Lộ trình để biến Covid thành bệnh lý chuyên khoa

Lộ trình để biến Covid thành bệnh lý chuyên khoa

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 21/02/2022 12:11

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, không còn dịch nữa thì bệnh Covid-19 cũng như bệnh viêm phổi, sốt, suy tim, vào viện khám chữa bệnh chi trả theo bảo hiểm y tế.

Chúng tôi không sợ Covid-19

Tại tọa đàm trực tuyến "Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế" sáng 21/2 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, với tư cách là giám đốc bệnh viện lớn chi viện cho công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Dương ở thời điểm dịch nóng nhất đã có những chia sẻ về những năm tháng gian khổ ấy.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, trong giai đoạn chống dịch tại Bình Dương, ngoài khó khăn về mặt thể chất, khó khăn nhất không phải là mệt, không phải là vì phải làm nhiều, nóng nực hay chịu vất vả do công việc hồi sức, cấp cứu mang lại mà khó khăn nhất là vấn đề về tinh thần.

“Đó là khi bác sĩ chữa bệnh mà không giữ lại được tính mạng người bệnh trên tay mình, điều đó rất nặng nề. Đó là khó khăn lớn nhất”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhớ lại, có những học trò không ăn cơm được, bị stress, xin nghỉ phép đóng cửa ở trong phòng 2-3 ngày chỉ vì không thể quên được những ca bệnh mà mình không bảo vệ được. Đó là giờ phút không thể nào quên được. Có những em bị mắc Covid-19 nhưng không nghỉ mà xin vào phòng bệnh ở cùng luôn với bệnh nhân để chăm sóc bệnh nhân 24/24. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành y. "Tôi rất tự hào về các em", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói. 

Tiêu điểm - Lộ trình để biến Covid thành bệnh lý chuyên khoa

Các khách mời tham gia toạ đàm.

Còn hiện nay, khi dịch đã chuyển sang giai đoạn mới thì chúng ta không thể "Zezo Covid-19" mà phải sống chung với dịch bệnh. Giai đoạn này thì sự hy sinh lại khác. Giai đoạn này, khó khăn nhất đối với chúng tôi là không phải không biết cách chữa, hoảng sợ vì số lượng Covid-19 diễn biến phức tạp bởi chúng ta đã hiểu rất rõ về Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói, khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài, các y bác sĩ nhân viên y tế không biết lúc nào sẽ dừng lại việc điều trị Covid-19, việc điều trị vẫn liên tục.

Tuy nhiên, thực sự tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế đã được đào tạo, rèn luyện nhiều năm nên không ai bỏ cuộc.

"Ngay đầu năm vừa rồi, chúng tôi đã phát động phong trào "Trái tim hồng", nhiều y bác sĩ vẫn đang điều trị bệnh nhân Covid-19, thậm chí bệnh nhân nặng, nhưng vẫn sẵn sàng "xắn tay áo" hiến máu cứu những bệnh nhân đang rất cần máu để duy trì sự sống.

Rất nhiều y bác sĩ khác của chúng tôi ở bệnh viện bị nhiễm Covid-19, có đến hơn 200 bác sĩ nhiễm bệnh. Nhưng anh chị em không nghỉ ngơi mà xin xuống Bệnh viện điều trị Covid-19 (Hà Nội). Những người không nhiễm bệnh thì lên cơ sở 1 tại Đại học Y Hà Nội làm việc. Tôi rất cảm động.

Chúng tôi không sợ Covid-19. Chúng tôi chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Sức ép của chúng ta hiện nay là làm sao truyền thông để người dân tin tưởng thực hiện các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế. Chúng ta đã có hướng dẫn rất rõ ràng về điều trị Covid-19 tại nhà đối với người lớn như thế nào, đối với trẻ em như thế nào. Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bộc bạch. 

Nâng cao thu nhập, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên y tế

Khi ra quyết định điều động nhân viên y tế tham gia chống dịch, người quản lý cũng đã có những trăn trở, khó khăn khi phải cân đối duy trì các hoạt động bình thường của các bệnh viện, chưa kể thời gian chống dịch dài, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện và bác sĩ, chia sẻ về điều này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trước khi có dịch đang phục vụ khám chữa bệnh với tổng số hơn 1.000 nhân viên y tế. Tuy nhiên, sau khi đại dịch xảy ra, ngoài việc đi chi viện ở các tỉnh, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xây dựng Bệnh viện điều trị Covid-19 Hoàng Mai có nhiệm vụ rất quan trọng, điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch với quy mô 500 giường bệnh.

“Với quy mô như vậy chúng tôi cần ít nhất 1.000 người, như vậy chúng ta không thể thực hiện nhiệm vụ được, mặc dù bệnh viện được xây dựng thần tốc. Hiện nay, chúng tôi đang điều trị những bệnh nhân rất nặng của Hà Nội, sáng nay vẫn còn 200 bệnh nhân. Tuy nhiên, để điều hành 200 giường hồi sức, thở máy, ECMO, lọc máu chúng tôi cần nhân lực rất lớn, tôi đành phải kêu gọi sự chia sẻ của cộng đồng, có các tình nguyện viên tham gia, bác sĩ, điều dưỡng luân chuyển xuống cơ sở Hoàng Mai để điều trị. Khó khăn nhất là nếu cứ duy trì tình trạng này thì không thể nào trụ được. Chúng ta cứ coi như đại dịch và quy định 21 ngày luân phiên thay vòng, như thế thì không thể nào duy trì được lực lượng”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu thông tin.

Tiêu điểm - Lộ trình để biến Covid thành bệnh lý chuyên khoa (Hình 2).

Chúng tôi đang cố gắng hết sức để nhân viên y tế của chúng tôi thu nhập bằng so với trước khi đại dịch. 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, đang xây dựng quy trình bệnh viện rất chặt chẽ, kiểm soát nhiễm khuẩn. “Các bác sĩ, điều dưỡng đi làm hàng ngày như đi làm bình thường, chúng tôi không mặc đồ bảo hộ quá mức như trước đây, vì không có đâu đủ tiền để mua những trang thiết bị mãi (một bộ đồ bảo hộ 500-600.000 đồng), chúng tôi mặc đồ bảo hộ thông thường và cho các anh em kiểm tra sức khoẻ định kỳ, đảm bảo tránh lây nhiễm chéo ít nhất. Đây là những cách chúng tôi làm để biến dần dần Covid-19 trở thành bệnh lý chuyên khoa. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng tôi đó là duy trì các hoạt động về kinh tế, vật tư, trang thiết bị… Nên rất cần những chính sách hỗ trợ để làm sao chúng tôi duy trì được một cách lâu dài, coi đại dịch dần dần hết đi, bệnh lý Covid trở thành bệnh lý chuyên khoa”.

Chia sẻ về những chính sách dành cho cán bộ, nhân viên y tế của mình, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để nhân viên y tế của chúng tôi thu nhập bằng so với trước khi đại dịch, đó là mừng lắm rồi. Các bệnh viện khác tôi biết hầu như cắt giảm hết, tiền thu nhập tăng thêm không còn, chỉ còn lương cơ bản, tiền chống dịch từ mùng 1 này đã thay đổi, nên chúng ta còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên y tế”.

Đề xuất 5 ý về chế độ, cơ chế đặc thù cho đội ngũ y tế

Về chế độ, cơ chế đặc thù dành cho cán bộ, y tế tham gia phòng, chống dịch nhất là ở tuyến y tế cơ sở, với tư cách cũng là một ĐBQH, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đề xuất 5 nội dung.  

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Nghị quyết 12 của UBTV QH vừa ban hành, đây là một nghị quyết có tính chất quyết định trong việc thay đổi hoạt động của hệ thống y tế trong phòng, chống dịch trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, chúng ta chưa có ban hành Nghị định để hướng dẫn thực hiện, do đó chúng ta càng sớm càng tốt có nghị định của Chính phủ, Bộ Y tế để làm sao Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

“Vì có đi vào cuộc sống thì chúng tôi mới làm được việc, cho nên hiện nay chúng ta rất khó khăn trong việc dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí điều trị Covid và kinh phí phòng, chống dịch chưa có nghị định hướng dẫn. Quy định cụ thể trong Nghị quyết đã rõ nhưng chưa có trong nghị định đó là “các bệnh viện phải có trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin, thu chi trong khám chữa bệnh từ xa tránh quá tải bệnh viện tuyến trên, đồng thời điều trị hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới”, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Thêm nữa, cần phải có chính sách chi trả cho con người, cho nhân viên y tế hiện nay sau khi chi lương hợp đồng, phụ cấp để đảm bảo điều trị Covid-19 lâu dài, bác sĩ có thu nhập tăng thêm các phần đã được thanh toán.

“Hiện nay, một điều dưỡng viên tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị cơ sở Hoàng Mai, tổng thu nhập một tháng được 9 triệu đồng, bằng mọi cách, vận dụng mọi nguồn chúng tôi chỉ chi được mức như thế. Như vậy, có thể đã duy trì được cuộc sống của bản thân bạn ấy, nhưng còn gia đình, vợ con… do đó cần có chính sách rõ ràng”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

Tiêu điểm - Lộ trình để biến Covid thành bệnh lý chuyên khoa (Hình 3).

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đề xuất chế độ, cơ chế đặc thù dành cho cán bộ, y tế tham gia phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, cần có cơ sở pháp lý để đơn vị có nguồn tiếp nhận nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19 như tuyển dụng, huy động nguồn lực cơ sở y tế công, y tế tư và tham gia thực hiện tiêm chủng, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19.

Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách miễn thuế đối với các đơn vị huy động các nguồn lực tiền, tải sản phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

“Đây là điều rất quan trọng, tôi được biết trước đây có những nhà hảo tâm cho rất nhiều tiền để chống dịch nhưng cuối cùng lại không được miễn thuế, không được giảm trừ nên nguồn lực ấy bị hạn chế. Tôi rất mong Chính phủ có chính sách rõ ràng trích giảm thuế cho những nhà hảo tâm tham gia đóng góp chống dịch”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Cuối cùng, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: “Bằng mọi cách chúng ta phải có lộ trình rõ ràng để biến Covid thành bệnh lý chuyên khoa, không còn dịch nữa thì bệnh Covid-19 cũng như bệnh viêm phổi, sốt, suy tim, vào viện khám chữa bệnh chi trả theo bảo hiểm y tế. Lúc đấy, cuộc sống của chúng ta mới thực sự trở thành “bình thường cũ””.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.