Lộ diện ngành đứng đầu mức độ cải cách thủ tục hành chính năm 2020

Lộ diện ngành đứng đầu mức độ cải cách thủ tục hành chính năm 2020

Dương Thu

Dương Thu

Thứ 4, 17/03/2021 15:29

Đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm TTHC Thuế, nhờ áp dụng xử lý TTHC trên môi trường điện tử, thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang "hậu kiểm".

9 nhóm TTHC đảm bảo đầy đủ tiêu chí đánh giá của APCI 2020

Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2020 của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên cả nước theo quy định hiện hành trong khuôn khổ của Đề án xây dựng và công bố Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC (Đề án 383)  và theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (Nghị quyết số 02/NQ-CP).

Chỉ số APCI được công bố lần đầu tiên vào năm 2018 và Báo cáo APCI 2020 là báo cáo được thực hiện lần thứ ba. Trong năm thứ ba này, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đã nhận được ý kiến và chia sẻ thông tin thông qua phiếu khảo sát của gần 3.000 doanh nghiệp đã thực hiện các TTHC trên cả nước trong 6 tháng cuối năm 2019 (từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2019) về thời gian và các chi phí cần thiết để thực hiện TTHC.

Nhóm tư vấn cũng tiếp nhận các ý kiến trực tiếp thông qua khảo sát chuyên sâu  với các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, và các doanh nghiệp tại7 tỉnh/thành (Lạng Sơn, Nam Định, Hà Nội, Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Nai, và thành phố Hồ Chí Minh).

Báo cáo APCI 2020 được xây dựng nhằm tiếp tục đánh giá chi phí tuân thủ (CPTT) của doanh nghiệp để thực hiện các TTHC do các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện giải quyết, qua đó xác định những nhóm TTHC đã và đang là gánh nặng về chi phí của doanh nghiệp.

Chỉ số APCI gồm hai chỉ số thành phần, phản ánh các loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp sẽ phải chi trả khi thực hiện TTHC là:

Chi phí thời gian thông qua đo lường về thời gian cần thiết của mỗi doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu tìm hiểu về TTHC (tìm hiểu thông tin về TTHC) cho đến khi hoàn tất việc thực hiện TTHC theo quy định hiện hành (nhận kết quả TTHC). Chi phí thời gian trung bình cho mỗi nhóm TTHC được tính là trung bình cộng của chi phí của tất cả các doanh nghiệp tự thực hiện TTHC, không bao gồm các doanh nghiệp thuê trung gian/bên thứ ba để thực hiện TTHC.

Điểm chi phí thời gian (từ 0 đến 100 điểm) được tính là điểm phần trăm đạt được so với thời gian thực hiện TTHC ngắn nhất. Trong đó 0 điểm là thời gian dài nhất ghi nhận được trong số các doanh nghiệp được khảo sát, 100 điểm là thời gian ngắn nhất ghi nhận được trong số các doanh nghiệp được khảo sát;

Chi phí trực tiếp mà doanh nghiệp đã phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện TTHC để nhận được kết quả của TTHC. Chi phí trực tiếp càng thấp càng tốt. Chi phí trực tiếp trung bình cho mỗi nhóm TTHC được tính là trung bình cộng của chi phí của tất cả các doanh nghiệp tự thực hiện TTHC, không bao gồm các doanh nghiệp thuê trung gian/bên thứ ba để thực hiện TTHC.

Điểm chi phí trực tiếp (từ 0 đến 100 điểm) được tính là điểm phần trăm đạt được so với chi phí trực tiếp thấp nhất. Trong đó 0 điểm là Chi phí trực tiếp nhiều nhất ghi nhận được trong số các doanh nghiệp được khảo sát, 100 điểm là Chi phí trực tiếp thấp nhất ghi nhận được trong số các doanh nghiệp được khảo sát;

Chi phí tuân thủ (CPTT) bằngTổng chi phí thực hiện một TTHC, bao gồm chi phí thời gian và chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện TTHC đó, hoặc tổng chi phí thuê bên thứ ba để thực hiện TTHC. Chi phí tuân thủ trung bình cho mỗi nhóm TTHC được tính là trung bình cộng của chi phí của tất cả các doanh nghiệp tham gia khảo sát, bao gồm doanh nghiệp tự thực hiện TTHC và doanh nghiệp thuê trung gian/bên thứ ba để thực hiện TTHC.

Căn cứ dữ liệu doanh nghiệp thực hiện TTHC trong 6 tháng cuối năm 2019 do các Bộ, địa phương cung cấp và căn cứ thông tin phản hồi từ doanh nghiệp, có 9 nhóm TTHC sau đảm bảo đầy đủ tiêu chí đánh giá của APCI 2020, gồm: Khởi sự doanh nghiệp, Thuế, Đầu tư, Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, Giao dịch thương mại qua biên giới, Đất đai, Môi trường, Xây dựng, và Kiểm tra chuyên ngành. Thông tin về CPTT các TTHC do doanh nghiệp phản ánh trong APCI được ghi nhận trong khoảng thời gian khảo sát (6 tháng cuối năm 2019) ở các địa phương.

 

Mức độ cải thiện của các nhóm TTHC

So sánh điểm APCI 2020 với điểm APCI 2019 cho thấy chỉ có 4 trong số 9 nhóm TTHC có cải thiện. Số liệu này phản ánh thực tế trải nghiệm của các doanh nghiệp đối với kết quả cải cách TTHC của Chính phủ và các địa phương trên toàn quốc nói chung để giảm chi phí tuân thủ trong thời gian qua. Trong phần phân tích dưới đây, một số kết quả sẽ được so sánh với những kết quả khảo sát khác về cảm nhận của doanh nghiệp đối với chi phí tuân thủ TTHC (như Báo cáo Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) hay chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) của Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2019, của Diễn đàn Kinh tế giới (WEF).

Sự kiện - Lộ diện ngành đứng đầu mức độ cải cách thủ tục hành chính năm 2020

Điểm APCI 2020 của các nhóm TTHC so với APCI 2019.

Điểm CPTT phản ánh mức độ dễ dàng trong việc thực hiện một TTHC trên thang điểm từ 0 đến 100, trong đó 0 đại diện cho mức khó khăn nhất và 100 đại diện cho mức dễ dàng nhất trong số mẫu doanh nghiệp thực hiện TTHC được khảo sát. Ví dụ, một TTHC đạt điểm 90 có nghĩa là thủ tục đó cách 10 điểm phần trăm so với mức lý tưởng nhất được xây dựng dựa trên số liệu từ tất cả các TTHC được quan sát và theo thời gian. Một TTHC có số điểm tăng nghĩa là CPTT của TTHC đó năm nay đã giảm và việc thực hiện đã được cải thiện so với năm trước đó, nếu có số điểm giảm đồng nghĩa với việc CPTT tăng và việc thực hiện chưa được cải thiện so với năm trước đó.

Sự kiện - Lộ diện ngành đứng đầu mức độ cải cách thủ tục hành chính năm 2020 (Hình 2).

Mức độ cải thiện theo từng chỉ số thành phần của các nhóm TTHC.

Đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm TTHC Thuế, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm Thuế được là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Khảo sát cho thấy thành công về cải thiện của nhóm này là nhờ vào việc áp dụng việc xử lý TTHC trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” liên tục được duy trì và cải thiện trong những năm gần đây.

Đứng thứ hai về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Kiểm tra chuyên ngành với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm Kiểm tra chuyên ngành được phản ánh cả ở Thời gian và Chi phí trực tiếp. Nhóm Kiểm tra chuyên ngành sẽ có thể còn tiếp tục được duy trì nếu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xử lý các thủ tục và kết nối với cơ quan hải quan.

Đứng thứ ba về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Môi trường, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,5 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm Môi trường chưa phải thực chất. Trong hai năm gần đây, phương thức quản lý môi trường đã có những đột phá, “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa, từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Phương thức này yêu cầu đối tượng chịu tác động (doanh nghiệp) phải đầu tư nhiều hơn để đảm bảo chất lượng của công tác đánh giá tác động môi trường, nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Đứng thứ tư về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Điều kiện kinh doanh, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,2 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện này không phải thực chất. Mặc dù thời gian qua, chính phủ đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy gánh nặng đối với doanh nghiệp không giảm đi mà còn tăng lên một cách đáng kể.

Các nhóm TTHC Khởi sự doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Đất đai và Giao dịch thương mại qua biên giới là năm nhóm thủ tục có điểm giảm so với APCI 2019. Mặc dù nhóm TTHC về Đầu tư, Xây dựng, Đất đai và Giao dịch thương mại qua biên giới vẫn là những nhóm có điểm APCI tốt trong năm 2020 so với các nhóm khác nhưng lại giảm điểm so với chính nhóm đó ở năm 2019. Vấn đề này đặt ra yêu cầu công tác cải cách luôn phải được duy trì bền bỉ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.