Nấu cơm ngược đời và bài học về ứng xử với văn hóa và lịch sử

Tháng 7 vừa qua, người dẫn chương trình ẩm thực Hersha Patel của kênh BBC Food (Anh) bất ngờ trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi hướng dẫn nấu cơm theo cách không giống ai.

Gần như ở bất kỳ quốc gia châu Á nào sử dụng gạo làm lương thực chính, cách nấu cơm chuẩn mực nhất vẫn là vo gạo, sau đó đổ nước vào nồi theo tỷ lệ vừa đủ để tránh cơm khô hoặc nhão, cuối cùng cắm điện và chờ cơm chín.

Tuy nhiên, thay vì bước thông thường đầu tiên là vo gạo, người dẫn chương trình của đài truyền hình nổi tiếng nước Anh lại đổ thẳng gạo vào nồi, thêm lượng nước nhiều đến nỗi ai cũng tưởng rằng cô đang nấu cháo, sau đó bật điện. Bất ngờ hơn, khi cơm gần chín, cô lại đổ toàn bộ cơm ra rổ rồi bắt đầu rửa cơm với nước lạnh dưới sự ngạc nhiên vô bờ bến của khán giả.

Theo nữ MC Hersha Patel, làm như vậy để “rửa sạch tinh bột dư thừa” – một quan niệm mà có lẽ những người ăn cơm cả đời chưa nghe đến bao giờ nhưng một cô gái đến từ phương Tây lại tỏ ra rất tự tin để giải thích cho ai đó.

Đoạn video ghi lại màn hướng dẫn nấu cơm nói trên đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi của khán giả châu Á, đặc biệt sau khi một diễn viên hài người Malaysia đang sống ở Anh lên tiếng phản đối. Những bình luận để lại trên video của BBC Food chỉ trích chương trình đã không nghiên cứu kỹ ẩm thực châu Á trước khi quay hình.

Nhiều người tỏ ý tức giận khi bước nấu nướng được đánh giá là đơn giản nhất lại bị dạy sai, không những khiến cho cơm không thể chín mà hướng dẫn sai lệch như vậy sẽ khiến nhiều người không biết vô tình làm theo, làm xấu đi hình ảnh ẩm thực truyền thống châu Á.

Sau cùng, tranh cãi này đã kết thúc một cách êm thấm khi MC Hersha Patel lên tiếng xin lỗi các khán giả châu Á, đồng thời cho biết cô hoàn toàn biết cách nấu cơm, chỉ là lần đó cô phải làm theo công thức mà nhà sản xuất yêu cầu mà thôi.

Thế mới thấy, không phải cứ là đài truyền hình nổi tiếng thì không có những sai sót. Không phải cứ những gì đến từ “phương Tây” đều là chân lý, hay ho cả. Ấy vậy nhưng, từ trước đến nay có không ít người sùng bái các hình thức giải trí như phim ảnh, âm nhạc, truyền hình đến từ nước ngoài.

Nhiều người mặc định những tác phẩm dưới dạng hình ảnh, âm nhạc hay kiến thức được sáng tạo, dàn dựng một cách hoa mỹ, lôi cuốn của nước ngoài đều là những cái nhìn đúng đắn, đậm tính nghệ thuật, dẫn đường chỉ lối và là sự thật 100%. Trong khi chê bai những sản phẩm trong nước được kiểm định kỹ càng chỉ là lối mòn, bảo thủ, khuôn sáo.

Những ý kiến phản đối đề nghị trên thì cho rằng “nghệ thuật là không biên giới”, người xem phim cần được thưởng thức những tác phẩm của bộ môn nghệ thuật thứ bảy một cách trọn vẹn, đầy đủ, không cắt xén, không kiểm duyệt, để nắm trọn vẹn tinh thần và thông điệp mà bộ phim gửi gắm.

Nhưng rõ ràng, cũng giống như câu chuyện nấu cơm không cần vo gạo ở trên, tính địa phương và văn hóa bản địa lại là thứ không phải người ngoài ai cũng có thể thấu hiểu được. Không phải mọi quan niệm, định kiến, tư tưởng của nước ngoài như thế nào cũng có thể ứng dụng vào suy nghĩ của người Việt Nam theo cách tương tự. Hơn nữa cách nhìn nhận sự việc từ bên ngoài rõ ràng thường mang những chủ ý áp đặt hơn là đồng điệu.

Trước đó, bộ phim Madam Secretary trên Netflix cũng bị chỉ trích khi nội dung phim có cảnh quay phố cổ Hội An nhưng lại được chú thích là Fuling, China (Phù Lăng, Trung Quốc), gây sai lệch về chủ quyền lãnh thổ. Cục Điện ảnh nhấn mạnh đây là nội dung sai sự thật, cần thiết phải được xử lý.

Giao lưu và tiếp biến văn hóa có sức chi phối và lung lạc tư tưởng rất mạnh mẽ. Chủ thể giao lưu càng mạnh mẽ, người tiếp nhận bị hấp thụ càng lớn. Trong khi chúng ta rõ ràng đang ở thế yếu hơn khi công cụ truyền tiếp văn hóa của nước ngoài đi trước chúng ta hàng trăm năm. Có thể chúng ta muốn thưởng thức nghệ thuật đầy đủ, nhưng thưởng thức cũng phải chọn lọc kỹ càng để không bị đồng hóa một cách vô tình. Ở khía cạnh ngược lại, ứng xử với văn hóa cần có văn hóa, không thể mang một bản sắc văn hóa ra làm trò đùa, dù bạn là ai, ở bất cứ đâu trên trái đất này.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Khi nấu cơm mắc phải những sai lầm này chẳng khác gì rước bệnh vào người

Thứ 6, 07/08/2020 | 15:52
Không chỉ khiến gạo mất dinh dưỡng, những thói quen xấu này còn khiến cho người ăn “rước” bệnh vào người.