Liên tiếp vi phạm quy định cách ly xã hội ở TP. Đà Nẵng: Công khai người vi phạm để răn đe?!

Nhâm Thân

Ngoài tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, xử phạt, chuyên gia còn cho rằng, cần công khai các thông tin xử lý vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe.

Đi tìm giải pháp?

Những ngày qua, cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng liên tiếp phát hiện những vụ vi phạm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tấn Khoa, công ty Luật Phạm và Liên Danh chi nhánh TP. Đà Nẵng về vấn đề này:

Thưa luật sư! Ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh trong thời điểm hiện nay?

Trong những ngày vừa qua, cả nước một lần nữa lại vô cùng lo lắng trước sự bùng phát trở lại của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Dịch bệnh có nhiều diễn biến mới qua từng ngày, mà tâm dịch hiện tại là TP. Đà Nẵng thân yêu.

Luật sư Nguyễn Tấn Khoa.

TP. Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc ban bố lệnh cách ly xã hội?

Đúng vậy! Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng lây lan, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 4930/UBND-SYT ngày 27/7/2020 và Công văn số 4937/UBND-VHXH ngày 28/7 về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong vòng 15 ngày bắt đầu từ 0h ngày 28/7/2020. Theo đó, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh không thiết yếu.

Thế nhưng vẫn có nhiều cơ sở kinh doanh như internet, ăn uống lén lút hoạt động và một số người dân tụ tập ăn nhậu bất chấp lệnh cấm?

Quy định đã rõ, việc các quán internet, quán ăn, nhà hàng lén lút mở cửa, người dân tụ tập ăn nhậu... trong giai đoạn này đều là hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Ông có thể phân tích rõ hơn về quy định xử phạt này?

Đối với hành vi lén lút mở cửa kinh doanh của chủ quán internet, và người dân tụ tập ăn nhậu sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm c, khoản 4, điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế: “c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng”.

Đối với hành vi lén lút mở cửa chủ các quán ăn, nhà hàng sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 4, điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế: “a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch”.

Vậy giải pháp cần làm là gì để hạn chế các cơ sở kinh doanh và người dân vi phạm quy định?

Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần phải kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. Như hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ các quy định cách ly, các chủ cơ sở kinh doanh mở cửa trái phép, hành vi tụ tập đông người… Bên cạnh đó, những vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận cũng cần sớm được làm rõ công khai với người dân. Như việc người nước ngoài nhập cảnh trái phép tràn lan giữa mùa dịch.

Thứ hai, các hành vi vi phạm đều bắt nguồn từ nhận thức của mỗi người dân khi họ chủ quan đối với dịch bệnh, có người chưa nhận thức được đó là vi phạm pháp luật. Do vậy, cần thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo người dân tuân thủ các hướng dẫn của bộ y tế, chủ trương của chính quyền.

Cùng với đó, việc nhanh chóng đưa thông tin công khai về các hành vi vi phạm đã bị cơ quan chức năng xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phường, các bản tin thời sự, trên báo chí, thông qua tin nhắn điện thoại... thường xuyên liên tục sẽ vừa mang tính răn đe giáo dục, sẽ nâng cao nhận thức của người dân.

Xin cảm ơn ông!

Bất chấp chạy theo lợi nhuận

Như Người Đưa Tin Pháp luật đã phản ánh, ngày 3/8, tổ công tác C1-911 Công an TP. Đà Nẵng phát hiện cơ sở Internet Cyber Gaming, đường Ngô Văn Sở, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu tụ tập hàng chục thanh niên say sưa cày game. Các thanh niên này chủ yếu là học sinh - sinh viên trên địa bàn, khai nhận do dịch covid-19 được nghỉ nên tập trung tại quán chơi game. Một số đối tượng còn mang theo ba lô đựng quần áo, thức ăn với ý định "đóng đô" dài ngày ở đây.

Làm việc với cơ quan chức năng, Tôn Thất Hòa, SN 1995, trú 29 Phú Lộc 19, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, chủ cơ sở và Lê Việt Hùng, SN 1994, trú 73 Trần Ngọc Sương, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng, quản lý thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Cả 2 cũng thừa nhận biết quy định nhưng vẫn lén lút hoạt động vì lợi nhuận.

Hàng chục thanh niên "đóng đô" trong quán Internet giữa mùa dịch.

Trước đó, chỉ trong vòng 1 tuần qua, cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng cũng đã xử phạt nhiều thanh niên tụ tập ăn nhậu giữa mùa dịch. Trong đó, 7 thanh niên ở quận Sơn Trà bị phạt hơn 50 triệu đồng và 5 thanh niên ở quận Thanh Khê bị phạt hơn 40 triệu đồng cho cùng hành vi tương tự.

Những sự việc trên khiến người dân TP.Đà Nẵng bức xúc, bởi việc này chẳng khác nào mặt tối của bức tranh tươi sáng trong công cuộc phòng chống dịch bệnh của địa phương. Trong khi nhà nhà, người người nỗ lực đảm bảo quy định giãn cách xã hội, khi bác sĩ căng mình nơi "đầu sóng ngọn gió", khi lực lượng công an, quân đội đêm ngày canh giữ khu vực cách ly... thì bộ phận nhỏ lại bất chấp vi phạm.

Theo số liệu thống kê PV Người Đưa Tin Pháp luật có được, từ khi dịch bùng phát đến nay, tức chỉ khoảng 8 tháng qua, cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng đã xử lý hơn 3.985 vụ/8.528 người vi phạm các quy định liên quan đến công tác phòng chống dịch. Trong đó, xử lý hình sự 2 vụ/9 người; phạt tiền 631 vụ/859 người với số tiền 634 triệu đồng; nhắc nhở 3.410 vụ/7.965 người

Dịch bệnh là tình huống khẩn cấp, công dân buộc phải chấp hành!

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH kiêm Chủ tịch Hội Luật gia TP. Đà Nẵng cho biết, dịch bệnh là 1 trong 4 tình huống khẩn cấp. Cần phải hiểu rằng, trong tình huống khẩn cấp công dân phải chấp hành các quy định, còn chính quyền không có nghĩa vụ chờ cho công dân hiểu mà có nghĩa vụ buộc công dân phải chấp hành.

N.T