Múa lân ơi, xin đừng thương mại hóa!

Múa lân ơi, xin đừng thương mại hóa!

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Trung thu đến, khắp nơi nơi trưng đèn hoa rực rỡ, trẻ con háo hức chờ xem múa lân, múa rồng. Vậy nhưng, đáng tiếc, đằng sau cái tết con trẻ ấy, nhiều phụ huynh đã phải bất đắc dĩ bỏ tiền "mua vui". Nhiều phụ huynh muốn tặc lưõi cho xong, nhưng vẫn thấy ấm ức, khó chịu bởi những cách làm tiền rất "thị trường" của các Ban giám hiệu mà... chỉ người trong ngành giáo dục mới nắm rõ...

"Kinh doanh" cả Tết của con trẻ!?

Có thể rất khập khiễng, khi ví von các khoản đóng góp đang đè nặng lên các bậc phụ huynh hiện nay. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh trong hệ thống các trường tiểu học, THCS hiện nay, mức đóng góp đã vượt xa tầm kiểm soát theo quy định của ngành giáo dục. Những khoản thu mang tính tự nguyện đang trở thành nguồn thu ngoài luồng của các trường học, và việc sử dụng các nguồn thu này như thế nào lại căn cứ vào đặc thù riêng của từng trường. Từ đó xuất hiện nhiều khoản chi tiêu trong các trường có độ chênh lệch khá lớn, gây bức xúc cho các bậc phụ huynh. Chuyện tổ chức vui Trung thu theo kiểu "xã hội hóa" và "thị trường" cho con trẻ cũng đang khiến các bậc phụ huynh thêm một phen bức xúc…

Xã hội - Múa lân ơi, xin đừng thương mại hóa!

Một đội múa lân trên phố

Chứng kiến một kiểu tổ chức múa lân tại trường tiểu học L.M tại TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cũng đã thấy nó chướng mắt đến thế nào, dù đây chỉ là một trường mới nổi của một thành phố. Ngay từ ngày 23/9, nhà trường đã tổ chức họp hội phụ huynh nhằm thu các khoản quỹ trong năm học 2012. Chẳng biết Hội trưởng hội phụ huynh thống nhất thế nào, mà tan buổi họp nhiều phụ huynh cứ mặt đỏ phừng phừng, nhưng hỏi gì cũng không thể nói. Tìm hiểu, hóa ra năm nay trường có mời một đội múa lân về gọi là góp vui cho trẻ em theo đúng tiêu chí Trung thu là Tết của em.

Chị Trần Thị M có cô con gái rượu đang theo học tại trường L.M than thở: "Khổ, đóng đến 7 khoản tiền tự nguyện mà chẳng ra đâu vào đâu cả. Nào là tiền phụ cấp bảo vệ, tiền trái tuyến, tiền hoa hồng các dịch vụ thuê ngoài, khiếp nhất là tiền cha mẹ học sinh trường, tiền cha mẹ học sinh lớp, trong đó có cả khoản 15 nghìn đồng/1 cháu để xem… múa lân trong dịp Trung thu. Thôi thì đủ loại, như ma trận vậy! Con nhóc nhà tôi, cứ tèng tèng 1 năm đóng khoảng 1 triệu đồng tiền quỹ tự nguyện, mà trường này có tới 1.200 học sinh, thử nhẩm tính sơ sơ cũng thấy vã mồ hôi hột. Không biết đợt múa lân lần này trường sẽ bỏ ra bao nhiêu trong số quỹ ấy để cho các cháu vui Trung thu đây?".

Chúng tôi thử làm một cuộc điều tra nho nhỏ tại một số quận, huyện thuộc khu vực Hà Nội mới thấy giật mình. Bình quân mỗi cháu phải "đóng góp" chừng 15 - 20 nghìn đồng (đóng trực tiếp hoặc trích từ quỹ chi hội phụ huynh từng lớp) để được xem múa lân trong dịp Trung thu. Như vậy, với trường có từ 1.500 - 2000 học sinh sẽ thu được khoảng 30 triệu đồng. Và để có một đội múa lân trong vòng 1 giờ đồng hồ cho học sinh toàn trường xem, nhà trường chỉ phải trả từ 1 triệu đồng (cho đội múa lân truyền thống; khoảng 7-10 triệu đồng cho đội múa lân dịch vụ). Kể ra, vui thì có vui thật đấy, nhưng liệu có ai đó đã lợi dụng những sự kiện này để làm tiền, trục lợi?

Anh Trịnh Duy Đông, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Năm nào cũng thế, đội múa lân truyền thống của chúng tôi được các trường thuê đến múa cho các em học sinh trong khoảng thời gian 20 - 30 phút, tùy yêu cầu của từng trường với mức chi phí là rất nhỏ - 600 nghìn đến 1 triệu đồng. Vì chúng tôi muốn phục vụ cho các em là chính. Tuy nhiên, hiện nay các đội múa lân truyền thống còn quá ít, thay vào đó là những đội múa lân mang tính thương mại dịch vụ, có hợp đồng và chi phí rất lớn mà nhìn vào các đội múa lân này biết ngay là chỉ múa tiền, nhưng chi phí cũng không quá 10 triệu đồng 1 ca". Như vậy, khoản chênh lệch ngay trong tổ chức chi phí cho múa lân, sẽ đi đâu, về đâu?

Dù nhiều phụ huynh khá bức xúc cho rằng, tại sao nhà trường không trích tiền từ quỹ Hội phụ huynh trường ra để tổ chức vui Trung thu cho các con mà lại đi "bổ đầu học sinh" ra như vậy cho "mất cả lòng hảo tâm?" Tuy nhiên, để bày tỏ quan điểm của mình công khai trên báo chí thì đa số lại tỏ ra e ngại vì… tâm lý vừa nể, vừa sợ các thầy.

Quả thật, cái bản tính dĩ hòa vi quý đôi khi cũng không tốt, nhất là trong các cuộc họp phụ huynh. Trong cuộc họp, khi ban phụ huynh lớp nếu ra các khoản đóng góp tự nguyện thì ai cũng ủng hộ, vỗ tay ầm ầm cho xong chuyện nhưng chỉ ra khỏi cổng trường là lại thi nhau than phiền(!).

Xã hội - Múa lân ơi, xin đừng thương mại hóa! (Hình 2).

Hãy để Trung thu thực sự là Tết của trẻ em

Múa lân ơi! Xin đừng thương mại hóa

Quay lại chuyện múa lân, múa rồng theo "sô" tại các trường học. Mà múa lân nhưng cứ chạy nhảy loạn xạ, chẳng ra đường lối nào cả. Nhạc trống với các diễn viên cứ như chém chả chẳng hề ăn nhập gì với nhau. Thậm chí, mỗi khi ngừng nghỉ, các "diễn viên múa lân" tuổi choai choai tóc nhuộm vàng hoe còn tranh thủ… nói bậy ngay trước mặt con trẻ.

Còn các đội múa lân ngoài đường bây giờ, nhiều nhà khi đội múa lân sắp đi qua là nhà nhà đóng cửa? Bởi những "ông lân", "ông rồng" này đi múa chủ yếu là để xin tiền, ai không cho là không xong. Ai cho ít không lấy, bét nhất cũng từ 10 ngàn đồng! Ngẫm lại dạo trước, khi tiếng trống lân vang lên rộn rã khắp làng trên xóm dưới, nhà nào có mời và treo thưởng thì đội lân sẽ đến múa chúc vui. Đội lân giỏi sẽ thể hiện được tài tiến thoái nhịp nhàng, nhảy cao, trèo giỏi để lấy thưởng. Hình ảnh đội lân đi múa dọc đường làng, ở sân đình dưới đêm trăng rằm tỏa sáng là ký ức khó quên trong thời thơ ấu của mỗi người. Tuy nhiên gần đây, liên tục các đội nhóm múa lân theo kiểu dịch vụ đã ra đời. Họ không chỉ phục vụ tết Trung thu cho các trường học, khu phố theo "đơn đặt hàng" mà còn chuyên đi phục vụ lễ khai trương cho các cửa hàng, cửa hiệu, doanh nghiệp… Đáng kể là cách diễn xuất của những đội này rất lơ mơ, thậm chí giữa điệu trống và điệu múa đầu lân nhiều lúc chẳng ăn nhập nhau. Tranh thủ dịp Trung thu, ngoài những "sô" biểu diễn ở trường học, tối rằm Trung thu, một số đội lân dạng này còn xông thẳng vào nhà dân ven đường thùng thình vài điệu múa qua loa rồi chờ chủ nhà lì xì tiền mới chịu đi. Thực tế, đã có vụ vì tranh nhau chỗ múa lân xin tiền mà đã dẫn đến xô xát giữa hai đội múa lân. Thấy mà buồn…

Một liên tưởng, một ước nguyện

Bỏ qua chuyện rồng, lân và các khoản thu trên trời tại các trường điểm, trường chọn ở các thành phố lớn, tôi chợt nghĩ đến cái Tết Trung thu đầy ý nghĩa của các trẻ em vùng cao nơi địa đầu tổ quốc Hà Giang. Nơi ấy, các thầy cô đến từng nhà học sinh tíu tít gọi các em ra bản rồi cùng nhau múa hát hăng say. Mỗi em chỉ đơn giản có được chiếc đèn ông sao là vui sướng lắm rồi. Và giá như, mỗi cái Tết Trung thu nơi phồn hoa đô hội, các trường trích bớt một phần từ "quỹ đóng góp tự nguyện" khổng lồ kia để ủng hộ cho các em ở những nơi biên viễn có một cái Tết Trung thu theo đúng nghĩa thì tốt đẹp biết nhường nào?

Phạm Dương