Bản chất hành động của Moscow giờ đây đã chuyển biếnvới chiến lược chặt chẽ và mở rộng, nhằm nỗ lực thay thế vai trò mà phương Tây đã thất bại.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không coi Nga là mối đe dọa an ninh trực tiếp trong thời gian ông nắm quyền, ngay cả sau khi sự kiện sáp nhập Crimea diễn ra.
Tuy nhiên, những tiến bộ ở Syria và việc tăng cường các hoạt động ứng phó với phương Tây đã làm nổi bật những tính toán sai lầm về sức mạnh thực tế của Nga.
Trong bối cảnh tồi tệ nhất trong quan hệ ngoại giao kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Moscow một lần nữa nổi lên như một đối thủ địa chính trị quan trọng đối với Washington.
Chính sách kiềm chế chiến lược của phương Tây được cho là không còn thức thời, trong khi sức mạnh về vũ khí của Nga đã được thúc đẩy trước nhu cầu răn đe phương Tây.
Một cường quốc đang vẫn đang từng bước lấy lại vị thế của mình và chỉ có nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, nhưng khả năng của Moscow đã vượt lên tất cả để tiếp tục thách thức vai trò thống trị của phương Tây trên toàn cầu.
Nga ngày nay coi Trung Đông là đấu trường mới để đối đầu với phương Tây. Việc sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng Ukraine đã dẫn đến các biện pháp trừng phạt và cô lập đối với Nga.
Đất nước của Tổng thống Vladimir Putin đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt, giá dầu giảm và một làn sóng đối đầu dữ dội của phương Tây.
Mặc dù tăng cường tiếp cận với Trung Quốc như một giải pháp lấy lại sự cân bằng, Điện Kremlin vẫn đang đứng ở vị trí rủi ro rất lớn khi mối quan hệ với phương Tây bị tổn hại.
Lợi ích địa chính trị
Mặc dù ván cược mà Nga đặt lớn ở Trung Đông có thể vẫn chưa cho thấy kết quả rõ ràng, nhưng mục tiêu quan trọng nhất không phải là về lợi ích kinh tế, dẫu cho Moscow rõ ràng được hưởng lợi từ các hợp đồng quân sự lớn với Ai Cập và các thỏa thuận trị giá hàng triệu đô la với các quốc gia vùng Vịnh.
Trên thực tế, mục tiêu Moscow hướng tới là gặt hái lợi ích địa chính trị để có thể nâng cao vị thế quyền lực của mình, cả trong khu vực và trong mắt của Washington, cũng như châu Âu. Bước vào cuộc chiến ở Syria, cùng với sự hỗ trợ của Tehran trên mặt đất, dường như là một sự đánh cược tốt để đạt được chiến thắng này.
Tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Putin tuyên bố rằng chiến dịch Syria đã vượt quá sự mong đợi của ông. Mặc dù định vị mình là một trung gian hòa giải chính trị, các hành động của Nga không bao giờ chỉ gói gọn trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Syria.
Xây dựng chỗ đứng vững chắc ở Syria bằng các căn cứ quân sự cũng như chiếm lĩnh cửa ngõ giao thoa với các quốc gia khác ở Trung Đông, Nga muốn thúc đẩy vị thế của mình như một nhà môi giới quyền lực toàn cầu.
Trên đường đi, những thành tựu địa chính trị bất ngờ đã phô bày rõ năng lực thật sự của Nga. Điện Kremlin đã tìm ra các cơ hội để biến mình trở thành một thế lực không có bạn bè hay kẻ thù, mà thay vào đó tất cả đều được coi là các đối tác - giữa tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông.
Với Syria và Libya đang gặp khủng hoảng, Saudi Arabia và Iran đang cố gắng đa dạng hóa quan hệ giữa lúc phải đối mặt với một chính quyền đầy khó lường của Tổng thống Donald Trump. Nga lúc này chỉ cần xuất hiện như một sự thay thế phù hợp và duy nhất.
Tổng thống Putin đã liên tục gửi các quan chức đến Trung Đông để giúp cho bánh xe quan hệ lăn nhanh với các các quốc gia có vị thế lớn trong khu vực. Khi các quốc gia phương Tây vẫn còn đang bận rộn với các vấn đề trong nước, nội bộ chính trị rối loạn, Nga với nền chính trị vững vàng, nhất quán đã nhanh chóng bước vào mà không gặp bất kỳ rào cản nào.
Tận dụng
Cây bút Dmitriy Frolovskiy của tờ Middle East Eye đánh giá, Moscow đã cho thấy chủ nghĩa thực dụng của mình trong việc đạt được các thỏa thuận bình đẳng với các đối thủ trong khu vực. Cách tiếp cận của Điện Kremlin được coi là một nhà môi giới trung thực, vô tư hơn Washington.
Trong khi Mỹ bị hạn chế bởi mối quan hệ chặt chẽ với Saudi và Israel, Nga có thể cư xử bình đẳng với tất cả các bên xung đột. Moscow có không gian để soạn thảo các khung hợp tác phản ánh lợi ích chung, như với cơ chế an ninh tập thể được đề xuất gần đây ở vùng Vịnh.
Moscow hiện bị tìm cách thắng thế ở những nơi phương Tây đã thất bại.
Tuy nhiên, cách nhìn này được coi là có xu hướng bóp méo năng lực thực tế của Điện Kremlin. Trên thực tế, Moscow được cho là có chiến thuật lạnh lùng, biết cách lấp đầy khoảng trống trong khu vực nhằm tăng cường vị thế toàn cầu và đạt được đòn bẩy trong mối quan hệ tan vỡ với phương Tây.