Cảnh báo thời điểm mưa bão
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay (28/8), ở khu vực Nam Bộ đã có mưa dông, cục bộ có nơi mưa to. Lượng mưa tính từ 07h đến 15h cục bộ có nơi trên 40mm như: Khánh Hội (Cà Mau) 73.4mm, An Châu (An Giang) 50.2mm, Hồ Đá Đen (Bà Rịa - Vũng Tàu) 45.0mm,…
Dự báo thời tiết chiều tối và tối 28/8, ở khu vực Nam Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 50mm; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên cổng thông tin điện từ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét: cấp 1.
Chia sẻ về cao điểm mưa bão với Lao Động Tiến sĩ Hoàng Đức Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Các mô hình dự báo hiện nay có sự thống nhất cao là hiện tượng La Nina có thể phát triển trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10/2024 với xác suất 60-70%. Sau đó tiếp tục duy trì trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 với xác suất trong khoảng 70-80%.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2024 hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm có khoảng 6-7 cơn).
Trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm có khoảng 3 - 4 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam.
Với kịch bản xuất hiện của La Nina thì khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông sẽ cao hơn bình thường.
Mưa lớn tập trung chính vào tháng 10-11.2024. Mùa mưa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng nửa cuối tháng 11 ở Tây Nguyên và Nam Bộ và khoảng nửa cuối tháng 12.2024 ở Trung Bộ).
Tp.HCM tiếp diễn mưa lớn bất chợt
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ những ngày tới, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 14-16 độ vĩ bắc, đi qua khu vực Trung Bộ hoạt động mạnh.
Gió mùa tây nam chi phối thời tiết khu vực có cường độ trung bình đến mạnh. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục đi qua Bắc Bộ hoạt động không mạnh và có xu hướng nâng trục lên phía bắc.
Dự báo những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, do chịu ảnh hưởng của những hình thế thời tiết có khả năng gây mưa giông nói trên, Tp.HCM có mưa rào và giông ở diện rải rác đến nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to; chủ yếu xảy ra vào tầm trưa đến chiều tối. Buổi sáng trời nắng nhẹ và ban đêm ít mưa.
"Trong những ngày 31/8 và 1-2/9, khu vực khả năng có mưa vừa, mưa to vào khoảng trưa đến chiều tối", bản tin nêu rõ.
Đồng thời, những ngày này, nhiệt độ thấp nhất ở Tp.HCM phổ biến 24-26 độ; nhiệt độ cao nhất 30-33 độ.
Ngoài ra, trên các địa điểm du lịch biển của Nam Bộ, có mưa rào và giông vào buổi chiều, sóng gió không quá mạnh. Khu vực biển Tp.HCM, gió tây nam phổ biến khoảng cấp 4, cấp 5 giật trên cấp 5.
Mùa mưa bão cận kề
Theo Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) dự báo, trong tuần từ 26/8 đến 1/9/2024, bão Shanshan sau khi rời khỏi khu vực dự báo (PAR) của Philippines tiếp tục di chuyển theo hướng đông bắc về phía nam Nhật Bản, dự báo đổ bộ vào ngày 28.8.
Theo PAGASA, một vùng áp thấp có thể hình thành trên Biển Đông vào 29.8, rời khỏi khu vực dự báo của Philippines vào 31/8. Dự kiến một vùng áp thấp khác hình thành ở phía đông Philippines cũng vào 29/8.
Dự báo, vùng áp thấp gần Biển Đông này đi vào khu vực dự báo của Philippines vào 30/8 sau đó sẽ tan vào đầu tuần sau.
Đáng chú ý thời gian tới trong khoảng 2-8/9/2024, PAGASA dự báo một vùng áp thấp có khả năng hình thành ở phía bắc khu vực dự báo của PAGASA (PMD). Áp thấp này ít có khả năng mạnh lên thành bão.
Bên cạnh đó, các nhà khí tượng học của AccuWether dự báo "tháng 9 tăng tốc" với 6-10 cơn bão có khả năng xuất hiện - tốc độ tương tự như mùa bão năm 2020 có 10 cơn bão trong tháng 9.
Ông Alex DaSilva, chuyên gia về bão của AccuWeather, cho biết: "Tôi nghĩ mùa bão sẽ tăng tốc nhanh chóng do sắp có sự thay đổi lớn về thời tiết khi không khí khô biến mất".
DaSilva cảnh báo hoạt động bão gia tăng đáng kể từ cuối tháng 8 và kéo dài đến tháng 9, thậm chí có khả năng nhiều cơn bão nhiệt đới và cuồng phong ở lưu vực Đại Tây Dương trong cùng một ngày.
Trong khi cao điểm của mùa bão Đại Tây Dương là vào ngày 10/9, AccuWeather dự đoán mùa bão sẽ vẫn bận rộn trong suốt tháng 10 và dự kiến sẽ có ít nhất 1 đến 3 cơn bão nữa vào tháng 11 do vùng nước ấm có thể gây ra nhiều cơn bão nhiệt đới và cuồng phong.
Báo Lao Động dẫn nguồn AccuWeather đã dự đoán một mùa bão đầy biến động và "bùng nổ" trên Đại Tây Dương, Caribe và Vịnh Mexico, với 20 đến 25 cơn bão được đặt tên trên khắp lưu vực Đại Tây Dương trong mùa năm nay.
Trúc Chi (t/h)