Lý và tình khi thu thuế tiền hỗ trợ công nhân bị mất việc vì Covid - 19

HÀ NHÂN

Đã có nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động sau khi “cơn bão” Covid – 19 đi qua. Trường hợp của công ty PonYuen Việt Nam là một điển hình. Vấn đề đặt ra trong sự việc này, người lao động bị khấu trừ thuế sau khi nhận tiền hỗ trợ, sau khi nghỉ việc là đúng hay sai? PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín.

Đúng hay sai?

Thưa ông, người lao động tại công ty PonYuen Việt Nam bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được nhận khoản trợ cấp từ người sử dụng lao động nhưng bị trừ thuế 10%. Việc tính thuế và khấu trừ thuế như vậy có đúng quy định không?

Khi người lao động bị mất việc có nhận được khoản hỗ trợ, trợ cấp từ người sử dụng lao động có tính thuế hay không và tính thuế như thế nào phụ thuộc nguồn chi trả và thời điểm chi trả thu nhập.

Theo đó, nếu khoản hỗ trợ, trợ cấp này có nguồn gốc từ Bảo hiểm xã hội hoặc Bảo hiểm thất nghiệp, hoặc là Trợ cấp thôi việc theo quy định của điều 48 (đối với người lao động có khoảng thời gian làm việc trước ngày luật Bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực) hoặc Trợ cấp mất việc làm theo quy định tại điều 49 Bộ luật Lao động thì không phải tính thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định tại điểm b6, khoản 2 điều 2 thông tư số 111/2013/TT-BTC.

Công nhân công ty PonYuen VN bất bình vì khoản trợ cấp thôi việc phải đóng thuế TNCN.

Ngược lại nếu khoản hỗ trợ, trợ cấp mà người lao động nhận được không thuộc các trường hợp nêu trên hoặc thuộc các trường hợp nêu trên nhưng vượt mức quy định của các quy định của pháp luật thì phải chịu thuế TNCN từ tiền lương tiền công, tùy theo thời điểm chi trả để tính thuế.

Nếu việc chi trả hỗ trợ, trợ cấp nêu trên khi hợp đồng lao động vẫn còn hiệu lực thì thu nhập này được tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Còn khi việc chi trả này sau thời điểm hợp đồng lao động đã chấm dứt thì thực hiện tạm khấu trừ thuế 10% trên tổng thu nhập nhận được nếu trên 2 triệu đồng.

Đặt vào trường hợp cụ thể để phân tích chi tiết hơn, ông có thể đánh giá ra sao?

Ví dụ, người lao động nhận được tổng hỗ trợ, trợ cấp là 194 triệu đồng trong đó 39 triệu là từ Nhà nước chi trả, 31 triệu là Trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 48 và 30 triệu là trợ cấp mất việc làm theo quy định tại điều 49 Bộ luật Lao động và còn lại là 94 triệu là khoản hỗ trợ, trợ cấp của công ty chi trả cho người lao động nhằm mục đích hỗ trợ cho người lao động trên tinh thần nhân đạo, nhân văn.…

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được.

Khi đó tổng số tiền không phải tính thuế sẽ là 100 triệu đồng (100 triệu = 31 triệu +39 triệu + 30 triệu) theo quy định tại điểm b6 khoản 2 điều 2 Thông tư 111/2013/BTC. Còn lại 94 triệu đồng do công ty hỗ trợ phải tính thuế TNCN từ tiền lương tiền công.

Nếu công ty chi trả trong, hoặc trước khi hợp đồng kết thúc thì được cộng vào thu nhập của kỳ tháng/quý để tính thuế theo biểu lũy tiến từng phần.

Ngược lại nếu chi trả sau thời điểm hợp đồng kết thúc thì tính theo biểu thuế toàn phần, tức là tạm khấu trừ 10% là: 94 triệu x 10% = 9.4 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo tôi nên cộng vào thu nhập của tháng hoặc quý (thực hiện theo biểu thuế lũy tiến từng phần) để giảm thủ tục hành chính cho cả người nộp thuế lẫn doanh nghiệp và cơ quan thuế đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế khắc phục khó khăn.

Quan trọng là cần phải tách bạch và rạch ròi khoản thu nhập mà người lao động nhận được nhận để thực hiện kê khai, khấu trừ thuế cho đúng quy định, tránh tình trạng làm thiệt thòi cho người lao động.

Cân nhắc để giảm khó khăn cho người lao động

Trước sự phản ứng của người lao động và những kiến nghị của chính quyền, tổ chức lao động thì ngành thuế có thể xem xét quy định này như thế nào?

Tôi hoàn toàn thông cảm và chia sẻ với khó khăn của người lao động, đặc biệt đồng cảm với những phản ứng của họ trước tình trạng bị khấu trừ thuế TNCN 10%. Tuy nhiên bất kỳ cơ quan Nhà nước nào nói chung hay ngành thuế nói riêng đều phải tuân thủ pháp luật.

Nếu khoản thu nhập của người lao động thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế thì không có lý do gì mà người lao động lại được đặc cách để không phải thực hiện kê khai khấu trừ thuế. Nói cách khác người lao động hay bất kỳ ai cũng phải có ý thức thượng tôn pháp luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt này, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần phải xem xét thật kỹ, phân tích cụ thể từng khoản hỗ trợ, trợ cấp của người lao động theo từng nguồn khác nhau để loại trừ khỏi thu nhập chịu thuế của người lao động tránh khấu trừ, thu thuế oan đối với người nộp thuế.

Liên đoàn Lao động có thể kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét các gói hỗ trợ kịp thời cho người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của Covid-19, cũng như hỗ trợ để bù đắp khoản thuế mà người lao phải thực hiện quy định đối với khoản trợ cấp này.

Tương tự, Tổng cục Thuế và bộ Tài chính có thể trình Chính phủ chính sách giảm thuế TNCN cho người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Điều 5 luật Thuế TNCN.

Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu cục Thuế TP có xem xét giải quyết kiến nghị của người lao động công ty PonYuen VN.

Từ hiện thực ảnh hưởng của dịch Covid-19 với số lượng nhân sự bị cắt giảm vô cùng lớn như hiện nay, quy định của pháp luật cần được xây dựng như thế nào để xử lý các trường hợp tương tự trong tương lai?

Rõ ràng, theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu có thu nhập thuộc đối tượng phải nộp thuế thì phải thực hiện kê khai nộp thuế theo đúng quy định. Điều này là không sai, nhằm đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, phù hợp với chủ chương chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhưng thu thuế rồi lại thực hiện các chính sách hỗ trợ ngược lại sẽ làm chậm quá trình hỗ trợ và khiến mục đích hỗ trợ của Chính phủ không được hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Do đó, theo ý kiến của tôi, pháp luật cần ước lượng những trường hợp này và các trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai sẽ thuộc các đối tượng miễn hoặc giảm thuế để đảm bảo tính chất an sinh xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, PonYuen Việt Nam đã phải cho gần 3.000 công nhân ngừng việc. Trong tháng 7/2020, công ty này đang làm thủ tục để tiếp tục cắt giảm khoảng 6.000 lao động. Trước việc nhiều người trong danh sách bị cho nghỉ việc đang bị tính thuế TNCN, lãnh đạo UBND TP.HCM đã giao cục Thuế thành phố xem xét đề nghị của người lao động về việc không thu 10% thuế TNCN đối với khoản trợ cấp do PouYuen Việt Nam chi trả cho công nhân và báo cáo kết quả trước ngày 15/7.

H.N