Mùa mưa tới, tượng Phật chùa Một Cột vẫn 'mặc áo mưa, đội nón'

Mùa mưa tới, tượng Phật chùa Một Cột vẫn 'mặc áo mưa, đội nón'

Thứ 5, 16/05/2013 | 14:04
0
Trước 30/6, UBND quận Ba Đình sẽ trình sở VH-TT và DL Hà Nội, Cục Di sản phương án tu bổ chùa Một Cột – Diên Hựu. Nếu hai đơn vị này đồng ý mới làm.

Ông Đỗ Viết Bình - chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) khẳng định tại cuộc họp bàn phương án tu bổ chùa Một Cột – Diên Hựu ngày 15/5. Điều này đồng nghĩa với việc các pho tượng trong chùa sẽ tiếp tục phải “mặc áo mưa, đội nón” mỗi khi trời mưa trong mùa mưa bão năm nay.

UBND quận Ba Đình cũng sẽ làm việc với Ban Quản lý Lăng, Bảo tàng Hồ Chí Minh để đưa ra giải pháp tối ưu về thoát nước. Ông Bình cũng cho hay, UBND phường Đội Cấn, quận Ba Đình trước 20-5 phải giải tán toàn bộ các hộ kinh doanh không phép trong khuôn viên nhà chùa.

> Lãnh đạo Sở văn hóa đi 'khám' tượng đội nón, mặc áo mưa

Xã hội - Mùa mưa tới, tượng Phật chùa Một Cột vẫn 'mặc áo mưa, đội nón'

Cứ trời có mây đen các Phật tử tấp nập đi mặc áo mưa, đội nón cho tượng

Ông Nguyễn Doãn Tuân, trưởng Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, nhận định tại cuộc họp: “Chưa có dự án nào long đong, lận đận, vất vả như dự án tu bổ tôn tạo chùa Một Cột – Diên Hựu này”.

“Quá chậm” là nhận xét của ông Nguyễn Quốc Tuấn, viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, khi nói về tiến độ của dự án tu bổ tôn tạo ngôi chùa có một không hai của Việt Nam.

Nhiều năm nay, Chùa Một Cột – Diên Hựu chịu cảnh xuống cấp nghiêm trọng, nước từ mái dột xuống khiến tượng phải đội nón, mặc áo mưa. Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì nhà chùa bức xúc, dù đã được xây hệ thống thoát nước nhưng nếu trời mưa to khoảng một tiếng là chùa vẫn ngập úng vì là “rốn nước”. “Cách đây gần một tuần, Hà Nội mưa to khiến chùa ngập khoảng 45cm, bùn đất và rác thải bám đầy chùa rất mất mỹ quan” - Đại đức cho hay. Ông cũng nói thêm, việc ngập úng đã khiến cá, đặc biệt là cá rô phi phàm ăn, từ nơi khác tràn sang hồ Linh Chiểu ăn hết sen trong hồ. “Hai năm nay sen không còn mọc, chứ không nói là nở được được dưới chân Liên Hoa Đài. Trong khi đó sen là biểu tượng, là linh hồn của chùa Một Cột” - Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết.

Trong khi đó, lãnh đạo quận Ba Đình dự kiến sẽ dành 31 tỉ đồng để tu bổ tổng thể khu di tích thực hiện trên phương pháp bảo tồn nguyên trạng, chỉ thay những yếu tố hỏng. Cụ thể, với chùa Một Cột và hồ Linh Chiểu, dự án sẽ hạ giải từng phần mái, đánh giá và tu bổ nguyên trạng các cấu kiện gỗ; đắp trát, tu bổ bờ nóc, bờ chảy; lợp lại ngói; tu bổ hoa văn, con giống, bậc thang lên chùa, nạo vét hồ, trát vá bề mặt móng, lan can hồ…

Với chùa Diên Hựu sẽ tu bổ các thành phần, hạng mục công trình hiện còn như Tam quan, Tam bảo, nhà Mẫu, phục dựng Nhà Tổ, xây mới nhà Tăng… Tại Tam bảo, sẽ phá dỡ, hạ giải công trình tạm liên quan đến Tam bảo không phù hợp với di tích, hạ giải tu bổ mái công trình, thay mới cấu kiện gỗ hư hỏng bằng chất liệu gỗ tương đương hoặc tốt hơn; trát lại tường, lát lại nền, tu bổ hoa văn, con giống theo nguyên trạng… Tại nhà Mẫu cũng sẽ phá dỡ những công trình cơi nới không nguyên gốc, không phù hợp; hạ giải kết cấu mái, tường, đánh giá tu bổ cấu kiện gỗ, lợp lại mái, lát lại nền…

Không thay cột xi măng

Đại đức Thích Tâm Kiên cho hay về cơ bản, ông nhất trí với thiết kế này. Tuy nhiên, Đại đức cũng bày tỏ muốn được phục dựng nguyên trạng nhà chùa, tức là thay cột xi măng hiện ở chùa Một Cột hiện nay bằng cột đá như thời Lý.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa khoa học đều không đồng tình với phương án này. GS Trần Lâm Biền cho hay ông tán thành ý kiến tu bổ chùa Một Cột, nhưng hỏng đâu chữa đấy, hỏng nhiều quá thì hạ giải để làm thật tốt chứ không phá đi làm lại. “Nếu thay bằng cột đá, phải làm như đúng thời Lý, mà thời Lý nó như thế nào thì còn rất nhiều tranh cãi. “Sử sách đã ghi, trong hồ Linh Chiểu có một cột đá to, trên cột đá có bông sen nghìn cánh, trên bông sen nghìn cánh có tòa nhà đỏ sẫm, trong tòa nhà có tượng Phật mình vàng chứ không phải tượng Quan âm. Nếu có phục dựng thì không thể làm ở chùa Một Cột, mà phải dựng ở một nơi khác” - GS Biền nói.

Theo ông, đây là một ngôi chùa, nhưng trước hết nó là một công trình mang dấu ấn lịch sử. GS Phan Khanh cũng tán thành với quan điểm giữ nguyên hiện trạng chùa Một Cột như hiện nay. GS này  thẳng thắn: “Chùa Một Cột, muốn làm lớn cũng không được”.

Anh Phương

Lãnh đạo Sở văn hóa đi 'khám' tượng đội nón, mặc áo mưa

Thứ 5, 09/05/2013 | 08:45
Chỉ sau khi ra “tối hậu thư” trùng tu gấp Chùa Một Cột, chiều ngày 08/05/2013, lãnh đạo UBND quận Ba Đình và Sở Văn hóa Hà Nội mới xuống “khám” qua loa những hư hỏng nặng trong công trình văn hóa độc đáo đứng đầu Đông Nam Á này.

Clip: Tượng đội nón, mặc áo mưa trong Chùa Một Cột

Thứ 6, 10/05/2013 | 13:58
Như một phản xạ có điều kiện mỗi khi bầu trời có mây đen, là sư thầy và các phật tử lại tấp nập đi mặc áo mưa và đội nón cho các pho tượng trong chùa.

'Chùa Một Cột phải trở thành viên ngọc thời Lý'

Thứ 5, 16/05/2013 | 08:43
GS Phan Khanh - Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: "Trọng tâm của dự án phải là chùa Một Cột, trong đó phải sửa cột chùa thành cột đá và bậc cầu thang lên chùa".

Chùa Một Cột ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Nam thiên nhất trụ (Trời Nam một trụ) được coi là Chùa Một Cột của vùng đất phương Nam.