Sáng 15/9, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở miền Trung Philippines và sẽ đi vào Biển Đông trong 24 giờ tới.
Với sức gió vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới đạt cấp 6-7, giật cấp 9, vùng nguy hiểm trên biển được xác định ở phía bắc vĩ tuyến 10 độ vĩ bắc và phía đông kinh tuyến 118 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h và có khả năng mạnh thành bão. Sáng 17/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11.
Sau đó, bão giữ nguyên hướng đi, tăng tốc lên 25 km/h và tiếp tục mạnh thêm. Hiện, cơ quan khí tượng chưa đưa ra nhận định chi tiết về khả năng đổ bộ của bão. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh xuất hiện vào chiều 17/8 có thể gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ.
Cùng thời điểm, ở miền Bắc có một bộ phận không khí lạnh xuất hiện đẩy rãnh áp thấp qua Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp và tương tác của bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông nên ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to đến rất to, kèm theo nguy cơ cao về dông, lốc, sét, gió giật mạnh trong những ngày cuối tuần.
Để chủ động ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ sau bão, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới.
Trúc Chi