sự cho những người thương yêu, ông bán mạng cho những buổi diễn thâu đêm suốt sáng.

Từng có một căn nhà khang trang, một cuộc sống ấm êm, nhưng mấy ai tiên tri cho mình chính xác về vận mệnh.

Hơn nửa đời người, cuộc hôn nhân của ông gãy gánh, người nghệ sĩ ngày nào một lần nữa đối diện với hai chữ “nợ nần”.

Nỗi buồn chưa dừng lại ở đó. Cách đây vài năm, con trai lớn của ông bị tai nạn giao thông, qua đời trong độ tuổi còn rất trẻ. Người con trai thứ vì ham chơi với chúng bạn mà trở nên nghiện ngập, sống mòn trong trại cai nghiện.

Khát vọng về hạnh phúc bình dị bỗng vuột khỏi tầm tay dù có lúc tưởng như đã nắm rất chặt.

Ông già Đất Phương Nam tiếc nuối vì gia đình dở dang, nhưng tâm niệm tình yêu thương phải đi kèm lý trí.

Đã có lúc đôi chân run rẩy trên những con đường dài muốn tìm chốn nghỉ, nhưng nghĩ đến đứa con trai út, ông lại tiếp tục cuộc hành trình gian nan mặc cho bệnh tật kéo đến không báo trước.

Một ngày như bao ngày, Lê Bình ngỡ ngàng đón nhận tin ung thư. Đôi chân từng tung hoành trên các sân khấu không còn nghe lời khi căn bệnh ung thư đã di căn vào xương.

Xạ trị là thế, đau đớn là thế nhưng Lê Bình vẫn bám lấy phim trường như một người si tình vẫn còn ham vui ham yêu lắm.

Ông nghĩ bệnh tật là chuyện cá nhân còn đoàn phim là cuộc sống của 40-50 con người, bởi vậy ông vẫn giữ nguyên tác phong đúng giờ đúng hẹn mặc cho những vết thương vẫn đang âm ỉ không chịu buông bỏ, bởi với Lê Bình không có lý do gì để bắt họ phải chờ đợi.

Thế nhưng người ta vẫn thấy ông bình thản đến đau lòng, chỉ gợn chút bâng khuâng bởi hình ảnh Lê Bình từ màn ảnh ra đến đời thật, khác nhau quá nhiều.

Khi tương lai là điều khó định, ký ức lại trở thành liều thuốc giảm đau hiệu quả nhất.

Vui vẻ, ý nghĩa là những gì ông mong muốn trong thời gian này.

Tâm nguyện cuối cùng của một người cha…"

Trong ánh sáng nhá nhem của buổi chiều, gương mặt ông vẫn tươi tắn với nụ cười thi thoảng hé mở. Không muốn vướng bận con cái, ông luôn tự làm để nuôi bản thân. Ông sống đơn giản, không đòi hỏi nhiều nên cuộc sống cũng nhẹ nhàng, dễ thở.

Cô đơn tuổi già, ông tìm niềm vui với phim ảnh, dạy học trò, nuôi chú chó nhỏ để bầu bạn hay tập thể dục buổi sáng rồi cà phê, ăn sáng cùng bạn già. Từ khi sức khoẻ chuyển biến xấu đi, mọi thứ đều phải gác lại.

Nghệ sỹ Lê Bình đã bị liệt, sinh mệnh nguy hiểm

Ngẫm về cuộc đời, ông ví von như những trang sách cuối cùng, không định trước được ngày khép lại. Điều ông có thể làm là giữ cho mình luôn thảnh thơi, nhẹ nhàng bằng cách buông bỏ những nỗi lo. Ngay cả với hạnh phúc trăm năm của người con trai thứ ba, dù muốn chăm lo nhưng nay ông đã sức cùng lực kiệt, không thể dìu con đi hết cuộc đời. Điều duy nhất ông muốn là các con được hạnh phúc, bình yên.

Tình thương, sự chia sẻ là liều thuốc tinh thần hiệu quả nhất cho ông ở thời điểm này. Hạnh phúc riêng không tròn vẹn nhưng ông được bù đắp bằng tình yêu thương của khán giả. Ông đối mặt và vượt qua mất mát, đau khổ một cách nhẹ nhàng. Ông muốn viết nên những trang ý nghĩa nhất cho mình, có cả hạnh phúc và khổ đau.

Ngẫm lại cuộc đời nghệ sĩ Lê Bình tựa cuộc hành trình ra biển lớn, đã đến lúc dừng chân tìm chốn nghỉ. Bấy nhiêu đủ để ông biết mùi vị của hạnh phúc bởi trong những ngày cùng cực nhất vẫn luôn được yêu thương.