"Ma men" vẫn... điếc không sợ súng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Hàng năm, số ca ngộ độc do rượu ngày một tăng cao, không ít trong số đó rơi vào cảnh "thập tử nhất sinh" do uống rượu tự chế.

Mới đây nhất, Bộ Y tế công bố số liệu liên quan đến các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) khiến nhiều người không khỏi giật mình. Trong khi số vụ NĐTP do rượu chỉ chiếm 3,4 % trên tổng số vụ NĐTP/năm thì số người chết do ngộ độc rượu chiếm đến 26% ca tử vong do NĐTP. Nhiều người tiêu dùng tỏ ra hoảng sợ khi biết hiện tại số rượu không rõ nguồn gốc đang được bày bán công khai.

Xã hội - 'Ma men' vẫn... điếc không sợ súng

Công nghệ chế biến rượu "siêu tốc" tại Bắc Ninh

Muôn kiểu nấu rượu "siêu tốc"

Hiện nay trên thị trường tồn tại nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác. Người bán thường quảng cáo một cách đơn giản "rượu quê chính gốc", "rượu nếp gia truyền" nhưng vẫn khiến không ít người tiêu dùng say như điếu đổ. Khi mà tâm lý số đông người Việt vẫn thích dùng các loại rượu được chưng cất từ gạo nếp theo cách truyền thống thì nhiều cơ sở kinh doanh vẫn dùng đủ chiêu thức để đáp ứng đủ nhu cầu của thượng đế.

Người tiêu dùng ít khi được mục sở thị nơi sản xuất ra những loại rượu mà họ vẫn tin là "sản xuất theo lối truyền thống" được dùng hàng ngày. Họ không thể tưởng tượng rằng giờ đây công nghệ nấu rượu đã đạt đến độ "siêu tốc". Trong một lần tình cờ gặp anh Nguyễn Văn Minh, 49 tuổi, quê Bắc Ninh, một "cao nhân" từng sống bằng nghề nấu rượu nhưng nay đã bỏ nghề tôi được anh chia sẻ về bí quyết nấu rượu "siêu tốc". Khi được hỏi về lý do tại sao bỏ nghề, anh Minh cho biết, "tôi thà bỏ nghề chứ không dám chạy theo kiểu nấu rượu siêu tốc như hiện tại bởi ám ảnh lương tâm cắn rứt". Câu nói của anh Minh khiến tôi tò mò muốn biết lý do tại sao anh phải bỏ nghề truyền thống mà cha ông đã gìn giữ hàng trăm năm nay.

Thấy tôi quan tâm đến công việc này, anh Minh không ngần ngại nói rõ những mánh khóe của nhiều lò sản xuất rượu. Theo anh Minh, kinh nghiệm truyền thống để có được một nồi rượu ưng ý thì người nấu phải trải qua các công đoạn như chọn men, chọn gạo, nấu cơm, ủ cơm lên men, ngâm nước, chưng cất. Để tiến hành đủ các công đoạn cần phải mất thời gian từ 15 - 20 ngày, khi đó mới có được rượu thành phẩm.

Anh Minh nhận định rằng, độ độc của loại rượu nấu bằng men "tàu" đến mức nào ngay cả người nấu rượu như anh cũng không chắc chắn được. Những người nấu rượu từ loại men này chỉ để bán chứ không bao giờ uống. Tuy nhiên hiện tại, men "tàu" cũng đã lỗi thời. Bởi dù có thể ăn bớt được một công đoạn nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, nhiều tay nấu rượu còn "dã man" đến mức dùng bột nở trộn với hàn the sau đó bỏ vào nồi là chưng cất thành rượu. Bên cạnh đó, loại rượu độc nhất là không cần chưng cất. Đó là việc người ta pha cồn với nước lã thành rượu. Anh Minh khẳng định, tùy theo liều lượng, và mức độ, người ta pha theo tỷ lệ để có được nồng độ rượu ưng ý. Để có được hương vị như thật, người sản xuất rượu chỉ cần thêm vào hương vị hóa chất là đạt được mục đích và đánh lừa được người tiêu dùng.

Những gì anh Minh trao đổi khiến chúng tôi sởn da gà. Nhưng có lẽ, câu chuyện mà chị Thu, một người từng phục vụ tại một quán nhậu ở TP Vinh (Nghệ An) chia sẻ còn kinh khủng hơn nhiều. Chị Thu kể, việc tăng nồng độ cồn trong rượu thực hiện trong nháy mắt là có thật. Những lúc khách hàng đã ngà ngà say, các chủ cửa hàng mới bắt đầu "giở trò". Trong ký ức của chị Thu, nhiều lần theo sự sai bảo của chủ, chị tự tay nhúng que tăm có tẩm thuốc sâu vào rượu để tăng nồng độ. Mỗi lần như vậy, nồng độ của rượu tăng lên 3 đến 4 độ. Bản thân chị Thu cũng cho rằng, những trường hợp pha rượu như trên khá phổ biến tại những quán cóc phục vụ khách bình dân trên địa bàn

Xã hội - 'Ma men' vẫn... điếc không sợ súng (Hình 2).

Làm bạn với "thần chết" trong nháy mắt

Có mặt tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) sáng 17/9, chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến cảnh những nạn nhân của ma men mặt mũi tím tái đang nôn thốc nôn tháo trên cáng. Các bác sĩ tại đây đã kể cho chúng tôi nghe về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn T. (Quốc Oai, Hà Tây). Người này nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng, suy hô hấp, suy thận, không tìm thấy huyết áp. Tất cả những chỉ số sinh hóa đo được đều chống lại sự sống của người bệnh. Các bác sĩ nhận định, đây rất có thể là một trường hợp ngộ độc methanol. "Theo chỉ số xét nghiệm, định lượng methanol trong máu là 139,8mg/100ml, trong khi chỉ cần methanol trên 40mg/100ml là phải có chỉ định lọc máu. Sau 30 giờ lọc máu liên tục và điều trị kịp thời, bệnh nhân đã được cứu sống", một bác sĩ cho biết.

Theo lời kể của các bác sĩ, người đàn ông tên T. nghiện rượu nặng tới mức tự mua cồn công nghiệp có chứa methanol về pha chế với nước lã thành rượu uống. Bệnh nhân này không biết đến tác hại mà chỉ cần uống cho thỏa cơn nghiện. Hậu quả là sau thời gian dài sử dụng cồn thay rượu, ông T. đã phải nhập viện trong tình trạng cận kề cái chết.

Hay trường hợp một sinh viên năm thứ ba đã uống liền 3 chai rượu Vodka loại 330ml trong vòng 10 phút. Theo lời kể của người thân thì anh ta bị bất tỉnh ngay sau khi uống rượu nên được đưa vào nhà nằm nghỉ. Mãi sáng hôm sau, bạn bè mới phát hiện ra chàng trai đã bị tim ngừng đập và đưa đi cấp cứu. Khi đưa tới Trung tâm chống độc, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê sâu, hạ đường huyết. Dù trung tâm rất cố gắng song bệnh nhân vẫn không qua khỏi.

Trao đổi với PV Người đưa tin, TS.Phạm Duệ, giám đốc Trung tâm cho biết, nhiều người nhập viện do nghiện rượu nặng dẫn đến ngộ độc. Có những trường hợp điếc không sợ súng, tự mua methanol (cồn công nghiệp) về pha chế thành rượu uống. Trung tâm từng cấp cứu cho không ít trường hợp đứng trước "lưỡi hái tử thần". Methanol là chất cực độc, chỉ được dùng trong công nghiệp. Khi con người uống vào nếu không tử vong cũng gây ra viêm gan nhiễm độc, suy thận cấp, viêm thị giác dẫn đến mù. Nếu là cồn ethanol thì sẽ gây ngộ độc rượu. Ethanol được sử dụng để pha chế đồ uống giải khát, tuy nhiên nó cũng là chất có thể gây độc. Ethanol ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Cách đây không lâu, ở Ninh Thuận đã có 5 người chết vì ngộ độc rượu có chứa methanol cao gấp hơn 190 lần.

Cũng trao đổi với PV báo Người đưa tin, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, trưởng khoa Điều trị Tâm thần và Nghiện chất (BV Bạch Mai) cho biết: "Rượu khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất gây ra các biểu hiện say rượu, người không tỉnh táo. Đã có nhiều trường hợp người uống rượu phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì bị ngộ độc rượu. Có những trường hợp còn bị suy gan, hoại tử tế bào gan do chất độc tích lũy quá nhiều. Trường hợp thường gặp nhất là viêm loét dạ dày cấp".

Xã hội - 'Ma men' vẫn... điếc không sợ súng (Hình 3).

TS. Phạm Duệ

Theo lời của bác sĩ Dũng, một số người thậm chí tin dùng các chế phẩm giải rượu. Họ cứ thấy dùng chế phẩm này thì uống rượu không còn cảm giác say, thế là uống nhiều, uống quá độ. Tuy nhiên, việc lạm dụng này sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới hệ thống thần kinh, não bộ. Người nào lạm dụng trong thời gian dài sẽ dễ dẫn đến những cơn đột quỵ. "Ảnh hưởng về tâm thần là những tổn thương lâu dài. Mới đầu người bệnh sẽ mất ngủ, sau thời gian sử dụng dài sẽ gây ra những ảo giác, ảo tưởng", bác sỹ Nguyễn Văn Dũng nói.

Vã mồ hôi hột vì rượu… men "tàu"

Theo anh Minh, hiện nay, trên thị trường có một loại men mà trong giới gọi là men "tàu". Loại men này có công dụng cực mạnh. Người nấu rượu không cần ủ cơm mà chỉ cần trộn men trực tiếp với gạo sống. Chỉ cần đổ nước vào ngâm, sau hai ngày, gạo sẽ lên men. Đối với loại men "tàu" này, người nấu rượu đã bớt được một công đoạn nấu cơm rượu. Việc rút ngắn thời gian đồng nghĩa tiết kiệm được chi phí sản xuất. Anh Minh còn cho biết: "Trước đây 3 kg gạo được 1 lít nhưng hiện nay, với loại men "tàu" thì nấu 3 kg gạo được 1,5 lít rượu".

Trinh Phúc - Anh Văn