Lực lượng kiểm soát hải quan đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ như thu thập, xử lý thông tin; rà soát xác định trọng điểm; cảnh báo dấu hiệu nghi vấn;... để ngăn chặn hàng lậu, gian lận thương mại.
Cụ thể, thông tin từ Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 9, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các địa bàn phát sinh các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có số vụ việc, trị giá tang vật lớn như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, An Giang...., tập trung vào một số hành vi như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm như pháo nổ, ma túy, động vật hoang dã, lâm sản, thuốc lá, đường kính, dầu D/O...
Lực lượng kiểm soát hải quan đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ như thu thập, xử lý thông tin; rà soát xác định trọng điểm; cảnh báo dấu hiệu nghi vấn; cũng như tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ.
Với những nỗ lực toàn hệ thống, ngành Hải quan đã thu được kết quả đáng khích lệ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Từ 16.7 - 15.8, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.513 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 265 tỉ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 1 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 9 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 32 tỉ đồng.
Lũy kế 8 tháng năm 2023 (từ 16.12.2022 đến 15.8.2023), toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 11.329 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.435 tỉ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 22 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 78 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 363 tỉ đồng.
Kết quả, theo số liệu thống kê, 11 tháng năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 14.589 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 11.521 tỉ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 474,258 tỉ đồng.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo Bộ Tài chính trong công tác phòng, chống rửa tiền; chống tài trợ, phòng chống khủng bố, Tổng cục Hải quan đã thực hiện các nhiệm vụ của Tổ giúp việc Ban chỉ đạo phòng chống rửa tiền quốc gia, Tổ giúp việc sau đánh giá đa phương APG, Nhóm đánh giá rủi ro quốc gia về phòng chống rửa tiền trong việc tổng hợp số liệu, báo cáo, tham gia ý kiến, đánh giá rủi ro của ngành Hải quan liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ, phòng, chống khủng bố.
Bên cạnh đó, trong tháng qua, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị trao đổi về công tác nghiệp vụ kiểm soát hải quan và kỹ thuật, tàu thuyền tại Đà Nẵng và tổ chức lớp Tập huấn công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ do chuyên gia Hải quan Cuba giảng dạy.
Liên quan đến công tác chống buôn lậu, cuối tháng 8 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo tăng cường kiểm soát và xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Đáng chú ý trong đó, Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc hoạt động nhập khẩu lợn, sản phẩm từ lợn tại khu vực cửa khẩu và kho của doanh nghiệp đối với các lô hàng nhập khẩu đưa về bảo quản chờ thông quan để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới vào Việt Nam. Trường hợp phát hiện lợn nhập khẩu không đủ điều kiện nhập khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất, tịch thu hoặc tiêu hủy, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thanh Tâm