Luật sư mệt mỏi khi xin gặp thân chủ trong trại giam

Luật sư mệt mỏi khi xin gặp thân chủ trong trại giam

Thứ 2, 05/08/2013 | 09:23
0
Ngoài chuyện bị làm khó khi xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa, các luật sư còn mệt mỏi trước việc cứ mỗi giai đoạn tố tụng lại phải làm thủ tục cấp giấy mới.

Luật sư Lê Quang Y (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) kể ông nhận bào chữa cho một bị can bị tạm giam song nhiều lần gặp khó khi đề nghị cơ quan điều tra làm thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của luật sư kèm theo giấy tờ liên quan, cơ quan tố tụng phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa, nếu từ chối thì phải nêu rõ lý do. Nhìn qua quy định, tưởng chừng việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa rất đơn giản. Thế nhưng suốt nửa năm sau đó, luật sư Y đã phải “trầy vi tróc vảy” vì chuyện này.

Đầu tiên, cơ quan điều tra liên tục trì hoãn việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho ông với nhiều lý do. Chỉ khi ông gửi đơn qua đường bưu điện thì mới nhận được văn bản trả lời là bị can “từ chối yêu cầu luật sư”. Không đồng ý, ông trực tiếp đến cơ quan điều tra làm việc thì nơi này cho biết đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ cho VKS, “luật sư qua đó mà làm việc”.

Qua VKS, luật sư Y mới được biết thì ra bị can không hề từ chối yêu cầu luật sư như cơ quan điều tra viện dẫn. Sau đó, ông đã được VKS cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

Vụ án bị VKS trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Luật sư Y cầm giấy chứng nhận người bào chữa do VKS cấp đến cơ quan điều tra làm việc. Lúc này cơ quan điều tra bảo giấy chứng nhận người bào chữa của ông không còn giá trị, ông cần phải làm thủ tục xin cơ quan điều tra cấp lại giấy mới.

Mỗi giai đoạn một giấy chứng nhận

Câu chuyện của luật sư Y là một thực tế phổ biến hiện nay đối với giới luật sư khi tham gia tố tụng hình sự (trừ trường hợp bào chữa theo chỉ định). Ngoài chuyện bị làm khó khi xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa, các luật sư còn mệt mỏi trước việc cứ mỗi giai đoạn tố tụng lại phải làm thủ tục xin cấp giấy mới.

“Rất mệt mỏi và phiền hà”, luật sư Lê Dũng (Đoàn Luật sư TP HCM) nói. Ông kể mình nhận bào chữa cho một bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích ở huyện Đăk R’lấp (Đắk Nông). Ông làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa để tham gia phiên tòa sơ thẩm. Sau đó, vụ án được chuyển lên TAND tỉnh để xét xử phúc thẩm. Một lần nữa, ông lại phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận mới.

Tương tự, luật sư Phan Trung Hoài (Ủy viên Ban Thường vụ - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam) kể: Vừa qua, ông tham gia bảo vệ quyền lợi cho một bị cáo từ giai đoạn điều tra cho đến giai đoạn xét xử phúc thẩm. Cứ mỗi giai đoạn tố tụng, ông đều phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Sau đó, bản án sơ thẩm bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM hủy để điều tra lại. Để tiếp tục tham gia tố tụng, ông phải tiếp tục làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa.

Nghị định cao hơn luật?

Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), Điều 27 Luật Luật sư 2006 quy định: “Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp bị thu hồi, luật sư bị thay đổi hoặc không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật”. Tiếp đó, Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung 2012 cũng giữ nguyên quy định trên.

Như vậy, nếu thực hiện đúng Luật Luật sư thì giấy chứng nhận người bào chữa có giá trị xuyên suốt các giai đoạn tố tụng nếu luật sư không bị thay đổi, không thuộc các trường hợp không được tham gia tố tụng. Tức là nếu luật sư đã được cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì VKS, TAND sau đó không cần phải cấp lại giấy chứng nhận nữa.

Thế nhưng cho đến nay, các cơ quan tố tụng các cấp vẫn yêu cầu luật sư làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho từng giai đoạn tố tụng. Sở dĩ có tình trạng này là do các cơ quan tố tụng không tuân thủ Luật Luật sư mà vận dụng hướng dẫn trong Nghị quyết số 03 ngày 2/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng hình 2003).

Theo nhiều luật sư, hướng dẫn trong Nghị quyết 03 chỉ nói tòa thay đổi người tiến hành tố tụng (thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án), cấp lại cấp giấy chứng nhận người bào chữa nếu có căn cứ cho thấy người bào chữa có quan hệ thân thích với người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, không hiểu sao nó lại trở thành “thông lệ” để các cơ quan tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa “ngắt khúc” cho từng giai đoạn tố tụng.

“Chuyện mỗi giai đoạn tố tụng một giấy này là máy móc, không cần thiết, làm lãng phí thời gian, gây tốn kém cho luật sư, là rào cản cho quyền bào chữa của bị can, bị cáo, không phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp”, luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) khẳng định.

Theo luật sư Lương và luật sư Nguyễn Quang Mai (Đoàn Luật sư TP HCM), tới đây khi sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, cần phải bổ sung quy định như Luật Luật sư là giấy chứng nhận người bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp bị thu hồi, luật sư bị thay đổi hoặc không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Hồng Hà đề xuất thêm: Chính phủ, TAND Tối cao cần sớm ban hành nghị định, nghị quyết hướng dẫn Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung năm 2012, trong đó hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư. “Nếu các luật và các văn bản hướng dẫn đều quy định thống nhất thì cơ quan tố tụng sẽ bắt buộc phải tuân thủ”, luật sư Hà nói.

Bỏ luôn giấy chứng nhận?

Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đang trở thành điểm nóng trong vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của luật sư. Có lẽ chỉ ở nước ta mới còn tồn tại thủ tục này. Ngay cả ở Trung Quốc, vốn có mô hình tố tụng tương tự như Việt Nam cũng đã bãi bỏ việc này.

Quyền bào chữa và quyền nhờ người bào chữa là quyền hiến định được ghi nhận trong Hiến pháp. Luật sư là chủ thể để thực hiện chức năng tố tụng cơ bản, đó là chức năng bào chữa, có vị thế phản biện, đối trọng với chức năng buộc tội và xét xử. Do vậy, thủ tục quy định giấy chứng nhận bào chữa là rào cản, không phản ảnh vị thế bình đẳng.

Mặt khác, mỗi giai đoạn tố tụng lại bắt làm thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa không những kéo dài thời gian giải quyết vụ án, hạn chế quyền tiếp cận vụ việc của luật sư mà còn thể hiện sự hành chính hóa thủ tục giấy tờ của cơ quan chức năng.

Theo tôi, đã đến lúc cần thiết phải bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa. Theo đó, người bào chữa chỉ cần trình thẻ luật sư và giấy yêu cầu của khách hàng thì được tạo điều kiện ngay để thực hiện chức năng tố tụng và được hành nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Phan Trung Hoài

Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Đoàn luật sư Khánh Hoà: Trao thẻ cho các luật sư mới

Thứ 3, 30/07/2013 | 14:06
Sáng 29/7, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hoà đã tổ chức lễ trao thẻ luật sư do Liên Đoàn Luật sư Việt Nam cấp cho các luật sư mới gia nhập.

Luật sư: Thế nào là 'sống chung với nhau như vợ chồng'?

Chủ nhật, 28/07/2013 | 08:44
Có nhiều trường hợp nam nữ không đăng ký kết hôn nhưng 'sống chung với nhau như vợ chồng'. Bộ luật hình sự có điều luật quy định về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, trong đó yếu tố định tội là người đang có vợ có chồng mà sống chung như vợ chồng với người khác.

Luật sư được tham gia trong quá trình thi hành án

Thứ 3, 23/07/2013 | 08:43
Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã đề cập đến quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án. Thực tế nhiều trường hợp những người này không có điều kiện, không tự mình bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đã phải mời đến các luật sự tham gia.

Tình huống hy hữu liên quan đến đạo đức luật sư

Thứ 6, 19/07/2013 | 16:12
Suốt quá trình xét xử , bị cáo Nguyễn Viết Trương, nghi phạm đặt mìn nhà giám đốc Công an tỉnh Khánh Hoà luôn chối tội, luật sư chỉ định nhận thấy việc truy tố là có căn cứ , trường hợp này luật sư chỉ định được từ chối bào chữa hay phải tiếp tục bào chữa ?

Luật sư bị làm khó: Chuyện… bình thường?

Thứ 4, 10/07/2013 | 08:20
Một luật sư kể một lần được vào tiếp xúc bị can cùng cán bộ điều tra, khi luật sư hỏi thì thấy cán bộ này dẫm chân bị can. Kể từ lúc đó, bị can… từ chối luật sư luôn.

Mãn nhãn với những dinh thự tuyệt đẹp của các luật sư

Thứ 5, 04/07/2013 | 09:32
Nếu bạn đang sống trong một ngôi nhà chật chội thì chắc chắn khi chiêm ngưỡng những ngôi nhà tuyệt đẹp này, bạn sẽ không khỏi có chút ghen tỵ với chủ nhân của chúng.