Mẹ già nuôi con trai tật nguyền, con gái nhiễm HIV

Mẹ già nuôi con trai tật nguyền, con gái nhiễm HIV

Chủ nhật, 26/05/2013 | 19:28
0
Tuy đã ở tuổi xế chiều, bà Hòa vẫn phải bươn chải kiếm tiền nuôi con trai tật nguyền, con gái bị HIV và đứa cháu ngoại bé bỏng.

'Trăm dâu đổ đầu bà góa'

Đến xóm đường Goong (Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) chỉ cần hỏi nhà bà Vũ Thị Hòa thì ai cũng biết. Có người còn "khái quát" chân dung bà: "Có phải bà già bị bệnh tim, ốm quanh năm vẫn phải đi làm mướn nuôi cậu con trai bị tật nguyền, cô con gái lấy chồng bị nhiễm HIV và đứa cháu ngoại không?. Đấy, cái bà đang bế thằng cháu lom khom dọn củi cho các xưởng gỗ ấy chính là bà Hòa đấy…".

Xã hội - Mẹ già nuôi con trai tật nguyền, con gái nhiễm HIV

Bà Hòa và đứa cháu tội nghiệp

Trong cái nắng nhiệt độ gần 400C ấy, chúng tôi thấy một bà cụ gầy nhom, đôi mắt sâu hoắm đang lúi húi vừa trông cháu vừa dọn dẹp xưởng gỗ. Bà Hòa vừa nhìn chúng tôi vừa nói: "Mấy hôm nay nắng quá tôi mệt và khó thở lắm. Chắc bệnh tim lại chuẩn bị tái phát rồi. Thằng cu con (cháu ngoại của bà Hòa) hôm nay nó cứ sốt liên tục, hết nóng lại lạnh. Tôi cũng không biết nó bị sao nữa". Nghe bà ngoại nói đến đây, cậu bé Trình ghé sát má vào người bà làm nũng…

Trưa nào cũng vậy, bà Hòa được ông chủ cho nghỉ sớm 30 phút để về nhà lo cơm nước cho con trai và con gái đi làm ở xưởng xẻ gỗ về ăn. Bà chia sẻ: "Đợt này mẹ cháu Trình (con gái bà Hòa-PV) về ở hẳn với tôi rồi. Dạo trước nó gửi con về cho tôi vì chồng nó bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Giờ nó trọn nghĩa rồi về tay không nuôi con. Nhà chồng cháu ở trên phố nhưng mẹ chồng nó đáo để lắm. Chồng nó mất, con gái và cháu ngoại tôi không còn chốn nương thân đành về với ở cùng với tôi. Ở với tôi thì khổ vì nhà tôi cô thấy đấy, nghèo lắm, chỉ thương cháu tôi thôi". 

Nói rồi bà Hòa ôm đứa cháu ngoại đang ốm vào lòng. Thằng bé thở khò khè một cách khó nhọc. Bà Hòa chép miệng chia sẻ: "Hôm qua, tôi còn có mấy đồng, thấy cháu ốm quá liền đi mua thuốc nhưng cũng không đủ tiền để trả cho người ta nên lại khất nợ. Cháu còn nhỏ quá, đôi khi người lớn chúng ta hay làm khổ các cháu. Cháu nhỏ có tội gì đâu, đúng không cô?".

Xã hội - Mẹ già nuôi con trai tật nguyền, con gái nhiễm HIV (Hình 2).

Chị Tâm đang chăm sóc con trai

Bất hạnh chồng chất

Nhìn cháu Trình sốt từng cơn, hết nóng lại lạnh giữa trưa nắng như thiêu đốt ấy, chúng tôi vô cùng xót xa. Sau khi bớt nóng, thằng bé đòi bà ru, bà quạt. Thấy cháu ốm, nhà chật lại không có quạt dùng, một người hàng xóm tốt bụng đem sang cho bà cái quạt cũ không dùng đến.

Bà Hòa chia sẻ: "Nhà tôi mắc điện cho có thôi, chứ ít sử dụng lắm. Dùng rồi lấy tiền đâu ra mà trả? Người ta giấu giàu chứ không ai giấu nghèo được…".

Tuy năm nay mới 60 tuổi nhưng nhìn bà Hòa, ai cũng nghĩ bà phải nhiều tuổi hơn thế. Có lẽ những tháng năm vất vả tần tảo nuôi con khi chồng không may mất sớm đã làm người phụ nữ ấy già trước tuổi. Chồng chết, một mình bà phải gồng gánh nuôi hai đứa con, cơm áo, gạo tiền đè nặng trên đôi vai gầy guộc của bà.

Cụ Trần Thị Hiên (một người hàng xóm) chia sẻ: "Tôi sống gần nhà với gia đình bà Hòa từ khi bà ấy lấy chồng về đây. Số bà ấy vất vả, chồng mất sớm lại còn bị bệnh tim bẩm sinh. Nhiều lần, bà ấy lịm đi khiến cả nhà nháo nhác. Hai đứa con cũng đã lớn cả rồi đấy nhưng có đứa nào đỡ đần được mẹ đâu?

Con trai bà ấy năm nay cũng ngoài ba mươi rồi nhưng bà ấy vẫn phải tắm rửa cho hàng ngày, cả việc ăn uống cũng thế. Nó bị viêm xương, chệch khớp xương hông từ bé. Cô con gái tên Tâm của bà ấy còn khổ hơn. Lớn lên, đi lấy chồng, tưởng sẽ bớt khổ, ai ngờ chồng nó bị HIV, lây sang cả nó. Cũng may thằng cu con của nó không bị phơi nhiễm, nhiễm HIV như bố mẹ không thì bà Hòa còn khốn khổ nữa".

Chị Trần Thị Tâm (con gái của bà Hòa) năm nay mới 29 tuổi. Chị cùng làm với mẹ ở một xưởng gỗ gần nhà. Chị chia sẻ: "Chủ xưởng gỗ thấy hai mẹ con tôi vất vả nên mới cho tôi vào làm để kiếm miếng cơm thôi, chứ tôi bị nhiễm bệnh rồi sức khỏe yếu lắm. Hàng tháng, tôi phải đến trung tâm khám rồi lấy thuốc về uống.

Mỗi lần điều trị như thế, tôi lại phải nghỉ làm mấy hôm. Mọi chi phí cho việc sinh hoạt trong gia đình tôi giờ đều trông cả vào mẹ tôi. Ngày nào tôi còn khỏe, tôi sẽ cố gắng làm, thậm chí làm thêm ca để đỡ đần mẹ tôi cũng như phòng khi ốm đau. Nhưng đợt này công việc ở xưởng cũng ít và thất thường lắm vì còn phụ thuộc vào khách hàng ít hay nhiều".

"Mẹ tôi đợt này ốm lắm, bản thân tôi cũng không biết mình sẽ ra đi lúc nào, rồi lúc đó chỉ khổ cho mẹ tôi thôi. Đời người con gái phận đục trong mà chị. Giờ số phận tôi như vậy cũng đành chấp nhận thôi. Nhưng còn sống ngày nào, tôi sẽ nỗ lực chiến đấu với bệnh tật, cố gắng làm việc để đỡ đần cho mẹ tôi", chị Tâm nghẹn ngào nói.

Nghe con gái nói, người mẹ già nấc lên trong đau đớn. Bà ôm chặt đứa cháu vào lòng, hướng đôi mắt đẫm lệ ra phía cửa. Lúc này, mặt trời đang đứng bóng…    

Như muối bỏ bể?

Ông Lê Bá Trình (Phó bí thư đảng uỷ xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương) cho biết: "Gia đình bà Trần Thị Hòa là một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm, bản thân bà thì bệnh tật. Con trai là anh Thắng thì bị tật nguyền, không làm ăn gì được, con gái là chị Tâm đi lấy chồng thì cũng bị nhiễm HIV từ chồng. Chị Tâm có một đứa con trai, hiện cũng đã về ở với bà ngoại. Cuộc sống không có nguồn thu nhập nào khác ngoài việc đi làm thuê để sinh sống. Mặc dù địa phương đã rất quan tâm, có chế độ chính sách của Nhà nước nhưng cũng không thấm tháp vào đâu".

Ngọc Liên-Trần Sáng

Cám cảnh sự sống của hai đứa trẻ mồ côi và tật nguyền

Thứ 4, 24/04/2013 | 14:40
Hai đứa trẻ thiểu năng trí tuệ cứ cười ngặt nghẽo suốt ngày. Chúng cũng không biết mẹ đã bỏ đi, bố đã mất. Chúng sống nhờ bà nội đã ngoài 80 tuổi. Nếu một ngày bà cụ mất đi, không biết chúng có thể sống tiếp?

Những mảnh đời bất hạnh bằng nghề điêu khắc gỗ

Thứ 6, 15/02/2013 | 17:00
Có những lúc, anh có trong tay bạc tỷ nhưng cũng có lúc cận kề cái chết. Nhưng chính ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết ấy đã làm cho anh nghĩ lại: "Mình không thể sống mãi như thế này được". Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định thay đổi mọi thứ, chọn cho mình con đường lập nghiệp bằng nghề điêu khắc mà cha ông để lại. Hiện nay, không chỉ thành danh nhờ nghề điêu khắc mà anh còn đang tiếp tục xây dựng ý tưởng tiếp nhận những nhân công "không bình thường" vào làm việc tại cơ sở của mình. Đó chính là những người lao động đang phải mang trong người chất độc màu da cam hay bị dị tật bẩm sinh.

Vợ chồng tật nguyền ươm mầm hạnh phúc trên xe lăn

Thứ 6, 03/05/2013 | 15:46
11 tuổi sau lần bạo bệnh khiến Phạm Ngọc Bộ (SN 1979) bị tê liệt đôi chân và phải bỏ học dở chừng. Cái tuổi mới lớn phải ngồi lỳ trong một góc nhà khiến cậu bé chán chường và mặc cảm với số phận.

Đám cưới cổ tích của chàng trai tật nguyền và cô dâu xinh đẹp

Thứ 2, 18/02/2013 | 15:41
Trưa 17/2, vùng quê miền biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã diễn ra một đám cưới như cổ tích.