Mặc

Mặc "đồng phục" vẫn khó “bắt” xe “dù”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Hàng trăm doanh nghiệp taxi trong cả nước đang "đứng ngồi không yên" khi Bộ Giao thông Vận tải tái đề xuất quy định màu sơn đồng nhất cho xe taxi. Động thái này nhằm đưa hoạt động taxi vào khuôn khổ, tạo gọng kìm "xiết chặt" taxi "dù", tuy nhiên theo nhận định của "người trong cuộc" quy định này là bất hợp lý, làm khó cho doanh nghiệp.

Theo dự tính, với hàng chục nghìn xe taxi đang hoạt động trên địa bàn cả nước, mỗi doanh nghiệp sẽ phải móc hầu bao chi hàng tỷ đồng để "tút" lại "nhan sắc" cho xe của mình.

Vẫn khó kiểm soát taxi "dù"

Được biết, cách đây không lâu, ngành vận tải từng ban hành Thông tư quy định, mỗi hãng taxi chỉ được phép đăng ký một màu sơn thống nhất, thay vì nhiều màu như hiện nay. Tuy nhiên, quy định này đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực taxi mà thực tế không hạn chế được tình trạng hoạt động lộn xộn theo kiểu "mỗi người một chợ" của các hãng và nạn taxi "dù". Dù vấp phải sự phản đối kịch liệt của "người trong cuộc", nhưng mới đây nhất, Bộ GTVT tiếp tục trình Chính phủ Nghị định 91 sửa đổi, nhấn mạnh việc quy định màu sơn xe taxi thống nhất trên cả nước. Các thành phố trực thuộc Trung ương cũng được "trao ấn", tự quyền quy định màu sơn xe taxi của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.

Xã hội - Mặc 'đồng phục' vẫn khó “bắt” xe “dù”

Ảnh minh họa.

Lý giải cho đề xuất này, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, trước đây, taxi thường chỉ quy định về logo, đèn báo mà không có quy định về màu sơn (mặc dù vẫn có đăng ký màu sơn). Do đó, taxi hoạt động khá lộn xộn, kiểu "một mình một chợ"... Thậm chí, nhiều xe "taxi dởm" tự gắn logo, đèn báo, in chình ình số điện thoại để "hóa thân" thành "taxi xịn". Những xe kiểu này ngang nhiên hoạt động bên cạnh xe chính hãng. Thực tế, hiện tượng này diễn ra thường xuyên và qua mắt rất nhiều khách hàng, gần như không ai phân biệt được. Chưa kể việc một số hãng đăng ký màu sơn gây nhầm lẫn cho hành khách.

Trước thực tế đó, theo quan điểm của nguyên phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, đề xuất mặc "đồng phục" cho taxi trong cả nước là hợp lý. "Việc thống nhất màu sơn nhằm bảo đảm quyền lợi cho hành khách đi xe và khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có ý thức xây dựng thương hiệu. Quy định này cũng đã được một số nước thực hiện", ông Thanh nói.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đề xuất này chỉ là tình thế, chưa thể chặt đứt được nạn taxi "dù" đang "tác oai tác quái" hiện nay. Trao đổi với PV báo Người đưa tin, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông (đề nghị giấu tên) bức xúc: "Sao lại đặt ra những quy định kiểu "giời ơi đất hỡi" như vậy!. Làm như thế khác nào "giết" doanh nghiệp!...". Chuyên gia này dẫn chứng trường hợp mà chính mình trở thành nạn nhân của taxi "dù" bởi chiếc xe này giống xe chính hãng như đúc. "Nhiều lần, tôi phải đi tàu hỏa từ Tây Bắc về Hà Nội vào lúc 4 -5h sáng. Tôi liền gọi một chiếc taxi đỗ ngay trước khu vực ga Hà Nội để về nhà cho an toàn. Để tránh taxi "dù", tôi tìm một chiếc xe có biển hiệu, logo đàng hoàng. Chẳng ai ngờ, lên xe tôi mới tá hỏa mình đã bị "lừa". Thay vì tính tiền theo kilômét, tài xế hỏi địa điểm cần đến rồi báo giá. Sau một hồi cò kè, tài xế đồng ý tính cước theo kilômét, nhưng đồng hồ tính tiền chạy với tốc độ "phi mã". Kết quả, chỉ một đoạn đường từ ga Hà Nội về đến Ngã Tư Sở chỉ khoảng 5 km, tôi phải trả 130.000 đồng. Thực tế, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, tôi vẫn bị "chặt chém".

Theo quan điểm của chuyên gia này, việc quy định mỗi hãng xe phải sơn thống nhất một màu không phải là giải pháp tối ưu cho việc quản lý và hạn chế nạn taxi dù. Làm như thế chỉ thêm tốn kém và lộn xộn. "Trên thực tế, không ít chủ xe cá nhân vẫn "bắt tay" với các hãng taxi để được "cùng làm ăn". Có những chủ xe ký hợp đồng với các doanh nghiệp taxi có uy tín, hàng tháng đóng một khoản tiền cố định cho doanh nghiệp để mượn tên, nhưng thực chất vẫn chạy xe theo hình thức taxi "dù". Khách hàng nhớ đến hãng bởi chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ, giá cước hợp lý... chứ đâu phải màu sơn của chiếc xe? Việc xử lý hoạt động lộn xộn của các hãng taxi và nạn taxi dù, trước hết phụ thuộc vào chính ý thức của từng doanh nghiệp và cơ quan quản lý", chuyên gia này lên tiếng.

Theo ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, tình trạng taxi "mù" "chặt chém" du khách, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị chủ quản là hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Hiện có hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi nhưng thực chất là "bán" logo thu tiền tháng, còn việc hoạt động như thế nào, gắn logo, đồng hồ, số điện thoại tổng đài... có đúng quy định hay không thì họ gần như không quan tâm.

Ông Hỷ cũng cho biết, kẽ hở lớn nhất là do thủ tục đăng ký gia nhập doanh nghiệp, hợp tác xã taxi quá đơn giản, dẫn đến tình trạng ai cũng có thể có giấy phép chạy taxi với điều kiện chỉ cần đóng tiền là có ngay logo, bảng hiệu, giấy phép kinh doanh. Các chủ "taxi dù" đã dám chụp lên xe mũ taxi, dán bên sườn xe logo doanh nghiệp "rởm", thì không có lý do gì họ lại không dám "tút" lại màu sơn để lòe khách hàng. Ai đảm bảo taxi có màu sơn đúng quy định, đó là taxi giả hay thật và sẽ có biết bao câu chuyện xung quanh nó.

Xã hội - Mặc 'đồng phục' vẫn khó “bắt” xe “dù” (Hình 2).

Ông Tạ Long Hỷ.

Doanh nghiệp phải chi hàng trăm tỷ để thay"áo mới"

Theo thống kê của Hiệp hội taxi Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 14.000 xe taxi đang hoạt động. Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Đỗ Quốc Bình, chủ tịch Hiệp hội thừa nhận, việc quản lý taxi dù lâu nay còn nhiều kẽ hở, quy định thống nhất màu xe có thể giải quyết phần nào nạn taxi dù nhưng lại gây ra những bất cập và thiệt hại cho các hãng taxi. Nếu thực hiện theo quy định sơn màu cho taxi, trên địa bàn sẽ có khoảng 50% số taxi của các doanh nghiệp phải sơn và đăng ký lại.

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội tính toán, một chiếc xe sơn lại mất khoảng 10 triệu đồng. Nếu cứ tính mỗi hãng có trung bình hai màu sơn thì hơn 7 nghìn xe phải đi sơn lại và chi phí cho việc đổi màu đã lên tới 70 tỷ đồng. Với những hãng taxi lớn, họ sẽ phải chi khá nhiều cho công việc này. "Việc thống nhất màu sơn là vô cùng lãng phí và không giải quyết được mục tiêu ngăn chặn taxi "dù" và nhái nhãn hiệu của các hãng có thương hiệu. Để phân biệt các hãng taxi, người ta thường dựa vào logo, số điện thoại chứ không phải màu sơn. Vấn đề cốt lõi là việc các cơ quan chức năng thực hiện việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm như thế nào", ông Bình nói.

Đồng quan điểm, ông Tạ Long Hỷ, đại diện cho Taxi Vina Sun, kiêm chủ tịch Hiệp hội taxi TP. Hồ Chí Minh cũng nêu quan điểm, không nhất thiết phải sơn lại toàn bộ xe mà chỉ một phần nào đó như các vạch bên thân, lườn xe là đủ để nhận biết màu đặc trưng. Tuy nhiên, số doanh nghiệp taxi có xe 2 màu khác nhau ở TP. Hồ Chí Minh không nhiều vì từ hồi Nghị định 110, các doanh nghiệp taxi lớn như Mai Linh, Vina Sun, Sài Gòn tourist... khi đặt xe từ nhà cung cấp đã thống nhất màu sơn giống nhau.

Ông N.T.M, giám đốc một doanh nghiệp taxi trên địa bàn Cầu Giấy (Hà Nội) lý giải: "Công ty tôi hiện có khoảng 300 đầu xe taxi, thuộc nhiều hãng khác nhau. Nếu phải sơn lại toàn bộ màu, chúng tôi sẽ phải chi khoảng 3 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ. Với doanh nghiệp tư nhân, lại hoạt động trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc này là ngoài sức của chúng tôi. Đó là chưa tính đến những phiền hà, lộn xộn có thể phát sinh khi phải sơn lại màu xe".

Vị này cũng băn khoăn, nếu mỗi doanh nghiệp taxi phải đăng ký một màu sơn thống nhất, thì với hơn 100 hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn Thủ đô, lấy đâu ra từng ấy màu sơn khác nhau? Ở những nước khác, thông thường các hãng taxi chỉ có một màu duy nhất; khách hàng phân biệt các hãng nhờ vào logo và phần mào được đặt ngay trên nóc xe. "Theo tôi, đây chỉ là giải pháp tình thế, các doanh nghiệp cần tự "làm nghiêm" mình bằng cách "xiết chặt" hơn nữa hoạt động của "xe nhà". Tôi cũng nghe đến hiện tượng, các hãng taxi thậm chí "bắt tay" với chủ xe "dù" để kiếm thêm. Làm như vậy sẽ càng khiến cho hoạt động taxi lộn xộn, khó quản lý", vị này nói.

Bộ GTVT có “làm khó” doanh nghiệp?

Đại diện hãng xe taxi Hương Nam cho biết: "Trước đây, taxi có quy định về logo, đèn báo mà không có quy định về màu sơn, song các doanh nghiệp vẫn có đăng ký màu sơn. Như vậy là để giữ thương hiệu, các hãng taxi đã đăng ký màu sơn của mình. Việc quy định màu sơn thống nhất của Bộ GTVT sẽ "làm khó" doanh nghiệp".

Anh Văn - Hà Khê