Nên xét tuyển đặc cách cho các giáo viên đã hợp đồng lâu năm

265 giáo viên dạy hợp đồng bậc tiểu học, THCS ở Sóc Sơn, Hà Nội có nguy cơ phải nghỉ việc, bởi vì họ phải trải qua kỳ thi tuyển dụng sắp tới.

Kỳ thi này không giới hạn khu vực, đối tượng và nếu trượt, họ sẽ bị cắt hợp đồng. Trường hợp còn thiếu giáo viên thì các trường mới xem xét ký lại nhưng mức lương không được tiếp nối mà chỉ bằng mức khởi đầu. Nhiều thầy, cô giáo đã dạy hợp đồng ở Sóc Sơn trên 20 năm, có người có 26-27 năm. Một số người hiện đang là giáo viên cốt cán, tổ phó chuyên môn, đảm nhiệm nhiều công việc kiêm nhiệm ngoài nhiệm vụ dạy học ở trường.

Thi tuyển giáo viên là việc làm cần thiết để bổ sung số biên chế còn thiếu của các trường. Thi tuyển là sự cạnh tranh giữa các thí sinh không phân biệt đối tượng, không giới hạn khu vực…thì những giáo viên đã và đang làm hợp đồng nêu trên khó có thể cạnh tranh với các thi sinh khác. Nguyên nhân là do kiến thức thi tuyển hoàn toàn mới, đặc biệt là môn tiếng Anh…nên nhiều giáo viên trước đây được đào tạo ngoại ngữ như tiếng Nga, tiếng Pháp thì khó có thể thi đạt điểm cao. Bên cạnh đó, quá trình tổ chức thi tuyển ai đảm bảo việc thi tuyển diễn ra khách quan, công bằng…nên những giáo viên đã hợp đồng lâu năm lo ngại là hoàn toàn có cơ sở.

Dạy học là một nghề và đã là nghề thì phải được tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm. Kinh nghiệm của giáo viên đã nhiều năm đứng lớp thì các sinh viên mới ra trường không thể có. Mặt khác, những giáo viên hợp đồng lâu năm đã có công đóng góp cho ngành Giáo dục của địa phương, có thầy, cô giáo đã dạy hợp đồng trên 20 năm, dạy dỗ biết bao thế hệ học sinh…

Thi tuyển giáo viên, thực chất là trải qua kỳ sát hạch, người thi chỉ cần ôn luyện nội dung trọng tâm của môn thi là có thể trúng tuyển. Và khi trúng tuyển nhiều tân giáo viên phải mất nhiều thời gian để làm quen với môi trường công việc, tích lũy kinh nghiệm mới có thể dạy tốt. Rồi các giáo viên đã hợp đồng lâu năm nếu không trúng tuyển cũng phải chấm dứt hợp đồng hoặc dù có được ký hợp đồng thì mức lương cũng phải tính lại từ đầu nên rất thiệt thòi cho các giáo viên.

Thực chất nhiều giáo viên muốn theo nghề không phải vì lương cao mà là vì yêu nghề, cái nghề cao quý được học sinh, phụ huynh và xã hội tôn kính. Nhưng đâu đó vẫn còn nhiều giáo viên đang hưởng mức lương rất thấp, phải vất vả mưu sinh để bám trụ với nghề. Do đó, việc xét tuyển hay thi tuyển giáo viên phải tính đến nhiều yếu tố, trong đó nên ưu tiên cho những giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm, dạy giỏi và tâm huyết với nghề…mới góp phần phát triển nền giáo dục. Và nghề giáo là nghề đặc thù, do vậy khi xét tuyển hay thi tuyển cũng nên xét đến yếu tố đặc thù mới đảm bảo tính công bằng.

Hiện nay, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Nội Vụ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị xét đặc cách đối với giáo viên hợp đồng lâu năm ở Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là động thái thể hiện sự quan tâm kịp thời của ngành Giáo dục và vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, có cơ chế xét đặc cách để đảm quyền lợi cho các giáo viên đã cống hiến lâu năm, có nhiều kinh nghiệm…trong công tác.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Hàng trăm giáo viên kỳ cựu lao đao trước nguy cơ mất việc: Thi công chức không nghiêm túc giáo viên càng… sợ

Thứ 7, 30/03/2019 | 08:30
Những ngày qua, nhiều giáo viên ở Sóc Sơn (Hà Nội) dù có nhiều thành tích, được khen thưởng và cống hiến hàng chục năm vẫn đứng trước nguy cơ bị mất việc vì quy định phải thi viên chức, nếu thi trượt coi như thất nghiệp.

UBND thị trấn Thanh Chương nói về việc hàng chục giáo viên quỳ gối khóc xin không đóng cửa trường mầm non

Thứ 4, 13/06/2018 | 20:44
Đại diện UBND thị trần Thanh Chương (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) xác nhận clip ghi lại cảnh hàng chục giáo viên đang quỳ gối xin không đóng cửa trường mầm non được đăng tải trên mạng xã hội facebook là sự việc xảy ra trên địa bàn thị trấn.