Doanh nghiệp, người lao động lao đao
Chia sẻ với PV Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, chị Lê Thị D., một chủ doanh nghiệp chuyên gia công giày da tại quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, với cương vị là chủ doanh nghiệp, chị phải vay tiền khắp nơi để trả lương hàng tháng cho 120 công nhân làm việc tại công ty.
Đặc thù ngành giày da của chị, phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về, phía công ty chỉ gia công. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nguyên liệu nhập về từ sau Tết khó khăn, từ đó, vấn đề việc làm cho công nhân trở nên gian nan hơn.
Thông thường, công ty của chị phải cho công nhân tăng ca thêm buổi tối, thì nay đã cắt giảm đi rất nhiều. Mỗi tuần công nhân chỉ làm 2-3 ngày, nhưng chị vẫn trả lương cơ bản đầy đủ cho họ theo quy định luật lao động.
Chị D. nói: “Chúng tôi rất khó khăn trong việc chi trả lương cuối tháng cho công nhân. Hàng hóa không có cung ứng, nếu có một phần thì chủ các đơn hàng cũng “ép giá” theo kiểu “do ảnh hưởng dịch bệnh”, đòi giảm 20% giá trị đơn hàng cho họ.
Với tư cách người chủ doanh nghiệp, tôi rất mệt mỏi. Tôi không nỡ bỏ rơi người lao động nên đã cố gắng tới mức cuối cùng để lo tiền lương cho họ trang trải cuộc sống. Nếu kéo dài, chúng tôi sợ không thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của mình”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn K., một chủ kinh doanh bất động sản khu vực quận 9, TP.HCM chia sẻ: “Hàng hóa không bán được, trong khi tiền gốc cùng lãi suất ngân hàng không thay đổi, hiện không chỉ có doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, mà nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang “chết lâm sàng”.
Theo ông K., đã đến lúc Nhà nước cần khẩn trương triển khai các giải pháp giải cứu doanh nghiệp và người lao động để họ tiếp tục duy trì hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh và ổn định cuộc sống sau mùa dịch.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa, ngụ quận Bình Thạnh thông tin, do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty chuyên sản xuất túi xách, ba lô mà chị làm đã quyết định cắt giảm 1/2 nhân sự. Từ đó, cuộc sống của chị và nhiều chị em vô cùng khó khăn.
Ngân hàng đưa ra nhiều gói vay ưu đãi
Theo tìm hiểu của PV, hiện đã có hàng loạt ngân hàng lớn nhỏ tại TP.HCM đã thực hiện chính sách giảm lãi suất sâu, đưa ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi để phục vụ khách hàng.
Cụ thể, ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) khi giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2 - 4,5%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong cả nước.
HDBank sẽ tự động giảm lãi mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải và miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.
Đại diện ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, Vietcombank sẽ kích hoạt gói cho vay mới với tổng dư nợ khoảng 30.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 2,5%/năm so với mặt bằng chung. Và, lãi suất cho vay sau giảm tại ngân hàng này sẽ về mức 4,5%/năm.
Chia sẻ với PV, đại diện ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cho hay, thời gian vừa qua, có nhiều doanh nghiệp, người dân đến ngân hàng SCB để được tư vẫn hỗ trợ các gói vay ưu đãi trong mùa dịch Covid-19.
Cụ thể, từ 12/3 -30/4, SCB triển khai trên toàn hệ thống chương trình đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn với thông điệp “Chung tay vì cộng đồng”.
Theo đó, SCB sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi với mức giảm 0,5% và kỳ hạn trả nợ linh hoạt cho tất cả khách hàng thuộc lĩnh vực xuất khẩu/nhập khẩu nông sản, thủy sản; Kinh doanh du lịch, vận tải, hàng không, kho bãi; Kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú có nhu cầu giải ngân mới/ vay mới với mục đích bổ sung vốn lưu động ngắn hạn.
Đối với khách hàng hiện hữu sẽ được SCB điều chỉnh gia hạn thời hạn trả nợ.
Còn theo ông Ngô Đức Duy, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Phước Thái, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai khẳng định, thời gian vừa qua có rất nhiều khách hàng là người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn đến nhờ hỗ trợ nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Ông Duy cho biết: “Với nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ, họ rất cần nguồn vốn để làm ăn. Họ đến nhờ tư vấn các gói vay để duy trì hoạt động bán buôn, trang trải cuộc sống.
Chúng tôi khẳng định, luôn đồng hành và hỗ trợ bà con trong mọi hoàn cảnh. Với thủ tục vay đơn giản, lãi suất được áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nên rất nhiều bà con tìm đến nhờ hỗ trợ”.
Cũng theo ông Duy, không chỉ vay vốn làm ăn, nhiều người dân lỡ vay ngân hàng mua nhà, mua đất. Thời điểm này, họ mất việc làm, hoặc khó khăn tài chính, họ tìm đến Quỹ Tín dụng Nhân dân để được vay, có tiền xoay xở.
Dù chưa công khai rộng rãi vì chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng vừa qua, Quỹ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho người dân.
“Chúng tôi luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về các hoạt động liên quan Quỹ tín dụng Nhân dân.
Nhờ vậy, thời gian gần đây, cuộc sống nhiều gia đình khó khăn được cải thiện, hộ kinh doạnh, doanh nghiệp vừa và nhỏ tin tưởng, liên hệ để nhờ hỗ trợ nhiều hơn. Đồng thời, hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu “xã hội đen” trên địa bàn đã giảm đi đáng kể”, ông Duy tiết lộ thêm.
Đối với những người lao động tự do, những người không có tài sản cầm cố để vay ngân hàng, theo ông Duy, nên đến tìm hiểu thủ tục vay vốn tại các Quỹ Tín dụng nhân dân tại các địa phương để được tiện lợi hơn.
Vì theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Quỹ này thường để hỗ trợ người dân địa phương trong các lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, tiểu thủ công, công nhân, tiểu thương... Thực tế, nhiều người dân chưa biết đến quỹ này.