Loại vi khuẩn bí ẩn trên đảo Phục Sinh

Loại vi khuẩn bí ẩn trên đảo Phục Sinh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Đảo Phục Sinh là một hòn đảo nằm cô lập ở giữa phía nam Thái Bình Dương thuộc địa phận đất nước Chile. Đây là hòn đảo tuyệt đẹp cùng những bức tượng bán thân khổng lồ mang đầy vẻ bí ẩn. Không những vậy, các nhà khoa học mới phát hiện ra một điều hết sức thú vị về một loại vi khuẩn tồn tại từ rất lâu trên mảnh đất này.

Bí mật của các bức tượng "khủng"

Hòn đảo có tên gọi Phục Sinh bởi nó được thuyền trưởng người Hà Lan Jacob Roggeveen phát hiện ra đúng vào ngày Lễ Phục Sinh năm 1722. Đảo Phục Sinh nổi tiếng không chỉ bởi vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ của nó mà còn bởi những câu chuyện bí ẩn liên quan đến những bức tượng Moai hoặc ngôn ngữ Rongorongo mà đến nay, các nhà khoa học vẫn như lạc trong mê cung của sự thách đố. Trên hòn đảo nhỏ ở nam Thái Bình Dương này, rải rác quanh bờ biển là một hàng tượng đá đứng sừng sững với gương mặt thô kệch tạc ra từ loại đá rất cứng từ tro núi lửa, đôi mắt mở trừng trừng được khảm màu trắng và đỏ.

Hàng nghìn bức tượng đá đều ngoảnh mặt vào đất liền như đợi chờ một điều gì đó trong suốt mấy nghìn năm qua. Hòn đảo có trên dưới 1.000 bức tượng bán thân người khổng lồ. Chúng rất dễ nhận biết vì hình dáng và kiểu cách đặc biệt. Tất cả được khắc theo hình người, có hốc mắt, đôi tai dài, tay khép sát người với các ngón tay dài. Tượng không có chân và kết thúc ở bụng. Đôi lúc, lưng tượng cũng tạc bằng tác phẩm chạm nổi thấp, với nhiều đường thẳng, cong và xoắn ốc tượng trưng cho các họa tiết hình xăm biểu thị địa vị xã hội. Những bức tượng Moai đều có khối lượng "khủng", mỗi bức tượng xấp xỉ 20 tấn. Tượng lớn nhất trong tất cả các tượng tên là ElGigante (Người khổng lồ) dài 20m, nặng khoảng 270 tấn, bị bỏ lại tại mỏ đá Rano Raraku. Mỏ đá này còn có đến 394 tượng khác bị bỏ phế.

Theo một số giả thiết, tác giả của những bức tượng này là những người Polynesian (những người làm chủ vùng biển Thái Bình Dương trước đây) thực hiện vào khoảng năm 1000 -1100. Điều khiến nhiều chuyên gia thắc mắc là tại sao những người Polynesian lại có được kỹ thuật đẽo đá tinh xảo và tại sao họ lại tạo ra được những bức tượng "vượt quá sức người" như vậy.

Xã hội - Loại vi khuẩn bí ẩn trên đảo Phục Sinh

Các bức tượng Moai nằm rải rác trên hòn đảo Phục Sinh

Mới đây, các nhà khảo cổ học đã đào sâu xuống lớp đất bên dưới và họ bất ngờ phát hiện ra, các bức tượng này có khắc cả những bộ phận cơ thể khác chứ không chỉ nửa người trên như chúng ta vẫn biết. Không như quan niệm sai lầm lâu nay, thông tin mới cho thấy các bức tượng trên đảo Phục Sinh đủ phần đầu và thân. Các khảo cổ gia hiện đang khai quật dần những phần thân thể của các bức tượng, vốn bị chôn vùi sau hơn 500 năm xói mòn. Những người quan tâm đến hiện tượng huyền bí trên hòn đảo Thái Bình Dương đều rơi vào tình trạng nửa tin nửa ngờ. Tất cả đều thắc mắc, liệu một cái đầu đã cao trung bình 4m, nặng đến 14 tấn thì phần thân phải lớn đến cỡ nào? Hóa ra số người tìm kiếm câu trả lời không phải là ít và họ liên tục truy cập vào website chính của dự án khai quật đảo Phục Sinh.

Jo Anne Van Tilburg, nghiên cứu gia của trường đại học California tại Los Angeles đồng thời là giám đốc Dự án tượng đảo Phục Sinh nói: "Chúng tôi chứng kiến hơn 3 triệu lượt truy cập và hiện trang chủ đã bị sập". Nhóm của bà đã đào bới được 2 phần thân bị chôn vùi vào năm 2010. "Lý do khiến mọi người cho rằng các bức tượng trên đảo Phục Sinh chỉ có phần đầu vì khoảng 150 bức tượng đã bị chôn đến vai hoặc cổ trong lớp tro bụi từ núi lửa", chuyên gia Van Tilburg bổ sung. Trên thực tế, các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu các bức tượng trên hòn đảo này từ khoảng một thế kỷ qua và tất cả họ đều biết đến sự tồn tại của các phần thân ấn tượng kể từ cuộc khảo cổ đầu tiên tiến hành vào năm 1914. Dù sự tồn tại của chúng vẫn còn là một bí ẩn, nhưng một điều chắc chắn là các "Moai" chính là đại diện của tổ tiên thổ dân bản xứ.

Theo suy đoán của chuyên gia Van Tilburg, người xưa có thể đã tạc tượng mỗi lần một thủ lĩnh của bộ lạc qua đời. Dự án mới được thực hiện với mục tiêu ghi lại những hình khắc trên thân tượng, đồng thời cho phép giới chuyên gia tìm cách bảo quản những khối đá khổng lồ này. Các bức tượng nằm rải rác khắp đảo, dường như công trình này chưa được hoàn thành và đã bị chấm dứt một cách đột ngột. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng riêng giả thuyết vô lý là người Polynesian tự ăn thịt nhau lại được nhiều người đồng tình nhất.

Năm 1926, chuyên gia nhân chủng học người Mỹ, tiến sĩ Yanmus Quisiwa, cho xuất bản công trình nghiên cứu nổi tiếng có tựa đề "Đại lục chìm đắm MV". Trong đó, ông chứng minh rằng MV (một đại lục cổ xưa đã biến mất) chính là cái nôi của loài người. 50.000 năm trước, số dân ở đây lên tới 64 triệu người và đã có một nền văn hóa phát triển khá cao. Bởi vậy, MV là đại lục có lịch sử lâu đời. Do những vận động của vỏ trái đất, đại lục này đã bị chìm xuống đáy biển kéo theo toàn bộ sinh linh cùng với nền văn minh của họ. Phần còn lại của "đại lục" chính là quần đảo Polynesia (bao gồm cả đảo Phục Sinh), thuộc vùng biển Thái Bình Dương.

Theo tiến sĩ Quisiwa, với nền văn hóa và phát triển cao, người dân xứ MV đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, trong đó có những tượng đá lớn đặt khắp nơi trên lãnh thổ của họ. Thế nhưng thảm họa đã xảy ra và nhấn chìm hầu hết diện tích đại lục. Riêng đảo Phục Sinh, một góc nhỏ nhoi ở vòng ngoài lục địa, đã may mắn còn sót lại vài trăm cư dân và cả ngàn pho tượng đá mặt người. Tuy nhiên, những bức tượng đá đồ sộ như vậy đã được tạo dựng như thế nào vẫn còn là một bí ẩn. Với cả ngàn pho tượng, ít nhất cũng phải tập trung hàng nghìn người trên công trường, đòi hỏi công tác hậu cần, tổ chức, chỉ huy… rất chặt chẽ. Các nhà khoa học một lần nữa đứng trước câu hỏi lớn, tương tự như khi người ta khảo sát kỹ thuật xây dựng của người Ai Cập cổ đại trong các Kim tự tháp.

Loại vi khuẩn l

Đúng như cái tên của đảo Phục Sinh, hòn đảo này còn khiến giới nghiên cứu tò mò hơn nữa khi họ phát hiện ra một loại vi khuẩn bí ẩn trên đảo có tác dụng như một phương thuốc quý với người già. Nhóm các nhà khoa học thuộc trường đại học Texas (Mỹ) đã phát hiện thấy một loại vi khuẩn có tên rapamycin trong đất cạnh các bức tượng khổng lồ. Loại vi khuẩn này có khả năng cải thiện trí nhớ của người già và điều trị chứng bệnh Alzheimer, một chứng mất trí phổ biến nhất ở người già, hết sức hiệu quả. Kết quả trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học thử nghiệm thuốc rapamycin phát triển từ loại vi khuẩn này trên chuột. Những con chuột được bổ sung thuốc chứa rapamycin trong các bữa ăn hàng ngày có khả năng học nhanh hơn khi nhỏ và ghi nhớ tốt hơn khi về già so với những con chuột không được bổ sung loại vi khuẩn này. Giáo sư Veronica Galvan, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi nhận thấy những con chuột nhỏ có chế độ ăn chứa rapamycin thì học và ghi nhớ tốt hơn các con khác. Quá trình suy giảm chức năng não của chúng cũng chậm hơn khi về già".

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường đại học Texas có thể mở ra hy vọng phát triển một loại thuốc mới có khả điều trị chứng suy giảm trí nhớ ở người già và thậm chí có thể được áp dụng để điều trị chứng bệnh Alzheimer đang rất phổ biển trên thế giới.

An Mai