Luật mơ hồ hay con người vô cảm?

Luật mơ hồ hay con người vô cảm?

Thứ 6, 13/09/2013 | 13:31
0
Theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) năm 2012, có hơn 90% số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thanh tra đã không xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.

Khi những lo ngại về thực phẩm tẩm ướp, bao phủ nhiều loại hóa chất làm cho bữa ăn hàng ngày của người dân Việt trở nên "nhiễm độc", thì những thông tin về việc xử lý các loại chất thải độc hại thêm một hồi chuông cảnh báo buồn...

Phải chăng đã có một sự lỏng lẻo cả về luật pháp và sự nhẫn tâm của con người, chỉ vì vô trách nhiệm và tham lam, mà người ta xem nhẹ môi trường sống của người dân, "sống chết mặc bay, tiền ông bỏ túi"?

"Tréo ngoe" giữa báo cáo và thực tế

Ngày 29/8/2013, đoàn kiểm tra của Công an Thanh Hóa ghi nhận việc chấp hành pháp luật của Công ty Nicotex Thanh Thái như sau: "Chất thải nguy hại bao gồm thùng chứa hóa chất, chai lọ hư hỏng, hóa chất, nguyên liệu không sử dụng được, bao bì dính thuốc bảo vệ thực vật(BVTV), giẻ lau dính hóa chất được Cty thu gom, lưu giữ tại kho, định kỳ hợp đồng với Cty TNHH nghiên cứu ứng dụng công nghệ hóa nông dược Nicotex để vận chuyển, xử lý".

Nhưng, thực tế hoàn toàn ngược lại với báo cáo kiểm tra của CA Thanh Hóa. Sở Tài nguyên- Môi trường Thanh Hóa theo báo cáo của chính Cty Nicotex Thanh Thái cho rằng, hiện tại Cty đang lưu giữ một lượng chất thải là thuốc BVTV quá hạn sử dụng. Việc lưu giữ này diễn ra từ năm 2000 đến nay, và lượng chất thải này chưa được xử lý.

Khoan hãy nói đến việc "tréo ngoe" giữa báo cáo và thực tế, điều này chứng tỏ rằng, đơn vị được "hợp đồng nguyên tắc" để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại đã không làm gì cả trong hơn chục năm trời nay, để chất thải hóa chất độc hại "đầu độc" cả môi trường sống cư dân xung quanh và gây hậu họa không chỉ 10 năm, 50 năm... với nhiều hệ lụy không thể biết trước nó như thế nào.

Chưa kịp trấn tĩnh về phát hiện "động trời" trên ở Thanh Hóa, thì một chuyện tưởng như đùa ở sân bay to nhất nước. Ngay Thủ đô Hà Nội có tiếng là văn minh thanh lịch cả ngàn năm nay, những rác thải cả hữu cơ và vô cơ đã bị mang đi chôn, xả vô tội vạ ở vùng ngoại tỉnh ven Thủ đô, thay vì phải đưa vào nhà máy xử lý rác.

Luật sư - Luật mơ hồ hay con người vô cảm?

H óa chất độc hại được chôn dưới đất

Một chuỗi doanh nghiệp đang kiếm tiền từ việc vận chuyển, xử lý phân, rác thải ở sân bay Nội Bài. Nhưng trên thực tế, số chất thải đó không hề được đưa tới các xí nghiệp môi trường.

Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị Sóc Sơn cho biết, trước đây khi bể chứa chất thải tại trạm trung chuyển chưa được xây dựng, tất cả phân, chất thải lỏng hút ra từ máy bay đều được xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý: "Họ hút từ sân bay, đổ luôn ra cánh đồng. Không ký với bọn tôi cũng chẳng ký với bên nào. Họ thích đổ đâu thì đổ. Có bãi trâu bò, có cái mương ở gần đó, thế là xả ra, chảy đi đâu thì chảy..."

Hai vụ việc trong những ngày cuối tháng 8/2013, một ở tỉnh miền Trung có tiếng đất kinh đô một thời, có di sản văn hóa thế giới được UNESCO phong tặng, một ở sân bay Nội Bài thuộc Hãng Hàng không danh tiếng VNAirlines tưởng như là chuyện bình thường kiểu... xả rác nơi công cộng.

Nhưng nó thực sự trở thành một vụ án  xâm phạm nghiêm trọng nhiều mặt về vấn đề môi trường, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân hiện tại và tương lai. Như một kiểu "đầu độc" từ nhanh đến chậm của những người vô trách nhiệm và vô lương tâm.

Chế tài của Luật rất... mơ hồ?

Bộ Luật Bảo vệ môi trường đã được thực thi từ năm 1993, đến năm 2005 được bổ sung sửa chữa lên đến 15 chương với 136 điều, với nhiều quy định chi tiết.

Hai hành vi trên chiếu theo Luật BVMT là đã vi phạm vào những quy định bị cấm thuộc Chương 1, Điều 7, Mục 4- 5: 4. Chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng nơi quy định và quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường. 5. Thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước.

Nhưng có lẽ hai đơn vị trên cho dù có biết là vi phạm Luật BVMT, nhưng với họ lợi nhuận vẫn là trên hết, còn những thứ "độc hại" kia ảnh hưởng thế nào đến môi trường sống của cộng đồng, cư dân... thì "sống chết mặc bay". Vì sự chế tài của Luật rất... mơ hồ, không có điều gì cụ thể. Ngay cả việc phạt về vật chất cũng chỉ là phạt cho có. Còn chế tài về con người thực hiện hành vi gần như không có điều khoản nào áp chế. Chưa thấy có vụ án nào về môi trường mà người có trách nhiệm phải đi tù. Phải chăng Luật BVMT còn có những khiếm khuyết, những lỗ hổng?

Lật ngược nhiều vụ án xả chất thải công nghiệp ra môi trường sống của người dân mấy năm gần đây, ồn ào nhất là Vedan, sau đó là nhiều Cty liên doanh khác hay các cơ sở sản xuất từ lớn đến nhỏ, từ hiện đại đến thủ công, từ khu công nghiệp lớn đến làng thôn..., tất cả cứ như muối bỏ biển.

Rồi những vụ việc "nho nhỏ" thải phế liệu, bùn đất vào khu dân cư, mà "độc" nhất là những vụ xả bùn chôn lấp cả khu nghĩa địa của làng, hay đổ xà bần xây dựng vào ruộng của dân... Chẳng hề thấy cơ quan chức năng xử lý một cách rốt ráo. Ồn ào tí rồi thì như "đánh bùn sang ao", chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì.

Việc bồi thường thiệt hại của đối tượng vi phạm thì chây ì, kéo dài năm này tháng nọ, mà chế tài thì không có gì nghiêm khắc, nên chẳng ai sợ. Chưa kể số tiền bồi thường có khi chỉ là tượng trưng, chỉ như hạt bụi hạt cát so với những thiệt hại tới sức khỏe và sự sống của con người.

Theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) năm 2012, có hơn 90% số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thanh tra đã không xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Hơn 70% các khu công nghiệp, hơn 90% các khu đô thị, dân cư không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hầu hết các làng nghề đang trong tình trạng báo động về ô nhiễm môi trường. Có hàng ngàn cơ sở đang hoạt động thuộc diện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để v.v...

Nhưng gần như chẳng có ai bị xử lý triệt để, mà còn nhiễu nhương hơn. Không chỉ vì bản thân sự nhẫn tâm của kẻ thải "chất độc", mà còn là sự vô cảm của  những người có trách nhiệm ở những nơi bị xả "chất độc". Họ thờ ơ, họ quan liêu, họ nhìn thấy đó mà như không thấy... Không biết họ có tiếp tay cho các hành vi trên hay không? Chỉ có tự họ biết!

Đã tới lúc phải sửa đổi Luật?

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) năm 2012 có ý kiến về Luật BVMT năm 2005 về quản lý chất thải. Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng thực tế triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, kết quả còn hạn chế nhiều so với yêu cầu đặt ra.

Do tính chất và diễn biến ngày càng phức tạp của việc quản lý chất thải và tình trạng ô nhiễm môi trường, nên các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2005 trong lĩnh vực này hiện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc phân loại chất thải tại nguồn tuy đã được quan tâm nhưng còn khó khăn trong triển khai thực tế. Công tác quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại ở các đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế.

Hoạt động đánh giá tác động môi trường ở VN hiện nay vẫn bộc lộ nhiều bất cập và yếu kém cả về chất lượng cũng như việc thực thi, chấp hành đúng các quy định của pháp luật cần phải được nghiên cứu để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Như báo cáo đánh giá tác động môi trường được coi như một thủ tục nhằm hợp thức hóa quá trình thẩm định và phê duyệt các dự án và các hoạt động đầu tư. Hay việc xác định ranh giới giữa đánh giá tác động môi trường và cam kết BVMT...

Quy định vai trò chủ dự án tự và tổ chức dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường v.v... còn bất cập. Yêu cầu về trình độ, năng lực của cá nhân, tổ chức nhằm đảm bảo để thực hiện dịch vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trung thực, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đặc biệt, về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường, Luật BVMT cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức giải quyết hiệu quả vấn đề bồi thường thiệt hại về môi trường.

Và quan trọng nhất, Luật phải có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm Luật BVMT, không chỉ với người trực tiếp thực hiện mà còn cả người có trách nhiệm ở nơi xảy ra hành vi đó. Chưa kể cũng cần xem lại việc thanh tra, kiểm tra môi trường có hành vi tiêu cực, tiếp tay cho hành vi phạm Luật BVMT hay không?

Được biết, cơ quan chức năng đang thảo luận câu chuyện sửa đổi luật bảo vệ môi trường, dự kiến sẽ trình QH vào kỳ họp cuối năm nay. Mong rằng những vấn đề thời sự nóng bỏng đang đặt ra hiện nay sẽ được các nhà làm luật nghiên cứu.

Theo Minh Châu (Vietnamnet.vn)

Mù mờ trách nhiệm phòng ngừa người tâm thần gây án

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã có văn bản gửi công an các địa phương tăng cường phối hợp để quản lý, ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn từ việc người tâm thần gây án. Tuy nhiên, vẫn có những lỗ hổng đáng quan ngại về mặt pháp lý.

Luật sư nói về trường hợp hiếp dâm xong bị tâm thần

Thứ 5, 12/09/2013 | 09:44
"Người hiếp dâm thường xuyên có biểu hiện bất thường, tâm thần điên loạn, không làm chủ được mình. Vậy người này có bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm không?”, bạn Minh Hạnh ở Lào Cai hỏi.

Khiếu kiện môi trường và những lỗ hổng pháp lý

Thứ 2, 26/08/2013 | 14:37
Sức nóng của hoạt động phát triển đang đẩy vấn nạn ô nhiễm, suy thoái môi trường ngày càng trở nên trầm trọng, đồng thời làm làm phát sinh và gia tăng ngày càng nhiều các vụ khiếu kiện, tranh chấp môi trường.

Giám sát chặt 'thi đầu ra' luật sư

Thứ 4, 11/09/2013 | 08:37
Ngày 10-9, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo thông tư thay thế Thông tư 21/2010 về quy chế tập sự hành nghề luật sư và hướng dẫn bồi dưỡng bắt buộc chuyên môn nghiệp vụ luật sư.

Luật sư bào chữa 'nước đôi', được không?

Thứ 5, 05/09/2013 | 15:00
Chuyện luật sư ra tòa bào chữa kêu oan cho thân chủ nhưng lại “thòng” thêm rằng “nếu tòa kết tội thì xin giảm nhẹ hình phạt” đang gây tranh cãi trong chính giới luật sư.

Đại diện Viện kiểm sát phải ngồi ngang hàng luật sư

Thứ 3, 03/09/2013 | 09:50
Việc để kiểm sát viên ngồi ngang hàng với HĐXX vừa thể hiện sự bất bình đẳng về vị thế giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, vừa dễ tạo cảm giác thiếu khách quan khi tòa xử án.