Quân đội Ukraine tuyên bố pháo binh của họ đã bắn trúng một kho đạn của Nga gần một cây cầu quan trọng ở miền Nam đất nước hôm 12/8, và cho biết thêm rằng lực lượng này hiện có khả năng tấn công gần như tất cả các tuyến tiếp tế của Moscow trong khu vực.
Theo quân đội Ukraine, cuộc tấn công đã hạ gục 11 binh sĩ Nga tại kho đạn ở làng Vesele, hạ lưu sông Dnipro, tỉnh Kherson, cách nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát khoảng 80 dặm (130 km).
Natalia Humeniuk, người phát ngôn của Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của Ukraine, tuyên bố Ukraine có thể đặt gần như tất cả các tuyến đường tiếp tế phía Nam của Nga trong tầm “kiểm soát hỏa lực”, có nghĩa là Ukraine có thể tùy ý tấn công chúng bằng vũ khí tầm xa.
“Các lực lượng của chúng tôi đang kiểm soát tình hình ở phía Nam, bất chấp kẻ địch cố gắng đưa quân dự bị vào khi hầu hết các tuyến đường vận tải và hậu cần của đối phương đã bị đánh trúng hoặc nằm trong tầm kiểm soát hỏa lực của chúng tôi”, bà Humeniuk cho biết thêm trên truyền hình quốc gia.
Không có bình luận ngay lập tức từ các nhà chức trách Nga về vụ tấn công ở tỉnh Kherson, hoặc tầm bắn có chủ đích của Ukraine. Al Jazeera không thể xác minh độc lập các tuyên bố.
Tuy nhiên, trang The Guardian dẫn bản cập nhật tình hình chiến sự ở Ukraine hôm 13/8 của tình báo Bộ Quốc phòng Anh cho biết, 2 cây cầu đường bộ chính dẫn vào vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở bờ tây sông Dnipro ở vùng Kherson, miền Nam Ukraine, hiện không thể sử dụng được cho mục đích tiếp tế quân sự.
Ngay cả khi Nga cố gắng sửa chữa các cây cầu, chúng sẽ vẫn là điểm yếu trí mạng (trong tuyến tiếp tế của Nga), bản cập nhật cho biết.
Nga sử dụng vũ khí hiếm trên chiến trường Ukraine
Truyền thông Nga đã công bố thước phim ghi lại cảnh quân đội nước này sử dụng “sát thủ diệt tăng” Khrizantema-S trong giao tranh với quân Ukraine trên hướng Donetsk và Mykolaiv, trang Defence Blog đưa tin hôm 12/8.
Đoạn video mới nhất được cho là cho thấy hệ thống tên lửa dẫn đường diệt tăng 9K123 Khrizantema-S của Nga hạ gục một tháp nước ở hướng Mykolaiv.
9K123 Khrizantema-S (NATO định danh là AT-15 Springer) là một hệ thống tên lửa chống tăng tự hành (ATGM) của Nga. Nó là một hệ thống chống tăng sử dụng tên lửa dẫn đường, được thiết kế đặc biệt cho các tình huống chiến thuật đòi hỏi tác chiến chống tăng.
Theo nhà môi giới vũ khí nhà nước Rosoboronexport của Nga, Khrizantema-S được thiết kế để chống lại các mẫu xe tăng hiện đại và tương lai, xe chiến đấu bộ binh và các mục tiêu bọc thép hạng nhẹ khác, các công trình kỹ thuật, xuồng cao tốc, các mục tiêu trên không ở độ cao thấp và tốc độ thấp, các mục tiêu là con người trong các hầm trú ẩn và trong không gian mở, cả ngày lẫn đêm, trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, ngay cả khi trong không khí đầy khói bụi.
Những phương tiện chiến đấu này được đưa vào trang bị cho các lực lượng vũ trang Nga vào năm 2005. Khrizantema-S được chế tạo với số lượng rất ít nên có thể coi nó là vũ khí hiếm của quân đội Nga.
Lầu Năm Góc: Vũ khí Mỹ không được sử dụng để tấn công Nga ở Crimea
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 12/8 cho biết, vũ khí do Mỹ cung cấp không được sử dụng trong vụ tấn công căn cứ không quân Nga ở Crimea. Mỹ cũng không biết nguyên nhân của các vụ nổ kinh hoàng tại địa điểm này, Lầu Năm Góc cho biết.
Không bên nào chính thức nhận trách nhiệm về vụ việc, và Nga gọi vụ việc là một tai nạn, nhưng các nhà phân tích cho rằng các bức ảnh vệ tinh và video trên mặt đất cho thấy đó là một cuộc tấn công.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên: “Chúng tôi chưa cung cấp bất cứ thứ gì cho phép hoặc có thể cho phép người Ukraine tấn công vào Crimea”.
Cụ thể, vị quan chức này khẳng định đó không thể là tên lửa chiến thuật tầm trung, dẫn đường chính xác của Mỹ, được gọi là ATACMS, mà Kiev đã yêu cầu viện trợ và có thể được phóng từ hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp đã có mặt ở Ukraine.
“Đó không phải là ATACMS, bởi vì chúng tôi chưa không cung cấp cho họ (người Ukraine) ATACMS”, vị quan chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Anh: Các vụ nổ ở Crimea làm suy giảm Hạm đội Biển Đen Nga
Các vụ nổ trong tuần này tại sân bay quân sự Saky do Nga điều hành ở Crimea đã làm suy giảm khả năng không quân của Hạm đội Biển Đen Nga, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 12/8.
Theo các báo cáo truyền thông, vụ việc được cho là đã khiến ít nhất 8 máy bay chiến đấu của Nga bị hư hại hoặc phá hủy.
Theo tình báo Anh, ít nhất 5 máy bay chiến đấu ném bom Su-24 và 3 máy bay phản lực đa nhiệm Su-30 gần như chắc chắn đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng khi 4 khu vực chứa bom, đạn không được che đậy bị kích nổ. Tuy nhiên, nguyên nhân ban đầu của các vụ nổ vẫn chưa rõ ràng.
Mặc dù các máy bay phản lực bị hư hại chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số phi đội hàng không Nga, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng khả năng của Hạm đội Biển Đen sẽ bị ảnh hưởng vì Saky được sử dụng làm căn cứ hoạt động chính.
Sân bay có thể vẫn hoạt động, nhưng khu vực tiếp giáp với đường băng trung tâm đã bị thiệt hại nghiêm trọng, Bộ này cho biết.
Căn cứ không quân Saky gần Novofedorivka, Crimea, là nơi đóng quân của Trung đoàn không quân tấn công độc lập số 43 thuộc Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga.
Tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vẫn nóng
Moscow đã bác bỏ lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc thiết lập vùng phi quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, vốn nằm trong tầm kiểm soát của các lực lượng Nga từ đầu tháng 3 và nằm trong một khu vực nơi sẽ trở thành tiền tuyến mới của cuộc xung đột.
Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vasily Nebenzya nói với hãng thông tấn Interfax Nga hôm 12/8 rằng, Moscow phải “bảo vệ” nhà máy Zaporizhzhia. Việc rút quân sẽ khiến cơ sở này “dễ bị tổn thương… trước các khiêu khích và các cuộc tấn công khủng bố”, ông nói.
Tổng thư ký LHQ António Guterres trước đó đã kêu gọi rút toàn bộ quân nhân và thiết bị, nói rằng nhà máy “không nên được sử dụng như một phần của bất kỳ hoạt động quân sự nào” và một khu phi quân sự cần phải được thiết lập.
Cả Mỹ và Pháp đều ủng hộ lời kêu gọi của ông Guterres. Ông Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ, cho biết phái đoàn của ông phải được tiếp cận nhà máy Zaporizhzhia càng sớm càng tốt.
Ukraine và Nga đã cáo buộc lẫn nhau về nguy cơ gây ra thảm họa hạt nhân tại nhà máy này.
Công ty Energoatom của Ukraine cho biết, công nhân của họ vẫn đang vận hành nhà máy dưới sự kiểm soát của người Nga, và nhà máy đã bị tấn công 5 lần hôm 11/8, bao gồm cả cuộc tấn công vào gần nơi chứa các chất phóng xạ.
Kiev cho rằng Nga bắn vào các thị trấn do Ukraine kiểm soát từ địa điểm này vì tự tin rằng các lực lượng Ukraine không thể liều lĩnh bắn trả, và rằng chính Nga đã nã pháo vào khu vực này rồi đổ lỗi cho Ukraine.
Trong khi đó, Nga cho rằng chính Ukraine đã pháo kích vào nhà máy này. Hôm 12/8, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cáo buộc Ukraine đang nã pháo vào chính nhà máy này. “Họ nói đó là Nga”, ông cho biết trên Telegram. “Điều đó rõ ràng là vô nghĩa 100%, ngay cả đối với những người theo chủ nghĩa bài Nga ngu ngốc”.
Ông Medvedev, người hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, bổ sung: “Họ nói rằng điều đó xảy ra hoàn toàn tình cờ, giống như kiểu không cố ý. Tôi có thể nói gì? Đừng quên rằng Liên minh Châu Âu cũng có các nhà máy điện hạt nhân. Và sự cố cũng có thể xảy ra ở đó”.
Chính phủ Đức hôm 12/8 cũng bày tỏ quan ngại về giao tranh đang diễn ra tại khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết, Berlin không có cơ sở nào để xác nhận lời tường thuật của cả Kiev và Moscow về tình hình tại nhà máy này, nhưng Berlin kêu gọi “tất cả các bên ngừng pháo kích vào khu vực cực kỳ nguy hiểm này”.
Quan hệ Nga-Mỹ sẽ gặp rủi ro nếu Moscow bị gắn mác tài trợ khủng bố
Quan hệ ngoại giao song phương giữa Nga và Mỹ sẽ bị tổn hại nặng nề, thậm chí tan vỡ, nếu Washington gắn mác Moscow là nhà tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời một quan chức hàng đầu cho biết hôm 12/8.
Ông Alexander Darchiyev, người đứng đầu bộ phận Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố nếu Thượng viện Mỹ thông qua một đạo luật nhằm vào Moscow, thì điều đó sẽ được coi là Washington đã vượt qua ngưỡng không thể quay lại.
Trong khi đó, Mỹ cho biết họ lo ngại về các báo cáo rằng các công dân Anh, Thụy Điển và Croatia bị buộc tội bởi chính quyền không được công nhận ở miền Đông Ukraine.
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trên Twitter: “Nga và các lực lượng ủy nhiệm của họ có nghĩa vụ tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, bao gồm các quyền và sự bảo vệ dành cho các tù nhân chiến tranh”.
Nền kinh tế Nga thu hẹp do các lệnh trừng phạt
Nền kinh tế Nga giảm 4% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, cơ quan thống kê Nga cho biết hôm 12/8.
Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, tổng sản phẩm quốc nội “đạt 96% mức đạt được trong cùng kỳ năm 2021, ước tính sơ bộ cho thấy”, Rosstat cho biết trong một tuyên bố.
Đây là dữ liệu tăng trưởng hàng quý đầy đủ đầu tiên được công bố kể từ khi Moscow đưa quân vào Ukraine vào cuối tháng 2 và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế gay gắt đối với Nga để đáp trả.
Sau khi GDP của Nga tăng 3,5% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, nước này hiện đang phải đối mặt với một thời kỳ suy thoái kéo dài.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đặc biệt nhắm vào lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Nga.
Ngân hàng trung ương Nga hôm 12/8 dự báo rằng, nền kinh tế nước này sẽ giảm 4-6% trong năm nay và 1-4% vào năm 2023, trước khi trở lại mức tăng trưởng tích cực vào năm 2024.
Minh Đức (Theo Defence Blog, DW, Al Jazeera, The Guardian)