Linh Phong thiền tự - điểm đến của những tấm lòng mộ đạo

Linh Phong thiền tự - điểm đến của những tấm lòng mộ đạo

Thứ 2, 27/02/2017 | 14:33
0
Tọa lạc ở phía Đông Nam núi Bà, cách thành Bình Ðịnh hơn 30km, lưng chừng núi có một ngôi chùa rất linh thiêng, được nhiều người hành hương đến cầu bái và tham quan.

Những điểm đến tôn giáo luôn được con người đầu tư nhiều công sức và tiền bạc để tỏ lòng thành kính. Bởi chúng thường vô cùng lộng lẫy và đầy tính nghệ thuật.

Một cảnh khói hoa trời tự tại

Mười năm hồ hải giấc quy lai

Ðây học trò lành âu cũng Phật

Ðó chùa tên Ông Núi ngỡ chốn Tiên

Những vần thơ trên là những vần thơ đầy mỹ lệ mà danh thần Đào Tấn đã vẽ lên cảnh quan đẹp như tranh vẽ của Linh Phong thiền tự nức tiếng tại Bình Định.

Tọa lạc ở phía Đông Nam núi Bà, cách thành Bình Ðịnh hơn 30km, lưng chừng núi có một ngôi chùa rất linh thiêng, được nhiều người hành hương đến cầu bái và tham quan.

Tin cũ - Linh Phong thiền tự - điểm đến của những tấm lòng mộ đạo

Linh phong bảo tháp sừng sững giữa trời. Ảnh: Internet.

Xưa kể rằng: Vào năm thứ 23 đời vua Lê, niên hiệu Chính Hòa (1702) nhà sư Mộc Y Sơn Ông (Ông Núi) có tên Lê Bản đã đến tu tại nơi này. Ông kết vỏ cây làm áo, sống trong hang đá – hang Tổ, “phát gai dại, vác đá to xây chỗ này, lấp chỗ kia, kết cỏ làm tranh, dựng lên am nhỏ, đặt tên là chùa Dũng Tuyền”.

Tương truyền, ban ngày Ông Núi vào rừng đốn củi, bó thành bó lớn chỉ có sức ông mới gánh nổi, mang xuống chân núi để ở ngã ba rồi trở lên. Người dân quanh vùng đem gạo, muối đến để đó rồi gánh củi về dùng. Hôm sau ông hoặc đồng tử xuống núi lấy thực phẩm, nhiều ít không cần biết. Mỗi khi trong vùng có dịch bệnh thì tự nhiên nhà sư đem thuốc xuống cứu chữa. Chữa xong rồi đi ngay, không nhận bất cứ một sự trả công nào. Vào năm Quý Sửu (1733), chúa Nguyễn Phúc Chú khen vì mộ đức của bậc chân tu đã cho xây dựng lại một khôi chùa bằng ngói khang trang thay cho ngôi chùa tranh. Bên cạnh đó, nhà vua còn ban cho tên gọi: “Linh Phong Thiền Tự”, một câu liễn:

“Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ;

Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian”.

Nghĩa là:

Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật;

Núi Linh đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở người đời.”

và ban cho Sơn Ông hiệu “Tịnh giác, thiện trì Ðại lão thiền sư”.

Được xây dựng từ năm Quý Sửu (1733), trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngôi chùa cũ giờ đây chỉ còn lại cổng tam quan ở mặt đông và một bửu tháp. Để con cháu đời sau luôn ghi nhớ công đức của vị chân tu, nhân dân đã góp tiền dựng lại ngôi chùa trên nền móng những dấu tích cổ xưa của Linh Phong thiền tự. Tuy ít nhiều đã có sự đổi khác hơn về cả mặt cấu trúc lẫn sự sắp đặt các ban bệ nhưng về cơ bản, công trình này vẫn làm thỏa lòng mong đợi của khách mộ đạo thập phương.

Tin cũ - Linh Phong thiền tự - điểm đến của những tấm lòng mộ đạo (Hình 2).

Vẻ đẹp của Linh Phong bảo tháp. Ảnh: Internet.

Đáng quý hơn cả, ngôi chùa vẫn giữ được dòng nước trong mát từ núi cao đổ xuống, chảy vào khuôn viên chùa. Khung cảnh này tạo nên vẻ đẹp vừa thanh nhã lại vừa mang chút gì hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên hoang dại. Con suối này cùng với hang Tổ là những dấu tích hiếm hoi còn sót lại gợi cho du khách nhớ về Linh Phong tự trước đây.

Được xem là vì tinh tú giữa núi rừng, ngôi cổ tự nằm trong rừng cây cổ thụ, tịch mịch thâm u: nhiều cây cao vút bóng mây, nhiều cây lại nằm ngửa nghiêng trong sắc cỏ. Quanh chùa đá mọc ngổn ngang, hoặc đứng sừng sững giữa trời hoặc chen chúc cùng cây cối, lại có nơi đá dựng đứng như vách, nơi lại nằm rải rác như một bầy voi nằm dấu vòi.

Chùa cất trên đầu núi, nhưng sau lưng vẫn có núi cao. Nước khe trên núi cao chảy xuống, đến chùa thì chia làm hai nhánh lớn chảy bọc quanh thềm quanh co róc rách, rồi nhập lại nơi sân trước để chảy xuống hồ sen trước chùa.

Nơi sườn núi về phía đông có một hang đá rộng lớn ăn sâu vào lòng núi. Đó là nơi ông Núi tu trì ngày trước. Xa tít tận chân trời là sắc xanh mươn mướt, thoảng ngọn gió đưa, lúa vờn sóng lụa, bát ngát bao trùm hai mặt tây và nam. Đây đó lại điểm xuyết trên vòm trời rộng lớn màu trắng tinh khôi của những đàn cò bay sải cánh.

Nhìn về phía đông sẽ thấy biển xanh lai láng cùng đầm Thị Nại long lanh và rừng dương liễu chập chờn trên bãi cát nửa vàng nửa trắng. Xa xa, thành phố Quy Nhơn thấp thoáng trong màn sương khói, nửa tỏ nửa mờ, khi ẩn khi hiện. Và gió biển thổi vào rừng dương liễu dưới bãi, thổi vào rừng cổ thụ trên non, tiếng nghe rào rào lẫn lộn cùng tiếng sóng vỗ nơi gành xa bãi vắng. Du khách khó có thể kiềm lòng trước khung cảnh tươi đẹp như tranh vẽ ấy mà thốt lên lời ca ngợi:

Cây che đá chất chập chồng,

Biển giăng dưới núi chùa lồng trong mây.

Bụi đời không bợn mảy may,

Chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi.

Vào những dịp đầu năm âm lịch du khách hành hương đến ngôi chùa này để cầu bái, lễ Phật cũng như vãn cảnh rất đông. Càng làm cho ngôi chùa hơn 200 năm tuổi này trở nên linh thiêng, huyền ảo và nức tiếng hớn.Chùa Ông Núi ngày nay đã và đang được khai thác để trở thành thành một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút khách du lịch đông nhất cả nước. Vừa là một điểm du lịch mới mẻ, lại vừa để tưởng nhớ công ơn của bậc đại chân tu – Tịnh Giác thiện trì Đại lão thiền sư:

Ông Núi đi đâu

Bỏ bầu sơn thủy

Đủ nhân đủ trí

Thêm vỹ thêm kỳ…

Chùa xưa nhạt bóng tà huy,

Xui lòng non nước nặng vì nước non.”