Một câu chuyện, hai thái độ

Tư Viễn

Cùng cảnh ngộ bi đát, bị cướp mất “cái ngàn vàng” song 2 cô bé lại có số phận khác nhau.

Cô bé 17 tuổi đi liên hoan với nhóm bạn cùng lớp về muộn và bị 1 người trong nhóm đó xâm hại. Lo sợ, hoảng loạn, cô gái chạy ngay về nói với bố mẹ. Phụ huynh liền đổ lỗi cho con gái… hư nên mới bị hiếp. Đau đớn, cô bé lao vào trong phòng khóc.

Một cuộc họp bàn giữa các thành viên trong gia đình nhanh chóng được tiến hành, nhằm ứng phó tình huống “khẩn”.

Ảnh minh họa.

Gia đình cô bé không muốn kiện vì sợ mất mặt. Biết nhà kẻ đồi bại giàu có… “bỏ đi thì phí”, thế là một cuộc ngã giá cho hành vi hiếp dâm con mình được các bậc phụ huynh đưa ra cân, đo, đong, đếm.

Nhưng đòi bao nhiêu cho đủ, họ nhờ người quen gọi điện hỏi khắp nơi tư vấn xem tội này bao nhiêu năm tù để “doạ" cho nhà kia phải bồi thường bao nhiêu.

Khổ nỗi, khi được người am hiểu pháp luật tư vấn, việc đầu tiên là hãy động viên và đưa cô bé đi khám, sau đó báo công an thì gia đình lại tỏ ra khó chịu. Họ chỉ quan tâm là tội này phạt tù mấy năm, đòi bồi thường bao nhiêu thì... vừa. Khi tư vấn viên không đáp ứng được câu hỏi này, họ tắt máy, không một lời chào.

Đúng là cạn lời để nói về những người làm cha mẹ này! Nỗi đau của con trở thành cái cớ để kiếm chác. Một sự ngược tâm đến đau lòng!

Bố mẹ chỉ nghĩ đến túi tiền. Họ không cần biết con gái mới lớn muốn gì, cần gì, cảm thấy gì, có ai hỏi ý kiến em chưa?

Một cô bé khác không may cũng là nạn nhân của vấn nạn xâm hại tình dục. Khi còn đang lo lắng rằng không biết em có rơi vào hoàn cảnh giống cô bé 17 tuổi kia không, thì ơn trời, chuyện tôi đang lo lắng đã không xảy ra.

Biết con gặp “tai nạn”, bố mẹ của em này đã đặt vấn đề tâm lý của con lên hàng đầu. Họ tập trung hồi phục cho cô bé, trấn an, đưa con đi khám rồi đưa về quê với ông bà để tĩnh dưỡng. Đồng thời họ nhờ các mối quan hệ và luật sư quen biết để tìm hướng giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.

Tôi nghe xong, thở phào nhẹ nhõm!

Chuyện không may đã xảy ra với em, nhưng may mắn là em có một gia đình tuyệt vời.

Cùng một môi trường sống giống nhau, nhưng quan niệm về tiền bạc, lối sống, đạo đức đã có những cách hành xử trái ngược nhau.

Gieo nhân nào gặp quả đấy. Ở câu chuyện thứ nhất, người làm cha mẹ chỉ chăm chăm tìm kiếm lợi ích. Họ sẵn sàng mang con ra để mặc cả, kiểu bán cả tương lai của con đổi lấy đồng tiền nhơ nhớp, đứa trẻ sau này không thể mong đợi sự thiện lương.

Trong những đứa trẻ lớn lên phá phách, rạch giời rơi xuống hẳn có nhiều đứa bị tổn thương từ trong trứng nước. Nỗi cô đơn trong sâu thẳm phôi pha tâm hồn, từng bước biến nó thành vô cảm.

Trẻ vị thành niên phạm tôi, trước khi phán xét trẻ hãy xem trẻ sống như thế nào, có được yêu thương? Môi trường như thế nào sẽ tạo ra một cái cây tương tự. Quan điểm gần bùn không tanh chỉ phù hợp với những người đã làm chủ chính bản thân, không thể chờ đợi ở những con người đang độ ăn học, hình thành nhân cách.

Gia đình là cái nôi để yêu thương. Khi con vấp ngã, về với gia đình được chở che, vỗ về. Chỉ như vậy con mới lớn khôn, không khiếm khuyết về nhân cách.

Tôi mong, ngày càng có nhiều hơn những gia đình thứ hai. Nơi vòng tay yêu thương luôn dang rộng…

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

T.V