Liên tiếp đụng độ
Vào tháng 8, một cuộc giao tranh giữa các lực lượng tuần tra do Nga và Mỹ triển khai đã nổ ra ở đông bắc Syria. Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, vụ va chạm xảy ra gần Dayrick (Al-Malikiyah), tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria - khi các đội tuần tra của Mỹ và Nga vô tình chạm mặt nhau.
Theo cáo buộc, một xe quân sự của Nga đã cố tình đâm vào một xe địa hình chống mìn, chống phục kích (M-ATV) của Mỹ, khiến 4 binh sĩ bị thương. Đây là sự cố mới nhất trong một loạt các cuộc đụng độ liên quan đến binh lính của Nga và Mỹ trong khu vực, sau khi Mỹ rút một phần khỏi phía đông bắc Syria.
Trong khi vụ việc dẫn đến những tuyên bố trái ngược và mâu thuẫn nhau từ phía cả bộ Quốc phòng Mỹ và bộ Quốc phòng Nga, đây được coi là minh chứng nổi bật cho sự “giẫm chân nhau” liên quan đến các cuộc tuần tra an ninh của Nga và Mỹ.
Bên cạnh đó, theo một số đoạn video, hai máy bay trực thăng của Nga đã bay lượn phía trên đường tuần tra của Mỹ trong vụ việc. Cả hai yếu tố này, cùng với thái độ không nhượng bộ của các lực lượng Nga, làm tăng rủi ro cho các cuộc đụng độ quân sự trực tiếp trong tương lai.
Theo National Interest, những sự cố nói trên có thể đại diện cho một chiến lược mới của Nga nhằm thách thức giới hạn của lực lượng Mỹ. Moscow dường như muốn gửi thông điệp yêu cầu Mỹ rút toàn bộ quân khỏi khu vực và rút toàn bộ ảnh hưởng khỏi miền Đông Syria.
Trái ngược với các cuộc đụng độ trước đó liên quan đến cuộc tuần tra chung của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và lực lượng dân quân ủng hộ Chính phủ Syria, hay cuộc tấn công nhằm vào đoàn xe quân sự Mỹ của lực lượng dân quân thân Chính phủ Syria - lần va chạm lần này có sự tham gia trực tiếp của Nga và được đánh giá là một động thái có chủ ý.
Trên thực tế, các cuộc đụng độ giữa lực lượng Mỹ và Nga đã gia tăng sau quyết định rút quân của Tổng thống Donald Trump nhưng sau đó đổi ý, giữ lại một lực lượng nhỏ trong khu vực để bảo vệ các mỏ dầu.
Việc tái bố trí lực lượng của Mỹ cùng với việc lực lượng Nga mở rộng dấu chân trên khắp vùng đông bắc Syria đã khiến hai phe chạm mặt thường xuyên hơn, làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và leo thang hơn nữa.
Ngoài ra, căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Nga cũng có thể liên quan đến việc ký kết thỏa thuận dầu khí gần đây giữa một công ty Mỹ - cụ thể là Delta Energy - và Chính quyền Tự trị người Kurd ở Syria.
Bằng cách nắm giữ các mỏ dầu, Mỹ đang tái cấu trúc sự hiện diện của mình bên ngoài nhiệm vụ chống khủng bố IS ban đầu và báo hiệu ý định ở lại lâu dài tại khu vực giàu dầu mỏ (điều mà Damascus luôn lo ngại).
Nga trả đũa?
Điều này càng trở nên đúng hơn khi các báo cáo cho thấy, Nga gần đây đã cố gắng đạt được một thỏa thuận tương tự để thăm dò và khai thác các mỏ dầu trong khu vực và vấp phải sự từ chối từ người Kurd.
Trong khi rút một phần binh sĩ Mỹ - vốn ban đầu được triển khai để tiêu diệt IS ở Syria, Washington đang cố gắng duy trì dấu ấn quân sự của mình để bảo vệ các mỏ dầu nằm ở phía đông bắc Syria.
Thỏa thuận được ký kết gần đây sẽ đảm bảo sự hiện diện của Mỹ trong 25 năm, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở các khu vực do SDF, cũng cấp nguồn lực cho người Kurd và có khả năng xuất khẩu dầu qua Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
Bên cạnh đó, căng thẳng Mỹ-Nga bùng lên vào thời điểm khi Chính quyền Tự trị người Kurd rút khỏi các thảo luận bình thường hóa các cuộc đàm phán với Chính phủ Damascus, khẳng định rằng chính quyền Syria không nghiêm túc trong các cuộc đàm phán với lực lượng người Kurd lãnh đạo, đồng thời chỉ trích Nga đã không tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán.
Do đó, những “sự cố” gần đây không phải là ngẫu nhiên và bắt nguồn từ cuộc đối đầu ở quy mô lớn giữa Mỹ và Nga, nhấn mạnh khả năng những “cuộc chạm trán” tiếp theo sẽ tiếp tục được ghi nhận.
Với việc chính quyền Trump vẫn tỏ ra mờ hồ về đối với một chiến lược rõ ràng ở đông bắc Syria, kết hợp với mục tiêu của Nga trong việc đánh đuổi quân đội Mỹ ra khỏi khu vực - được thúc đẩy bởi sự đáp trả của Nga khi không thể đạt được thỏa thuận dầu mỏ - có thể sẽ tạo ra nguy cơ cho các cuộc đối đầu quân sự tiếp theo.