Luân chuyển cán bộ để... giảm tải bệnh viện

Luân chuyển cán bộ để... giảm tải bệnh viện

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
(Nguoiduarin.vn) Theo bộ Y tế, muốn giảm tải được bệnh viện thì yếu tố quan trọng nhất là tăng cường nhân lực cho y tế tuyến dưới.

Đề ra như vậy nhưng chính Bộ trưởng bộ Y tế cũng thừa nhận, việc luân phiên cán bộ là rất khó. Và trong thời gian tới, bộ Y tế sẽ trình Chính phủ một Nghị định về nghĩa vụ xã hội ra trường phải làm của sinh viên ngành y, để giải quyết nhân sự y tế cho tuyến dưới.

Xã hội - Luân chuyển cán bộ để... giảm tải bệnh viện

Thời gian qua, không ít các trường hợp bệnh nhân đi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới phải chịu những hậu quả, thậm chí là tử vong do sự tắc trách, chuyên môn yếu kém của các nhân viên bệnh viện.

Cá biệt, bệnh nhân Vũ Lê Nguyên (khu Văn Hải, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) qua 7 bệnh viện mới chẩn đoán được gãy xương chậu. Theo gia đình anh Nguyên, bị tai nạn giao thông, anh được đưa vào bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu điều trị với chẩn đoán là xây xước nhẹ. Những cơn đau vẫn liên tục khiến anh Nguyên khó chịu, gia đình chuyển anh lên bệnh viện chợ Rẫy (TP.HCM), tại đây, anh Nguyên được các bác sỹ chẩn đoán xuất huyết não và băng bó đầu.

Anh Nguyên vẫn liên tục kêu đau ở hông và phần dưới xương chậu, các bác sỹ khẳng định là anh chỉ bị giãn cơ. Qua nhiều phòng khám khác ở bệnh viện, cuối cùng bác sỹ mới tìm ra anh Nguyên bị gãy xương chậu.

Bệnh viện hàng đầu TP. HCM như chợ Rẫy còn để xảy ra tình trạng như vậy nên người nhà bệnh nhân có lý do để lo lắng về sự an toàn tính mạng, về sức khỏe người thân khi chữa trị ở bệnh viện tuyến dưới với trang thiết bị hạn hẹp; y, bác sỹ chưa có chuyên môn tốt. Bác sỹ tuyến dưới không có năng lực chuyên môn, bệnh viện thì thiếu trang thiết bị, sao lại đòi hỏi người bệnh giao sức khỏe, mạng sống của mình cho bác sỹ hay bệnh viện đó được. Người bệnh lựa chọn lên tuyến trên chữa bệnh là điều chắc chắn.

Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm là mấu chốt để giải quyết việc quá tải bệnh viện là bệnh nhân phải được chữa trị ngay từ các cơ sở khám chữa bệnh địa phương. Tình trạng hiện nay, hễ có bệnh là bệnh nhân và người nhà ra các bệnh viện tuyến trung ương để được thăm khám và điều trị, dù rằng phải chờ đợi lâu, phải nằm ghép 3- 4 người/giường. Muốn bệnh nhân khám chữa bệnh ở ngay tại địa phương thì phải nâng cao năng lực chuyên môn của bác sỹ tuyến dưới.

Ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, trong những năm qua ngành y tế đã chủ động trong việc đào tạo nhân lực. Các chương trình đưa thầy thuốc tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới (chương trình 1816), luân chuyển từ trung ương về tỉnh, tỉnh về huyện, huyện về xã để giảm quá tải đã được thực hiện thường xuyên....

Ngoài ra ngành y tế cũng có các chương trình đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân lực tuyến dưới. Với các sinh viên mới ra trường, đầu vào học các ngành y đều 27 - 28 điểm, họ phải học 6 năm, chính vì thế mà bác sỹ mới ra trường ít chịu về tuyến dưới làm việc.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Đại, tốt nghiệp chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt, cho biết: “Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành y ra trường sẵn sàng chấp nhận làm việc ở các phòng khám tư nhân tại thành phố lớn. Chúng tôi không “chê” bệnh viện tuyến dưới, mà thực tế, để xin được về đó làm việc, sinh viên mới ra trường vấp phải không ít “lực cản”. Nếu được nhận về làm việc thì cơ hội tiếp xúc và nâng cao chuyên môn cũng quá hạn chế. Trong khi đó, chúng tôi cần phải liên tục nâng cao chuyên môn để đáp ứng với sự đổi mới của trang thiết bị y học cũng như công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân”.

BS. Cao Đức Chinh, bệnh viện Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Về phương diện lý thuyết, việc phân cấp hệ thống bệnh viện theo mô hình chiều dọc "trung ương – tỉnh - huyện - trạm y tế xã" tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe chặt chẽ, tiếp cận đến mọi người dân, đảm bảo sự sàng lọc bệnh tật trong chăm sóc điều trị, tạo ra sự đầu tư có chọn lọc... mang lại hiệu quả trên cả hai phương diện dự phòng điều trị và kinh tế y tế. Tuy nhiên trên thực tế, mô hình này đã biểu lộ nhiều bất cập và là nguyên nhân sâu xa của vấn đề quá tải bệnh viện tuyến trên trong một xã hội mà người dân có quyền chọn cho mình một dịch vụ y tế tốt nhất”.

N.P.V